Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây

Sự kiện: Kiên Giang

Cầu Cao Lãnh sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho QL1, đồng thời hình thành một trục cao tốc phía Tây từ TP HCM đến Kiên Giang trong tương lai.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 1

Các đại biểu cắt băng thông xe cầu Cao Lãnh

Sáng 27/5, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khánh thành cầu Cao Lãnh và đường nối thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cầu Cao Lãnh là công trình hữu nghị giữa Việt Nam với Australia. Phó Thủ tướng cảm ơn bà Ngoại trưởng Julie Bishop đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Australia đến tham dự buổi lễ quan trọng này, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giữa 2 nước.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Để vùng ĐBSCL phát huy hết tiềm năng lợi thế, phát triển bền vững thì việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là yêu cầu hết sức bức bách và cần thiết. Trong đó, dự án cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống là dự án kết nối của trung tâm đồng bằng MêKông.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khánh thành cầu Cao Lãnh

“Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng có kiến trúc đẹp, được xây dựng bằng công nghệ hiện đại. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT, các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, các nhà thầu đã quan tâm đẩy mạnh tiến độ thi công để công trình này hoàn thành đúng tiến độ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 3

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu 

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là sự kiện hết sức trọng đại của người dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng và người dân khu vực ĐBSCL nói chung.

Cây cầu được áp dụng các công nghệ có tính đột phá. Tại vùng ĐBSCL, từ sau khi xây dựng cầu Mỹ Thuận vào năm 2000, ngành Giao thông đã triển khai nhiều dự án quan trọng như: cầu Rạch Miễu, Cần Thơ, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển nối Kiên Giang với Cà Mau… góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Cầu Cao Lãnh sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho QL1, đồng thời hình thành nên một trục cao tốc phía Tây từ TP.HCM đến Kiên Giang trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, từ công tác thu xếp vốn cho đến GPMB triển khai dự án. Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến người dân tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng phải di dời nhà cửa, ruộng đất trong quá trình triển khai xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống.

Bộ trưởng biểu dương Tổng công ty Cửu Long (Cửu Long CIPM), các nhà thầu, đơn vị tư vấn, nhà tài trợ không ngừng phấn đấu trong công tác triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 4

Người dân hai bờ sông Tiền háo hức chờ giây phút thông xe

Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh được đầu tư bằng các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 7.500 tỷ đồng.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 5

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cầu Cao Lãnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển của địa phương

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cầu Cao Lãnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho cả vùng ĐBSCL. Công trình hoàn thành đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của nhân dân đôi bờ sông Tiền, của nhân dân vùng ĐBSCL và cả nước, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi giữa TP.HCM, các tỉnh Ðông Nam Bộ với ĐBSCL.

Khánh thành cầu Cao Lãnh, rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM về miền Tây - 6

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền chính thức thông xe ngày 27/5.

Ông Trần Văn Thi, TGĐ Cửu Long CIPM cho biết cầu Cao Lãnh có chiều dài khoảng 2,01km và đường nối dài khoảng 23,45km thuộc địa phận TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu.

Cầu Cao Lãnh được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây với nhịp chính dài 350m, thông thuyền 37,5m, trụ tháp hình chữ H cao 123,4 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ được thiết kế tách làn, đảm bảo ATGT trong quá trình khai thác, đường nối được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m gồm: 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80Km/h.

Dự án cầu Cao Lãnh và đường nối đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 10/2013, qua hơn 4 năm thi công xây dựng đến nay đã hoàn thành và đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thống nhất nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

TP.HCM: Hình ảnh không ngờ tại cầu vượt thép trong ngày đầu thông xe

Trong ngày đầu thông xe nhánh cầu vượt thép “giải cứu” kẹt xe ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, nhiều người không khỏi bất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Phú-Hải Đường (Báo giao thông)
Kiên Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN