Khám phá những biệt thự cổ ma mị trên đỉnh cao 1.450 mét
Bạch Mã - "ngọn núi ảo ảnh" nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế, nơi cao nhất 1.450 mét, với khí hậu tuyệt vời được ví là “châu Âu ở miền Trung”, cùng sự đa dạng sinh học của nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Nơi đây cũng nổi tiếng với những ngôi biệt thự cổ do người Pháp tạo dựng gần 100 năm trước giờ luôn chìm trong cảnh ma mị, gió hú âm u, mờ ảo mây khói.
Ngày nay, hầu hết các ngôi biệt thự cổ này đã biến mất, số còn lại thì xuống cấp hoang tàn, rêu phong đổ nát… trông ma mị ẩn hiện giữa sương mù, gió hú, lá bay, chẳng khác nào những ngôi nhà ma trong các cảnh quay của phim kinh dị.
Cảnh âm u ma mị của một căn nhà đổ trên độ cao 1.400 mét của núi Bạch Mã
Bạch Mã (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) được ông Girard, kỹ sư trưởng kỹ sư công chánh ở Trung Kỳ, phát hiện vào năm 1932. Cũng có tài liệu cho rằng, “thiên đường nghỉ dưỡng” Bạch Mã được ông Raoul Desmarets, kỹ sư công chánh Phân khu Thừa Thiên, phát hiện cùng với ông Graffeuil, Khâm sứ Trung Kỳ.
Ngôi biệt thự hoang vu trong sương khói liêu trai trên ngọn Bạch Mã
Năm 1933, ông Desmarets bắt tay nghiên cứu xây dựng một ngôi làng trên các vùng núi tại Bạch Mã. Đường lên đỉnh Bạch Mã hoàn tất vào tháng 5/1934, nhưng lúc đó chỉ một lối mòn đơn giản phục vụ cho khách bộ hành hoặc các phu kiệu, với thời gian đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh mất khoảng 4 giờ 30 phút.
Năm 1935, các vị khách du lịch đầu tiên đã chính thức đặt chân đến đỉnh núi Bạch Mã. Đỉnh núi cao nhất có độ cao 1.450m so với mực nước biển, được quy hoạch thành một nơi trú chân ngắm cảnh gọi là Vọng Hải đài.
Một góc ngôi biệt thự đá bị thời gian và con người quên lãng
Tháng 4/1936, Khâm sứ Trung Kỳ ký nghị định quy định các điều khoản liên quan đến việc xây dựng các nhà và biệt thự tư đầu tiên tại Bạch Mã. Một bản đồ phân lô với 60 lô đất đã được đem bán đấu giá và trao cho các chủ nhân vào ngày tháng 6/1936. Giá đất cho thuê thời đó rất thấp nhằm khuyến khích phát triển khu nghỉ dưỡng.
Lối vào ngôi biệt thự âm u này dường như không có dấu chân người
Sau đó, tại vùng đỉnh Bạch Mã có khoảng 139 ngôi biệt thự bằng gỗ hoặc đá được xây dựng. Tại 3 đỉnh núi cao trên 1.400 mét thuộc núi Bạch Mã thời đó đều có nhà, biệt thự gồm đỉnh có nhà Dòng Chúa Cứu Thế cao 1.450 mét gần bưu điện và bến xe; đỉnh đồi Vọng Cảnh cao 1.450 mét gần nhà thượng thư Tôn Thất Quảng và đỉnh Tòa Khâm sứ cao 1.408 mét. Ngoài ra còn có đỉnh Tòa Công sứ tỉnh Thừa Thiên Huế cao 1.375 mét”.
Một khoảng hiên đầy ma mị
Tường rêu phủ bóng thời gian lên sảnh trước của một ngôi nhà xưa cổ trên núi Bạch Mã
Sau nhiều năm chiến tranh, Bạch Mã rơi vào lãng quên. Theo số liệu mới nhất của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày nay, phần lớn những biệt thự cổ kiểu Pháp đã trở thành phế tích do chiến tranh và thời gian tàn phá.
Ít người đủ can đảm để đi một mình vào ngôi nhà cũ kỹ trở nên tối tăm, giữa ngày đông thiếu ánh nắng mặt trời trên đình cao Bạch Mã
Đầu những năm 2000 trở đi, có khoảng 9 biệt thự được một vài doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đầu tư khôi phục lại trên nền biệt thự Pháp xưa kia để làm nơi đón tiếp khách tham quan, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2-3 điểm biệt thự đón khách, nhưng theo mùa chứ không thường xuyên, các công trình biệt thự ít người lui tới đã xuống cấp sau hơn 10 năm phục hồi.
Một ngôi nhà nguyện dành cho những tín hữu giờ đổ nát hoang phế, vắng vẻ trông thật đáng sợ
Các biệt thự xuống cấp, phủ đầy rêu phong càng trở nên ma mị, giữa ngày đông tháng giá âm u, ẩm ướt. Những ngôi nhà cổ tường rêu mái đổ đầy vẻ của hoài niệm ký ức thời gian giờ chẳng khác nào trong các cảnh phim kinh dị trên ngọn Bạch Mã huyền bí và luôn mờ ảo khói sương, mưa gió.
Nhiều biệt thự cổ tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được xây dựng từ thời Pháp nhưng bị bỏ hoang lãng phí. Đặc biệt, có...
Nguồn: [Link nguồn]