Khẩn cấp hỗ trợ miền Tây chống dịch
Khẩn trương tập trung phân bổ, bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên.
Trong tình hình số ca nhiễm COVID-19 tại các tỉnh miền Tây tăng nhanh, các địa phương này đang căng mình kiểm soát dịch cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và TP.HCM.
Kích hoạt các BV điều trị COVID-19, kêu gọi chi viện
Tại Cần Thơ, Sở Y tế vừa kích hoạt thêm các bệnh viện (BV) điều trị COVID-19, tổ chức việc thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp ba tầng với 3.470 giường bệnh. Ngành y tế đã tổ chức đoàn công tác giám sát, đánh giá thực trạng, năng lực các trạm y tế trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức quản lý F0, F1 tại nhà trong trường hợp cần thiết và khi có chủ trương của Ban chỉ đạo TP.
Đến nay, TP đã tiêm được 1.165.203 liều vaccine, đạt tỉ lệ 94,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Đoàn y bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương lên đường hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch ngày 2-11. Arnh: BVCC
Tăng tốc phân bổ, tiêm vaccine cho các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên Tại cuộc họp ngày 3-11, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên. Bộ Y tế cũng cần sớm rà soát, thống kê nhu cầu sinh phẩm xét nghiệm của các địa phương phục vụ cho công tác xét nghiệm đối với người từ vùng dịch về và tầm soát trong cộng đồng. Liên quan đến vấn đề này, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đến nay cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên các đơn vị quân đội vẫn sẵn sàng chi viện khi được điều động, cụ thể như hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL trong công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có yêu cầu. Sắp tới Bộ Y tế sẽ tổ chức, tính toán phương án mua sắm thiết bị y tế hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng. |
Tại Đồng Tháp, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này, tính đến sáng 3-11, số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 729, trong đó có chín trường hợp nặng, sáu ca rất nặng. Trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở điều trị, BV dã chiến với công suất tối đa 3.295 giường.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch mới ngoài cộng đồng và số ca ghi nhận tại các ổ dịch cao, có nguy cơ bùng phát trên toàn tỉnh. Đến ngày 2-11, tỉnh này còn 328 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại chín cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Tỉnh đã chuẩn bị các cơ sở điều trị F0 không có triệu chứng tại các trung tâm y tế ở chín huyện, TP… để làm tầng 1. Tầng 2 và tầng 3 sẽ điều trị tại các BV dã chiến và BV tuyến huyện, tỉnh.
Tại Tiền Giang, ngày 3-11, Sở Y tế tỉnh này cho biết số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong tuần qua tăng liên tục, từ 96 ca/ngày lên 153 ca/ngày. Ngành y tế tỉnh đã thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 với phương châm điều trị “bốn tại chỗ” theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị theo mô hình tháp ba tầng.
Hiện tại, các BV điều trị COVID-19 tầng 3 hoạt động gần 80% công suất, đủ số giường điều trị các bệnh nhân có bệnh nền hay bệnh nặng - nguy kịch.
Về giải pháp trong thời gian tới, ngoài việc điều trị F0 tại các cơ sở y tế, cần tăng cường công tác điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực cho BV dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, hạn chế lây nhiễm chéo.
Tại Hậu Giang, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đề nghị hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh như giường y tế, bình ôxy y tế, bộ trang phục chống dịch cấp 2, test PCR... để đảm bảo khả năng thu dung, điều trị ngay đối với các cơ sở chuẩn bị đưa vào hoạt động của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang có bốn cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp ba tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gồm: Trung tâm ICU - BV Phổi tỉnh, quy mô 60 giường, điều trị bệnh COVID-19 tầng 3; BV dã chiến Vị Thủy Cơ sở 1, quy mô 240 giường, điều trị bệnh COVID-19 tầng 2; BV dã chiến Vị Thủy Cơ sở 2 (Trung đoàn Bộ binh 114) và BV dã chiến Châu Thành A, tổng quy mô 600 giường, điều trị bệnh COVID-19 tầng 1. Tính đến sáng 3-11, tỉnh này đang điều trị 572 ca mắc COVID-19.
Từ đầu tháng 10-2021, trong bối cảnh dòng người tự phát đổ về Cà Mau từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, tỉnh này đã kích hoạt thêm nhiều BV điều trị COVID-19.
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 giường bệnh điều trị COVID-19. Số ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh này đang tăng rất nhanh, từ vài chục ca mỗi ngày đã lên đến 157 ca vào ngày 2-11. Với đà này, chỉ trong vài tuần tới, hơn 1.000 giường bệnh còn lại của Cà Mau sẽ lấp đầy.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết tỉnh cần được hỗ trợ rất nhiều mặt để phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới, trong đó thiếu nhất là vật tư y tế phục vụ điều trị.
TP.HCM lên đường hỗ trợ miền Tây chống dịch
Trước tình hình dịch phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các BV tại TP lên đường và chuẩn bị tinh thần chi viện luân phiên cho tỉnh bạn.
Sáng 2-11, BV Nguyễn Tri Phương đã cử đoàn công tác gồm 12 y bác sĩ lên đường chi viện cho tỉnh Bạc Liêu. Đoàn đã mang theo các thuốc đặc trị COVID-19 và 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng.
Trước đó, vào ngày 17-10, các y bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới khăn gói lên đường chi viện cho tỉnh bạn Sóc Trăng. Trưởng đoàn là BS CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc điều hành BV. Một số lãnh đạo phòng, ban hậu cần đem theo nhiều trang thiết bị, vật tư phòng hộ, thuốc men và êkíp gồm bốn bác sĩ, sáu điều dưỡng.
Ngày 18-10, đoàn công tác của BV Trưng Vương đã lên đường đến tỉnh An Giang. Nhiệm vụ của đoàn là hỗ trợ BV đa khoa tỉnh An Giang trong việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân thuộc tầng 3.
TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, cho biết thêm tùy vào tình hình dịch bệnh ở An Giang mà BV sẽ tiếp tục bố trí nhân sự phù hợp. Nếu dịch kéo dài sẽ có những đoàn bác sĩ, điều dưỡng khác tiếp tục được cử đi luân phiên, vừa để đảm bảo sức khỏe cho các êkíp chi viện, vừa đảm bảo hỗ trợ tỉnh bạn đến khi dịch bệnh ở đó ổn định.
Chưa kể ngày 27-10, BS Huỳnh Quang Đại, Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy (hiện đang phụ trách khoa 2B của BV hồi sức COVID-19 TP.HCM), cùng điều dưỡng Trần Đoàn Thanh Trúc (Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy) đã lên đường đến Bạc Liêu hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Sở Y tế đánh giá cao tinh thần sẵn sàng “chia lửa” cho các tỉnh bạn của các BV và kêu gọi các BV đa khoa, chuyên khoa của TP phát huy tinh thần này để sẵn sàng lên đường đi chi viện, hỗ trợ cho các tỉnh bạn nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
Không riêng Sở Y tế TP, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, các BV tuyến trung ương cũng sẵn sàng lên đường để hỗ trợ các tỉnh điều trị bệnh nhân nặng. Ngày 16-10, BV Thống Nhất đã cử đoàn chuyên gia mang theo nhiều thiết bị y tế, thuốc men lên đường đến BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Bình Thuận áp dụng điều trị bệnh nhân COVID-19 theo tháp ba tầng Ngày 3-11, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, phù hợp, hiệu quả tùy theo cấp độ dịch theo phương án “bốn tại chỗ”, hạn chế mức thấp nhất bệnh nhân tử vong, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện mô hình tháp ba tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. BV đa khoa tuyến tỉnh, BV Phổi tỉnh, BV Y học cổ truyền tập trung tất cả nguồn lực của BV, hồi sức tích cực và hội chẩn các BV tuyến trên được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến, nếu vượt quá khả năng và được chỉ định chạy ECMO thì chuyển lên tuyến trên. Về việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu, từng bước thí điểm triển khai thực hiện, tinh thần là phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. |
Ngày 1-11, Cần Thơ thêm 434 F0 (tăng 152 ca so với ngày 31-10); nhiều tỉnh miền Tây báo động về số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày.
Nguồn: [Link nguồn]