Khai thác cát, địa chất yếu làm lún nứt hơn 40 ngôi nhà ở Hà Nội
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc khai thác cát tạo thành hai hố xói sâu 3-7 m ở lòng sông Đà, bờ sông địa chất yếu dẫn đến sạt lở, nứt nhà dân ở huyện Ba Vì.
Trao đổi với báo chí ngày 20/5, ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), cho hay Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện tượng nứt kè Phong Vân ở xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì. "Qua đánh giá, đoàn thấy có sự bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản của người dân nên đã mời các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân sự cố", ông Du nói.
Khu vực sạt lở (kẻ vàng). Ảnh: Gmap
Kết quả nghiên cứu sơ bộ của chuyên gia xác định nguyên nhân khách quan là nền địa chất khu vực yếu, bờ sông được cấu tạo bởi các trầm tích bở rời Holocen gồm sét pha, cát, cát hạt mịn, bùn sét hữu cơ, trên cùng là đất phù sa. Khu vực kè Phong Vân thuộc ngã ba hợp lưu các sông Đà, sông Hồng nên dòng chảy phức tạp. Ở khu vực hợp lưu, vị trí và cường độ sạt lở bờ phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp dòng chảy lũ của dòng sông.
Nguyên nhân chủ quan là việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất. Qua khảo sát, khu vực xã Phong Vân đang xuất hiện hai hố xói sâu cục bộ từ 3 đến 7 m, tạo ra vách bờ thẳng đứng xuống lòng sông.
Hoạt động tích nước, xả lũ của các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn, đặc biệt là hồ Hòa Bình cũng tác động tới dòng chảy, gây sạt lở. Ngoài ra, các vi phạm lấn chiếm bờ, bãi sông làm kho bãi chứa cát sỏi, vật liệu xây dựng, xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng trong khu vực đã làm gia tăng nhanh chất tải, gây áp lực lên vùng đất yếu dọc theo bờ sông, theo các chuyên gia.
Hàng trăm chuyến tàu khai thác cát trên sông Hồng. Ảnh: Võ Hải
Từ những nguyên nhân trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huyện Ba Vì tổ chức cắm biển cảnh báo, rào chắn khu vực sạt lở, không cho người dân qua lại; chủ động di dời người và tài sản ra khỏi khu vực đang sạt lở cũng như kịp thời ngăn chặn khai thác cát trái phép để ổn định lòng dẫn.
Cũng trong ngày 20/5, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị liên quan phối hợp với huyện Ba Vì tuần tra, ngăn chặn và điều tra xử lý hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật đê điều, đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho thành phố để gửi văn bản tới UBND tỉnh Phú Thọ nêu rõ thực trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh, đề nghị tỉnh bạn có biện pháp quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai.
Trước đó huyện Ba Vì đã báo cáo thành phố tình trạng khai thác cát sông Đà, sông Hồng công khai, tấp nập khiến 900 m đê kè bị sạt trượt và lún nứt 42 căn nhà ở xóm Bãi, xã Phong Vân. Huyện đề xuất thành phố báo cáo các bộ ngành và đề nghị tỉnh Phú Thọ tạm dừng việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh huyện Ba Vì.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 14/3 vừa qua, một ngôi nhà tại khu Vạn Phúc (phường Vạn An, TP. Bắc Ninh) bị sụt lún xuống sông Cầu khiến dư luận xôn xao.