Khẩn cấp rà soát táo Mỹ gây chết người vào VN
Loại táo Mỹ nhiễm vi khuẩn chết người Listeriosis được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam.
Mới đây, nhà chức trách Mỹ đã quyết định thu hồi sản phẩm táo Mỹ mang nhãn hiệu Granny Smith và Gala sau khi phát hiện các sản phẩm này đã bị nhiễm khuẩn Listeriosis tại một cơ sở chế biến táo ở Shafter, bang California, Mỹ.
Nhà chức trách Mỹ khuyến cáo khách hàng nên vứt bỏ những quả táo có nguồn gốc từ trang trại Bidart Bros ở Bakersfield hoặc nếu không xác định được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của táo Mỹ.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vi khuẩn Listeriosis có thể gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn mửa và cứng cổ ở những người nhiễm khuẩn, thậm chí có thể gây tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), cho đến ngày 9/1/2015, đã có 32 người bị nhiễm khuẩn Listeriosis tại 11 bang của nước Mỹ sau khi sử dụng các sản phẩm táo Granny Smith và Gala, trong đó có 31 người đã phải nhập viện.
Trong số các bệnh nhân này đã có 7 người tử vong vì vi khuẩn Listeriosis, 10 ca mang thai và đã có một người bị sẩy thai sau khi nhiễm khuẩn.
FDA khuyến nghị khách hàng không nên ăn táo Granny Smith và Gala đang bị thu hồi, đồng thời kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ của các loại táo Mỹ trên thị trường trong nước và các nước nhập khẩu.
FDA cho biết sản phẩm táo Granny Smith và Gala đã được xuất khẩu sang Việt Nam và một số nước khác như Malaysia, Philippines, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan, UAE... Lô hàng táo nhiễm khuẩn cuối cùng được xuất khẩu khỏi nước Mỹ vào ngày 2/12 vừa rồi.
Sau khi nhận được thông báo từ nhà chức trách Mỹ, Malaysia là nước có phản ứng quyết liệt nhất khi ra lệnh cấm nhập khẩu và lưu hành các sản phẩm táo bị nghi ngờ nhiễm khuẩn Listeriosis.
Sản phẩm táo nhiễm khuẩn được bán tại các quốc gia nhập khẩu với tên gọi Big Big và Granny’s Best, tuy nhiên nhà sản xuất ở Mỹ nói rằng chúng có thể được lưu hành với tên gọi khác hoặc không hề có tên gọi, khiến nhiều người tiêu dùng và nhà phân phối trở nên lúng túng trước lệnh cấm của chính phủ Malaysia.
Bộ Y tế Malaysia cũng đã khuyến cáo người dân không nên mua các loại táo không rõ nguồn gốc xuất xứ, mặc dù họ khẳng định rằng vi khuẩn Listeriosis không quá nguy hiểm và có thể chữa trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Mặc dù vậy, người già, phụ nữ có thai và trẻ em là những đối tượng cần theo dõi đặc biệt nếu nhiễm loại vi khuẩn này.
Nhà chức trách Malaysia cũng đã thực hiện các bài kiểm tra ngẫu nhiên đối với các mẫu táo xanh và táo đỏ xuất xứ từ Mỹ tại các khu chợ địa phương, nhưng kết quả kiểm tra phải vài ngày nữa mới có.
Trong khi đó, Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm và Nông sản Thái Lan (ACFS) cho hay họ không phát hiện thấy bất cứ loại táo Mỹ nhiễm khuẩn nào nhập khẩu vào nước này.
ACFS đã lấy mẫu các loại táo Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm táo Gala và Granny Smith tại các cửa hàng, siêu thị ở Bangkok và khu vực lân cận để kiểm tra nhưng không phát hiện bất cứ sản phẩm táo nào có nguồn gốc từ Bidart Bros.
Mặc dù vậy, ACFS cũng hướng dẫn các đơn vị nhập khẩu táo kiểm tra kho hàng của mình và ngay lập tức hoàn trả sản phẩm nếu phát hiện bất cứ lô táo nào có nguồn gốc từ Bidard Bros.
Sau khi nhận được thông báo của FDA, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp như rà soát các sản phẩm bị cảnh báo và thông báo với doanh nghiệp nhập khẩu để kịp thời thu hồi sản phẩm liên quan (nếu có).
Ngành y tế cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động theo dõi các ca ngộ độc thực phẩm có triệu chứng liên quan đến nhiễm khuẩn Listeriosis để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý phù hợp.