Khám chữa bệnh bằng BHYT: Vì sao người dân chưa mặn mà?

“Còn quá nhiều vướng mắc mà ngành y tế cần phải khắc phục để thực hiện mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2015”. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015.

Ngày 1.7.2015, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015.

Tại đây, đại diện Sở Y tế Cà Mau nêu những khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT tại địa phương.

Theo vị đại diện này, thực hiện Luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2015), các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế không được khám BHYT trái tuyến. Trong khi đó, đến ngày 1.1.2016, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được khám chữa bệnh thông tuyến. Điều này gây bức xúc cho các đối tượng đến khám bệnh tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa.

Đại diện Sở Y tế Bạc Liêu cũng nêu ra nhiều khó khăn khi thực hiện BHYT tại địa phương. Cụ thể: Thực thi Luật BHYT còn thiếu đồng bộ về phương pháp, số người tham gia BHYT hộ gia đình còn thấp, đa số người tham gia BHYT là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị cao…

Khám chữa bệnh bằng BHYT: Vì sao người dân chưa mặn mà? - 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT (Ảnh minh họa: Người lao động)

Đại diện Sở Y tế Cà Mau cho biết, hiện chất lượng khám, chữa bệnh tuy có nâng lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là ở tuyến y tế huyện và xã. Phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT nên có nhiều người chỉ muốn đăng ký ban đầu tại bệnh viện tỉnh và đi khám, chữa bệnh vượt lên các tuyến cao hơn.

Ngoài ra, phối hợp thanh toán khám, chữa bệnh chưa chặt chẽ, một số nội dung vướng mắc không được giải quyết kịp thời.

Thừa nhận về những khó khăn đang tồn tại trong công tác phát triển thẻ BHYT tại các địa phương, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, hiện một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, hình thức lạm dụng quỹ BHYT có những thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn như: hợp thức hóa việc chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật, ghi thêm ngày điều trị, cố tình áp sai tên dịch vụ kỹ thuật để hưởng mức giá cao hơn…

Bà Minh khẳng định, thời gian tới, BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển đối tượng tham gia BHYT nói chung, tham gia BHYT hộ gia đình nói riêng theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.

BHXH không bắt buộc người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình phải xuất trình các giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc trách nhiệm quản lý của ủy ban nhân dân cấp xã.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT.

Ngoài ra, ngành y tế cũng cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh… nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại y tế cơ sở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN