Khi "cái bang" dùng xe máy để hành nghề

Mọi người vẫn quen với hình ảnh người ăn xin nhếch nhác, khuôn mặt rầu rĩ đầy tội nghiệp rong ruổi ở các con đường, góc chợ, quán ăn. Không mấy ai ngờ “dân cái bang” ngày nay còn đội lốt người trí thức để hành nghề một cách tinh quái.

Từ hỏi thăm đường... đến xin tiền

“Đời lắm người chai mặt thế, không trừ cách một cách nào để lừa tiền của thiên hạ”, Bích Liên bức xúc khi kể lại câu chuyện “bi hài” vì giúp nhầm người của mình. Một lần vào giữa buổi trưa nắng gay gắt khi qua vòng xuyến Khuất Duy Tiến (Hà Nội), Liên thấy một thanh niên ăn vận rất lịch sự và chỉnh chu đang lững thững dắt chiếc xe máy wave S đời cũ đi cùng chiều với mình. Vừa đi ngang qua chàng thanh niên thì có tiếng gọi giật lại “Này em ơi, cho anh hỏi thăm chút”. Lúc đó là gần 12 giờ trưa, đường rất vắng nên Liên có phần ái ngại và dè chừng.

Dừng xe, cô để cho người thanh niên này chủ động hỏi tiếp xem có chuyện gì xảy ra: “Em gái ơi, em có biết cách đây bao xa nữa có chỗ đổ xăng không? Anh mượn xe đi đón bạn ở bến xe Hà Đông mà quên không để ý là hết xăng”. Thấy vậy, Liên không ngần ngại chỉ cây xăng phía trước cho anh thanh niên này và chào để đi tiếp.

Nhưng chưa kịp cho cô chào hết câu thì anh này níu tay lái với vẻ mặt băn khoăn: “Thôi chết rồi, anh vội đi quá quên không nhét ví vào túi!”. Không dừng ở đó, người thanh niên này còn giãi bày đủ sự trớ trêu của mình: “Đen đủi cho anh quá lại đi đón mẹ từ quê ra, không biết giấu mặt vào đâu!”.

Rồi thanh niên này gợi ý luôn: “Em có thể giúp anh mấy chục đổ xăng không?”. Liên chưa kịp phản ứng thì anh này trấn an Liên: “Ngại quá lại nhờ người không quen biết như em, nhưng bạn bè anh không có ai ở dưới này”. Thấy thương tình, Liên rút 40.000 đồng đưa cho anh này mà không mảy may suy nghĩ.

Khi "cái bang" dùng xe máy để hành nghề - 1

Nhiều người đã coi việc đi xin tiền là một nghề (Ảnh minh họa)

Sợ bạn bè sẽ không tin câu chuyện của mình và cho cô là “dại trai” nên Liên không tâm sự với ai. “Chuyện vỡ lẽ” khi chính cô lại bắt gặp đúng anh chàng mình đã giúp đỡ giở chiêu cũ ở đường Nguyễn Tuân. Liên nhận ra ngay bộ dạng thư sinh trí thức, bộ quần áo sang trọng với cách dắt xe trên đường ngó nghiêng nhìn xung quanh của hắn. Lúc này cô mới biết mình bị lừa, lòng tốt của mình bị lợi dụng.

Cảnh giác những quái chiêu “ăn xin đường phố”

Hiện nay, dọc các con phố, quán ăn cho đến các trường đại học, khu chợ sinh viên có rất nhiều người ăn xin. Những ông bà già đến 70 – 80 tuổi, ăn mặc rách rưới, khuôn mặt khắc khổ cầm chiếc nón mê miệng lẩm bẩm xin tiền người đi đường “rủ” chút lòng thương... Nhiều người phụ nữ còn khỏe mạnh nhưng cũng bế bồng con đi ăn xin. Hay thường gặp hơn cả là những ông già thổi sáo khuôn mặt buồn rầu với đứa cháu nhỏ đi xin tiền ở các quán ăn, hàng nước…

Ở một quán nước quen, hay một khu chợ quen nhiều người có thể gặp nhiều lần hình ảnh một người đi ăn xin từ ngày này qua ngày khác. Đó gần như đã trở thành một nghề kiếm sống của họ. Ngày nào đứa trẻ trên tay người phụ nữ cũng khóc mếu một cách đầy tội nghiệp, ngày nào người cha với đứa con nhỏ cũng ngả mũ một cách “đáng thương” xin tiền và ngày nào bà cụ già cũng đội chiếc nón mê cúi đầu lẩm bẩm xin tiền ở cổng trường... Nhìn rất đáng thương.

Ngay ở quán trà đá vỉa hè, nơi thư giãn dành cho những người bình dân nhất cũng là địa bàn hoạt động thường xuyên của “dân cái bang”. Chợ đêm sinh viên Phùng Khoang (Hà Nội), một địa điểm luôn tấp nập hàng trăm con người với đủ các dịch vụ vỉa hè vào các buổi tối cũng là nơi “bám nghề” của dân “cái bang”. Nếu là khách quen trà đá ở gần khu chợ thì hẳn không một người nào không quen mặt một cái bang độå “thất tuần” chân trần thổi sáo cùng “đệ tử lì lợm” xin tiền. Chỉ cần ngồi một lúc khi thưởng thức xong bài sáo của “cái bang” này thì người nào tinh ý có thể bắt gặp cái nháy mắt đầy ăn ý của hai “thầy trò”.

Sau cái nháy mắt đệ tử nhỏ tuổi sẽ nhanh chân đến các bàn thực hiện chiến lược “chây lì xin tiền” của mình. Cậu bé chìa chiếc mũ rách ra giọng nài nỉ nhưng rất ngắn gọn với lí nhí những âm thanh tội nghiệp: “anh chị ơi!”. Cứ thế cậu bé đợi cho đến khi nào đối phương “hạ gục” chịu đưa tiền mới đi, còn không cứ đứng đưa chiếc mũ trước mặt như kiểu thách thức tính tự trọng của khách.

Có khi quán trà đá đông khách cậu nhanh nhẹn tìm đến những bàn của cặp tình nhân đang trò chuyện. Người con trai sợ mất hình tượng trước mắt người đẹp đành móc túi đưa tiền. Có lần được nhiều tiền, cậu “vớ ngay” đút vào túi quần và lẩn thật nhanh đến bàn khác. Và cứ thế, không biết tự lúc nào dân cái bang ngày càng nhiều hơn về số lượng cũng như hình thức hành nghề. Và cũng không lạ khi du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam có một ấn tượng xấu bởi nhiều người ăn mày bằng mọi cách xin tiền của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN