Khi mạng người đền mạng chó

Hàng chục kẻ trộm chó đã bị người dân đánh hội đồng đến chết trong hơn hai năm trở lại đây. Phải chăng, vì không còn biết xót thương đồng loại, họ coi mạng chó quý hơn mạng người?

Hàng chục kẻ trộm chó đã bị người dân đánh hội đồng đến chết trong hơn hai năm trở lại đây. Những vụ việc người dân “tự xử” như trên thực sự là hồi chuông báo động về việc chấp hành pháp luật trong một nhà nước pháp quyền.

Mặc cả trên xác người

Theo thống kê chưa đầy đủ được phản ánh qua báo chí, từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 “cẩu tặc” mất mạng vì bị người dân đánh hội đồng, kèm theo đó là hàng chục chiếc xe máy bị thiêu rụi. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, ít nhất 5 trường hợp kẻ trộm chó bị người dân đánh chết.

Những con số thống kê về các trường hợp “mạng người đổi mạng chó” có lẽ còn chưa dừng lại. Đáng ngại hơn, mức độ tàn bạo và manh động trong các vụ việc có xu hướng ngày càng tăng.

Rạng sáng ngày 29/8, người dân thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) nghe tiếng chó sủa nên đã kéo nhau ra đường vây bắt kẻ trộm. Nhìn thấy Nguyễn Xuân Triều và Nguyễn Đăng Cường (cùng trú tại Lệ Thủy, Quảng Bình) đi xe máy mang theo dụng cụ và đồ nghề trộm chó, họ hô hoán nhau rượt đuổi. Triều và Cường chạy được chừng 2 km thì ngã xe và bị vây đánh. Triều chết tại chỗ, còn Cường bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết ngay sau đó.

Mới đây, vào ngày 12/10/2012, Hoàng Công Hiệp (26 tuổi, trú tại xã Nghi Long, Nghi Lộc) và Đào Ngọc Lâm (25 tuổi, trú xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) điều khiển xe máy Exciter đến địa bàn xóm Xuân Phúc, xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để câu trộm chó. Trong lúc đang bắt trộm chó nhà tại nhà ông Phạm Bá Cậy, Hiệp và Lâm bị người dân phát hiện và đuổi bắt. Lâm dùng dao mang theo chém ông Cậy bị thương ở tay và chạy thoát được. Hiệp bị người dân bắt được. Hàng trăm người dân đã xúm vào đấm đá túi bụi khiến Hiệp gục tại chỗ.

Khi mạng người đền mạng chó - 1

Người dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe cứu thương, đòi tiền khiến nạn nhân vừa bị họ đánh hội đồng tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương cũng như lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 20 chiến sĩ có mặt hiện trường, ổn định tình hình và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, xe cứu thương vào được nhưng không ra được do bị bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Cậy) và nhiều người khác đứng chắn trước đầu xe 115 chặn lại. Những người này bắt gia đình nạn nhân phải mang 20 triệu đồng gọi là “phí” thuốc men cho ông Cậy, khi đó mới được đưa đi.

Nhận được tin con đang nguy kịch, ông Hoàng Công Dương (bố Hiệp) vội vã đến hiện trường. Nhưng khi đến nơi thì Hiệp đã tắt thở vì vết thương quá nặng và không được đưa đi bệnh viện kịp thời.

Đau đớn hơn, lúc này gia đình ông Cậy vẫn không chịu cho xe cứu thương đưa thi thể Hiệp về nhà mai táng. Ông Dương phải viết giấy cam đoan giao lại chiếc xe máy của mình cho gia đình ông Cậy. Lúc này, người dân mới chịu để xe cứu thương chở thi thể Hiệp rời khỏi hiện trường.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc mà kẻ trộm chó đã phải lấy chính mạng sống của mình để đền mạng cho… chó. Lấy lý do gì để bao biện cho hành động không còn tính người của những người ở trên. Phải chăng, vì không còn biết xót thương đồng loại, họ coi mạng chó quý hơn mạng người?

Dân thích tự xử, chính quyền ở đâu?

Trao đổi với PV, nhiều luật sư đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng gia tăng đáng báo động của những vụ người dân đánh hội đồng làm chết người.

Luật sư Chu Bá Thực (Công ty luật Dân Việt) cho biết: “Vì bất cứ lý do gì, việc người dân đánh hội đồng khiến nhiều kẻ trộm chó thiệt mạng là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Người dân không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp khác”.

Theo luật sư Thực, với quy định pháp luật hiện hành, những người tham gia đánh kẻ trộm chó đến chết sẽ bị khép vào tội gây thương tích, dẫn đến chết người nếu họ chỉ dùng tay chân tác động vào nạn nhân. Trường hợp những người đánh hội đồng dùng hung khí như gậy, dao… tấn công làm nạn nhân chết thì sẽ bị khép vào tội “Giết người”. Cả hai trường hợp trên đều phải chịu mức án rất nặng. Ngoài tội giết người, các vụ “tự xử” kẻ trộm chó còn có dấu hiệu của các tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng…

Khi mạng người đền mạng chó - 2

Thi thể kẻ trộm chó cùng chiếc xe máy bị người dân xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An) đốt cháy ngày 7/6/2010

Lý giải tình trạng người dân tự xử tăng mạnh trong thời gian gần đây, luật sư Thực cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do khó xác định thủ phạm chính để xử lý, dẫn tới một số đối tượng coi thường pháp luật, cố tình tham gia và kích động người khác đánh hội đồng làm người khác thiệt mạng.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Huỳnh (Trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức) cho rằng: “Cả làng quây đánh một người trộm chó đến chết là hành động coi thường pháp luật nghiêm trọng. Với xu hướng gia tăng như vừa qua, chắc chắn có những kẻ cầm đầu, kích động. Việc người dân vừa làm quan tòa, vừa làm người thi hành án là hành động không thế chấp nhận. Nếu cứ để người dân tự xử như vậy, xã hội sẽ loạn!”.

Bên cạnh sự coi thường pháp luật của một số người dân, luật sư Huỳnh nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng khi để xảy ra những vụ việc trên. Theo ông Huỳnh, chính việc chính quyền không xử nghiêm ngay từ đầu các trường hợp đánh hội đồng làm chết người đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tái diễn hành vi coi thường mạng người, vi phạm pháp luật.

“Mọi vụ án khi có người chết đều xếp vào loại có tính chất nghiêm trọng trở lên. Nhưng lấy lý do “khó xác định thủ phạm”, nhiều cơ quan chức năng đã không sát sao điều tra đến cùng, dẫn đến “hòa cả làng”, người chết thì chịu thiệt, thủ phạm vẫn nhởn nhơ. Rõ ràng, chính quyền không thể vô can trước thực trạng trên”, luật sư Huỳnh phân tích.

Những kẻ thích “tự xử” phải bị xử nặng

Trước tính chất nghiêm trọng của các vụ “tự xử” như đã nêu ở trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý loại hình tội phạm này. Hà Nội là một trong những địa phương đã sớm xử lý kiên quyết các đối tượng có hành vi đánh chết người trộm chó.

Ngày 28/5/2009, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ Lê Công Tôn ở Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) và bảy bị cáo giết chết hai người do nghi ngờ họ trộm chó. Cho dù hai anh H. (25 tuổi) và anh T. (24 tuổi) nói rằng vừa đi sinh nhật bạn về ngang qua thôn nhưng các bị cáo đã xông tới bao vây. Đám đông lao vào hành hung hai thanh niên, truy sát ra tận cánh đồng... Tòa đã tuyên phạt bị cáo Tôn 20 năm tù, những người còn lại chịu mức án từ 12 - 16 năm tù.

Ngày 25/3/2010, TAND TP Hà Nội lại xét xử bảy bị cáo ở thôn Phú Châu (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ) đánh chết ông N.V.T. (43 tuổi) vì nghi ông T. trộm chó trong khi ông hoàn toàn vô can. Ông T. bị bệnh tâm thần. Thấy ông cầm âu cơm đi lang thang trong thôn, một số người tưởng ông trộm chó liền hô to “trộm, trộm” và đuổi theo đánh ông T. đến chết. Tòa đã tuyên phạt các bị cáo mức án 8 - 14 năm tù giam.

Một số vụ trộm chó bị đánh chết trong năm 2012 cũng được cơ quan công an khởi tố, điều tra. Ngày 30/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án “giết người” xảy ra tại thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, H.Gio Linh) đã nêu ở phần trên.

Liên quan đến vụ “mặc cả trên xác người” khiến nạn nhân – kẻ trộm chó thiệt mạng do không được đi cấp cứu, ngày 15/10, cơ quan Công an huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã ký quyết định để nghị khởi tố vụ án giết người, điều tra làm rõ các đối tượng gây nên cái chết cho Hoàng Công Hiệp.

Những kẻ phạm pháp phải bị xử nghiêm trước pháp luật. Mọi người dân đều phải hành động theo pháp luật, có như vậy, tính thượng tôn pháp luật mới được đảm bảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Minh (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN