Khẩn trương di dời nhà máy Công ty Rạng Đông

Binh chủng Hóa học đang hoàn tất phương án để sớm vào cuộc xử lý vật tư, hóa chất và tiêu độc sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

Ngày 10-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông).

"Hà Nội đang làm tất cả những gì có thể"

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Công an TP sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra thì khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho Công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại; sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.

Nhiều người dân quanh khu vực vụ cháy nhà máy của Công ty Rạng Đông đã di dời đi nơi khác Ảnh: HUY THANH

Nhiều người dân quanh khu vực vụ cháy nhà máy của Công ty Rạng Đông đã di dời đi nơi khác Ảnh: HUY THANH

Công ty Rạng Đông có trách nhiệm ký hợp đồng thu gom toàn bộ các chất thải, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại để xử lý; phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Hóa học tẩy độc ngay toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Kinh phí do Công ty Rạng Đông thanh toán.

UBND quận Thanh Xuân tổ chức thực hiện dự án cống hóa mương thoát nước còn lại của hệ thống thoát nước từ ngã ba Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi đến sông Tô Lịch, gần khu vực Công ty Rạng Đông bằng nguồn vốn ngân sách TP, hoàn thành trong năm 2019.

Yêu cầu Sở Y tế chủ trì cùng UBND quận Thanh Xuân khám sức khỏe miễn phí cho các cháu và cô nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hút bùn, khơi thông hệ thống cống rãnh, thoát nước thải xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, hoàn thành trước ngày 20-9. Đề nghị Bộ Tư lệnh Hóa học - Bộ Quốc phòng hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải cũng như quy trình tẩy độc.

Lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng) cho biết đã nhận được công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội về việc vào cuộc xử lý sự cố môi trường tại Công ty Rạng Đông. Đến nay, viện đã có kết quả giám định mẫu nhưng vẫn đang nghiên cứu, hoàn tất phương án xử lý và sẽ vào cuộc ngay khi các cơ quan thống nhất phương án.

Ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết vụ cháy là sự cố rất đáng tiếc. TP Hà Nội "đang làm tất cả những việc có thể làm được" với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa hậu quả sau vụ cháy.

Sở Y tế Hà Nội ngày 10-9 cho biết đã có hơn 1.400 người dân đến khám và tư vấn miễn phí tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung. Trong số gần 600 người được chuyển đến các bệnh viện của TP thực hiện xét nghiệm chuyên sâu có hơn 300 người được bác sĩ chỉ định nhập viện. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, nhiều bệnh nhân đã xin về theo dõi sức khỏe tại nhà. Theo Sở Y tế Hà Nội, kết quả xét nghiệm thủy ngân trong máu và nước tiểu đối với các bệnh nhân nhập viện đều trong ngưỡng an toàn.

Cần truy cứu những người bưng bít thông tin

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần khởi tố vụ án để điều tra.

Việc Công ty Rạng Đông báo cáo không trung thực trong việc sử dụng thủy ngân lỏng đã làm cho cơ quan chức năng không nắm được sự thật dẫn đến việc ứng phó sự cố, cảnh báo người dân không kịp thời. Theo ông Nhưỡng, phải làm rõ và truy trách nhiệm việc này. Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng lưu ý cần làm rõ thông tin từ dư luận cho rằng "có khả năng đây là vụ dàn dựng để chuyển giao mục đích sử dụng bất động sản sang dự án nhà ở thương mại".

Còn theo luật sư (LS) Trần Xuân Tiền (Văn phòng LS Đồng đội, Đoàn LS TP Hà Nội), để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, cần làm rõ nguyên nhân khiến vụ cháy xảy ra. Theo đó, trường hợp vụ cháy được xác định do sự kiện bất khả kháng, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo khoản 2 điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015.

Ngoài trường hợp này, hậu quả của vụ cháy gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo nguyên tắc tại điều 585 bộ luật này. Công ty có trách nhiệm bồi thường khi tài sản của người dân bị hư hỏng, đồng thời phải bồi thường về sức khỏe bao gồm các khoản: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...

Về mặt trách nhiệm hình sự, khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh Công ty Rạng Đông vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỉ lệ từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản trên 1 tỉ đồng thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường" theo điều 237 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Hình phạt cao nhất có thể đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Việc Công ty Rạng Đông đã thừa nhận sử dụng thủy ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn nhưng trước đó lại khẳng định không sử dụng hóa chất này cần coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ sai phạm có yếu tố cá nhân và mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm này đối với hậu quả gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân để có hình thức xử lý. "Những cá nhân có trách nhiệm nhưng đã bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật" - LS Cường nhấn mạnh.

Chỉnh sửa thông tin báo cáo

Sáng 10-9, kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông bất ngờ biến mất trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, thông báo này xuất hiện trở lại nhưng đã chỉnh sửa.

Cụ thể, thông báo ngày 6-9 nêu rõ: "Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31-8-2019 cùng với sự đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng". Nội dung bản ngày 10-9 đã bỏ các cụm từ "qua đấu tranh", "công ty mới thừa nhận". Bản thông báo mới vẫn giữ nguyên con số về lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường đã công bố trước đó là từ 15,1-27,2 kg.

Hiểu chưa đầy đủ về thủy ngân

Thủy ngân tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Con người có thể bị phơi nhiễm thông qua nghề nghiệp và chế độ ăn uống. Việc nấu chín thực phẩm không loại bỏ được thủy ngân. Sau khi vụ cháy xảy ra, thông tin về thủy ngân đang khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Tôi cho rằng một số người đang hiểu sai về bản chất của vấn đề, thậm chí có nhiều thông tin nhấn mạnh về hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí gấp 1,6 lần, thậm chí có người còn thất vọng khi kết quả đo đạc ở khu dân cư nằm trong ngưỡng an toàn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ có khuyến cáo về tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống là 1 mcg/lít nước và 1 mcg thủy ngân trong 1 m3 không khí. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam giới hạn trong nước uống từ vòi cũng như của WHO là 1 mcg/lít. Còn đối với nước đóng chai quy chuẩn quốc gia cho phép tới 6 mcg/lít, tức là gấp 6 lần và đúng bằng kết quả được Bộ TN-MT công bố về xét nghiệm nước thải ra sông cách nhà máy 500 m. Điều đó có nghĩa là hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí khu dân cư gần nhà máy là 1,6 mcg/lít, mới xấp xỉ tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và là ngưỡng an toàn đối với sức khỏe.

Những dấu hiệu ngộ độc như ho, đau đầu... thì kể cả khói của đám cháy cũng gây ra hiện tượng này chứ không nhất thiết là thủy ngân. Còn các triệu chứng lâm sàng ngộ độc cấp do khí thủy ngân thì chỉ xuất hiện khi nồng độ thủy ngân không khí từ 1 mcg thủy ngân trong 1 m3 không khí. Như vậy, nếu không khí ở ngưỡng đo cho phép an toàn, người dân có thể về ăn ở, sinh hoạt.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế)

Sức khỏe hai cảnh sát cứu hỏa ảnh hưởng do vụ cháy Cty Rạng Đông giờ ra sao?

Tính từ ngày 6/9, ngày đầu tiên Sở Y tế Hà Nội tiến hành khám sức khỏe cho người dân ảnh hưởng bởi vụ cháy tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Cháy nhà xưởng Rạng Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN