Khai trừ Đảng, niêm phong đồ đạc của ông Vũ Đình Duy

Sự kiện: Thời sự

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, hiện tập đoàn đã khai trừ Đảng ông Vũ Đình Duy đồng thời niêm phong đồ đạc, hồ sơ tài liệu cá nhân trong phòng làm việc của ông này.

Khai trừ Đảng, niêm phong đồ đạc của ông Vũ Đình Duy - 1

Phòng làm việc của ông Vũ Đình Duy trước khi bị niêm phong.

Theo ông Tường, Vinachem đã ra quyết định khai trừ Đảng đối với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn sau khi Bộ Công Thương có quyết định buộc thôi việc đối với ông này. Đến nay, ông Vũ Đình Duy không còn liên quan đến tập đoàn.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc đồ đạc, hồ sơ tài liệu cá nhân trong phòng làm việc của ông Duy được xử lý như thế nào sau khi ông Duy bỏ trốn ra nước ngoài, Tổng giám đốc Vinachem cho biết, sau khi ông Duy bỏ trốn ra nước ngoài và không liên lạc được tập đoàn đã cho mở khóa phòng làm việc của ông Duy. 

“Toàn bộ đồ đạc bên trong phòng làm việc của ông Duy chúng tôi niêm phong lại và cất vào kho lưu trữ của tập đoàn. Trong phòng làm việc của ông Duy không có gì cả”, ông Tường cho biết.

Ông Tường cũng cho biết, ông Duy mới về tập đoàn công tác vài tháng sau đó bỏ trốn nên không có vướng mắc gì về mặt công nợ với đơn vị. “Anh Duy là người làm việc lĩnh lương nên không có gây thiệt hại gì cho tập đoàn”, ông Tường nói.

Về tung tích của ông Duy, lãnh đạo Vinachem cho biết, do ông Duy không còn là người của tập đoàn nữa nên tập đoàn không quản lý. Về nhân sự thay thế ông Duy giữ chức Thành viên Hội đồng Thành viên, ông Tường cho biết, tập đoàn chưa có đề xuất gì về người thay thế.

Tại thời điểm cuối năm 2016, sau khi ông Duy bỏ trốn ra nước ngoài, tổ công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với 2 Kiểm soát viên chuyên ngành tại Vinachem để mở cửa phòng làm việc của ông Vũ Đình Duy nhưng không phát hiện các dấu hiệu bất thường. Phòng làm việc của ông Duy đã được Vinachem niêm phong sau đó.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng kỷ luật, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thống nhất áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy. Ngày 1/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định số 4698/QĐ-BCT áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Duy với lý do đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài.

Bộ Công Thương đã có Quyết định số 4510/QĐ-BCT ngày 14/11/2016 về việc thành lập Hội đồng kỷ luật người quản lý doanh nghiệp để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Công Thương việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy. Đồng thời, trong thời gian chờ Hội đồng kỷ luật làm việc theo quy định, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 4518/QĐ-BCT ngày 15/11/2016 tạm đình chỉ công tác đối với ông Duy từ ngày 15 đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2016.

Theo thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an vào thời  điểm đó cũng cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.

Về việc ông Duy không đến cơ quan làm việc từ ngày 24/10, Vinachem đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương cho biết, đã nhận được 3 đơn đề tên ông Duy. Trong đó một đơn (không đề ngày tháng) nhận ngày 25/10 xin nghỉ ốm từ 26-28/10; một đơn đề ngày 31/10 xin nghỉ phép 30 ngày kể từ 1/11/2016 để đi khám bệnh tại nước ngoài và 1 đơn đề ngày 2/11 xin nghỉ phép năm, hoặc được nghỉ việc không hưởng lương.

“Tập đoàn đã liên lạc qua điện thoại với ông Duy nhưng không liên lạc được và đã cử hai tổ (ngày 25 và 28/10) đến tìm ông Duy tại các địa chỉ nơi ở hiện nay, địa chỉ hộ khẩu thường trú (trong tờ khai sơ yếu lý lịch) và địa chỉ mẹ đẻ của ông Duy nhưng đều không liên lạc được. HĐTV tập đoàn đã họp ngày 27, 28, 31/10, sau đó mới báo cáo Bộ Công Thương”, thông tin từ Bộ Công Thương thông báo

Theo thông tin của Tiền Phong, sau hàng loạt trường hợp cán bộ ngành công thương cáo bệnh rồi bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ Công Thương đã có động thái siết quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự cấp cao của các đơn vị trong ngành. Thậm chí, còn kiểm tra hộ chiếu của các nhân sự thuộc hội đồng thành viên một tập đoàn.

Cụ thể, ngoài việc làm rõ các thông tin liên quan đến ông Vũ Đình Duy, tổ công tác còn kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện quy chế làm việc của Hội đồng thành viên Vinachem. “Tổ công tác cũng kiểm tra công tác quản lý việc đi nước ngoài, hộ chiếu của các nhân sự trong Hội đồng thành viên Vinachem cũng như công tác quản lý cán bộ tại đây”, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết.

Có thể nói năm 2016 là năm bất thường đầu tiên trong lịch sử ngành công thương khi lãnh đạo Bộ này phải liên tiếp ra văn bản yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ và theo các quy chế, quy định hiện hành, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ, nhất là các cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra. 

Đặc biệt là sau khi có thông tin liên quan đến hàng loạt cán bộ ngành dầu khí đang thuộc diện bị hạn chế xuất cảnh do liên quan đến những bê bối xảy ra trước đây tại các đơn vị thuộc PVN như Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PvTex) cũng như các dự án xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN