Khách Việt bị lừa mua iPhone từ chối nhận tiền hỗ trợ
Anh Th. khẳng định chỉ nhận số tiền đúng bằng số tiền anh bị lừa gạt, đồng thời cảm ơn lòng tốt của người dân Singapore.
Ngày 6/11, tờ Straits Times cho hay số tiền mà người dân Singapore quyên góp để ủng hộ một du khách Việt Nam bị một cửa hàng điện thoại ở khu Sim Lim lừa đảo trắng trợn đến mức phải bật khóc đã lên tới gần 11.565 đô-la Singapore (hơn 276 triệu đồng).
Trang web quyên góp tiền cho anh Th. đã nhận được 11.565 USD, hơn gấp 10 lần mức dự kiến
Chiến dịch quyên góp này được bắt đầu thực hiện trên trang Indiegogo từ ngày 4/11 để quyên tiền mua một chiếc iPhone 6 cho anh Phạm Văn Th., người đã bị cửa hàng Mobile lừa lấy 550 đô-la Singapore khi anh tới đây để mua điện thoại tặng bạn gái.
Tuy nhiên, trao đổi với tờ Lianhe Zaobao của Singapore vào sáng nay, anh Th. cho biết anh đã nhận khoản tiền ủng hộ 550 đô-la (đúng bằng số tiền anh bị lừa) từ một doanh nhân tốt bụng và đã mua một chiếc điện thoại. Anh Th. cũng khẳng định sẽ không nhận thêm tiền ủng hộ từ người dân Singapore.
Anh Th. nói: “Tôi bị mất 550 đô-la, thế nên tôi chỉ nhận 550 đô-la từ những người tốt bụng, không hơn. Tôi rất cám ơn lòng tốt của các bạn, nhưng tôi không muốn nhận hơn những gì mình đã mất”.
Anh Th. đến Singapore du lịch cùng bạn gái vào ngày 3/11 và đã dành số tiền giành dụm suốt nhiều tháng trời để mua cho cô một chiếc iPhone 6. Tuy nhiên, cửa hàng điện thoại Mobile Air đã lợi dụng sơ hở của anh để đòi anh phải trả thêm tới 1.500 đô-la cho chiếc iPhone trị giá có 950 đô-la. Chỉ đến khi có cảnh sát can thiệp, Mobile Air mới chịu trả lại cho anh 400 đô-la.
Anh Th. khiếu nại vụ việc lên Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Singapore
Sau khi câu chuyện Mobile Air lừa đảo anh Th. được lan truyền trên mạng, người dân Singapore đã vô cùng giận dữ và phát động một chiến dịch “trừng phạt” đối với chủ của Mobile Air. Trước sức ép của dư luận, Mobile Air đã buộc phải đóng cửa, và vợ cùng mẹ vợ của chủ cửa hàng này phải đứng ra xin lỗi cộng đồng mạng.
Bên cạnh đó, người dân Singapore cũng phát động chiến dịch quyên góp nhằm “đền bù” cho anh Th. và bạn gái kỳ nghỉ đã bị phá hủy bởi sự cố này, đồng thời mua cho anh một chiếc iPhone 6 khác để thể hiện sự hiếu khách của đất nước Singapore.
Hiện vẫn chưa rõ sau khi anh Th. từ chối nhận, số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Trong khi đó, trang mạng The Real Singapore cũng vừa dẫn lời một cựu nhân viên của cửa hàng Mobile Air cho biết những người làm việc trong cửa hàng này là “những tên gangster thực sự”, và anh vẫn cảm thấy sợ hãi khi tố cáo bọn chúng.
Anh này cho biết khách hàng thường vào Mobile Air vì cửa hàng này thường treo giá điện thoại thấp hơn so với giá thị trường. Anh viết: “Khi du khách sập bẫy, nhân viên cửa hàng sẽ cầm lấy thẻ tín dụng của họ để thanh toán. Chúng cũng thường yêu cầu họ ký hợp đồng về khoản bảo hành một năm”.
Jover Chew, chủ của cửa hàng Mobile Air lừa đảo anh Th.
Tuy nhiên, khi đưa ra bản hợp đồng bảo hành này, chúng thường cố tình dùng ngón tay che đi phần quy định mức phí bảo hành khoảng 1000 đô-la một năm, rồi hối thúc khách hàng ký hợp đồng.
Một khi khách hàng đã đặt bút ký vào hợp đồng, chúng ngay lập tức cộng thêm 1000 đô-la vào giá điện thoại trong hóa đơn, và đến lúc đó chúng mới tiết lộ với khách hàng về mức phí bảo hành “cắt cổ” này.
Khi nhận ra mình vừa bị lừa, khách hàng sẽ yêu cầu cửa hàng trả lại tiền, và đây là lúc bọn chúng áp dụng chiến thuật “cướp cạn” của mình: Các nhân viên cửa hàng sẽ lộ bản chất là những tên gangster thực sự và tỏ ra hung hăng với khách hàng.
Trước sự hung hãn của nhân viên cửa hàng, phần lớn du khách sẽ phải ngán ngẩm bỏ đi cùng với chiếc điện thoại có giá cao gấp đôi và tự an ủi là mình gặp đen.
Theo cựu nhân viên đã rời bỏ Mobile Air vì cảm giác tội lỗi này, rất nhiều cửa hàng khác ở khu Sim Lim cũng áp dụng chiến thuật tương tự để chặt chém và lừa đảo khách hàng.
Hiện Mobile Air đang bị Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Singapore (CASE) điều tra về hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, trong khi cửa hàng này đã đóng cửa im ỉm suốt ngày hôm nay.