Khẩn cấp ứng phó hạn hán

Các biện pháp khẩn cấp đang được nhiều địa phương triển khai nhằm giúp người dân không bị thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu do hạn hán diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành ĐBSCL, khu vực miền Trung và Tây Nguyên

13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang trong tình trạng hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng nhiều địa phương.

Quân khu 9 tặng bồn trữ nước cho người dân khó khăn ở xã Biển Bạch, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Quân khu 9 tặng bồn trữ nước cho người dân khó khăn ở xã Biển Bạch, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Huy động mọi nguồn lực giúp dân

Tại tỉnh Cà Mau, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khô hạn kéo dài đã làm cho nhiều con kênh tại vùng ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời bị khô trơ đáy, hàng ngàn hộ gia đình không chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Trước tình hình trên, ngày 8-4, Quân khu 9 đã dùng 3 tàu vận tải chở khoảng 1.700 m3 nước ngọt từ Cần Thơ xuống Cà Mau để cung cấp miễn phí cho người dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn tại các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh.

Trên tinh thần không để người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất sử dụng 10 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để nối dài đường ống, xây dựng các trạm cấp nước, mua dụng cụ trữ nước hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn… Những khu vực có trạm cấp nước thì luân phiên tổ chức cấp nước cho nhân dân; nơi không có trạm thì bơm nước vào bồn trữ nước rồi đặt tại các nhà văn hóa ở ấp, xã… để người dân đến lấy về sử dụng.

Trong 2 ngày 7 và 8-4, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại huyện Tân Phú Đông - địa phương đầu tiên ở ĐBSCL được UBND tỉnh Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga (ngụ xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), cho biết gia đình đã có sự chủ động từ những năm trước nên một phần trữ nước ngọt, một phần trữ và lắng nước mặn để sử dụng song song trong sinh hoạt. Hiện chính quyền địa phương cũng đã bố trí các điểm cấp nước công cộng gần nhà để kịp thời hỗ trợ người dân.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông, tổng trữ lượng nước của các ao cấp nước ngọt trên địa bàn huyện chỉ còn 64.000 m³. Trước tình hình này, Phòng NN-PTNT huyện đã vận động được 2 nhà hảo tâm hỗ trợ thêm hơn 2.500 m³ cho ao chứa nước của huyện. Một số nhà hảo tâm khác cũng đã đồng ý hỗ trợ bồn chứa và hàng ngàn m³ nước cho người dân trên địa bàn. "Trước mắt, huyện cần thêm 20.000 m³ cho ao chứa này, sau đó duy trì mỗi ngày 2.000 m³ thì sẽ bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện trong cao điểm hạn, mặn này" - một lãnh đạo của Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông thông tin.

Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL cũng đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó tình hình khô hạn dự báo còn kéo dài trong thời gian tới. Ngay trong ngày 8-4, UBND tỉnh Kiên Giang đã họp bàn, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục chủ động thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tại Long An, cùng với các cấp chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đã điều động lực lượng và 6 xe tải hàng ngày chở các bồn nước sạch đến tận các địa phương đang thiếu nước cục bộ để nước cấp miễn phí cho người dân.

Nhiều ao hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trơ đáy. Ảnh: CAO NGUYÊN

Nhiều ao hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trơ đáy. Ảnh: CAO NGUYÊN

Báo động sông, hồ cạn kiệt

Trong khi đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhiều hồ, đập, sông suối trơ đáy, nông dân đang gồng mình chống hạn, cứu cây trồng.

Với hơn 21.000 ha cà phê, Đắk Mil là vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, toàn huyện có khoảng 6.200 ao, hồ, giếng khoan, phục vụ sản xuất cho khoảng 20.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, sau 3-4 đợt tưới cho cây trồng, hầu hết ao, hồ, giếng khoan đã cạn kiệt nước.

Tại Đắk Lắk, nắng nóng kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối, hồ đập đang giảm nhanh, một số nơi đã cạn kiệt. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 62.000 ha cây trồng ngắn ngày bên cạnh hơn 200.000 ha cà phê và khoảng 100.000 ha điều, hồ tiêu, cây ăn quả nên nhu cầu nước tưới là rất lớn. Với tình hình khô hạn như hiện nay, dự báo đến cuối vụ, toàn tỉnh có khoảng 8.000 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới.

Tại tỉnh Lâm Đồng, các hồ thủy lợi quy mô lớn và vừa có mực nước giảm trung bình từ 0,5 đến 3,5 m, dung tích tích trữ còn lại khoảng 65%; các hồ chứa nhỏ giảm trung bình từ 1-4,5 m, dung tích tích trữ còn lại khoảng 45%. Bên cạnh đó có một số hồ thủy lợi mực nước xuống bằng mực nước chết. Nguồn cấp nước bị thiếu khiến khoảng 2.110 ha cây trồng ở các huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh có nguy cơ bị ảnh hưởng. Khô hạn cũng làm nhiều địa phương của tỉnh này thiếu nước sinh hoạt kéo dài nhiều tháng qua.

Hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh, thành miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Định đang tập trung các biện pháp ứng phó hạn hán. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường giám sát, điều phối vận hành các hồ chứa, hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, để bảo đảm cung cấp đủ nước đủ cho thành phố đến cuối mùa cạn và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng vừa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm tham mưu, xác định khả năng bố trí kinh phí từ ngân sách thực hiện các giải pháp chống hạn. Kinh phí cập nhật theo thực tế là khoảng 67,58 tỉ đồng, dự kiến dùng nạo vét cửa lấy nước đầu mối tại công trình thủy lợi trên địa bàn. 

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ NN-PTNT, từ nay đến giữa tháng 5-2024, tại ĐBSCL có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13-4, từ ngày 22 đến 28-4 và từ ngày 7 đến 11-5). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin tình hình về từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân trên địa bàn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao, để có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.

B.Trân

Phải có biện pháp lâu dài

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa có chuyến công tác tại các tỉnh ĐBSCL để kiểm tra và họp bàn giải pháp ứng phó với hạn mặn cũng như giải pháp lâu dài, chủ động sống chung với hạn mặn ở khu vực này. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; khẩn trương kết nối các hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL theo lưu vực sông; nhân rộng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ mỗi hộ gia đình, cụm dân cư. Về lâu dài, phải có một chiến lược tổng thể phòng, chống hạn mặn của ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng thông tin bộ này sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu thủy văn toàn vùng ĐBSCL; tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống thiên tai; khẩn trương công bố và cập nhật kịch bản nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mê Kông.

Tại cuộc họp với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn diễn ra hôm 7-4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có giải pháp lâu dài cho vấn đề ứng phó hạn, mặn. Cụ thể là cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thủy lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn... theo quy hoạch và điều tiết hài hòa nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển, với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các tỉnh ĐBSCL rà soát các dự án cấp bách, đáp ứng được các mục tiêu chung, mang tính hiệu quả cao, có thể giúp vùng chuyển nhanh sang trạng thái phát triển bền vững.

V.Duẩn

Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn, tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN