Khách đi xe Tết bắt đầu thấm đòn
Đĩa cơm với ít đồ ăn được bán đến 40.000 đồng nhưng nhiều lao động nghèo đi xe Tết về miền Trung vẫn phải "cắn răng" chen lấn để mua
Chiều 24-1, tức 27 tháng Chạp, tôi cùng nhiều người vác ba lô, cầm tấm vé lên chiếc xe khách từ TP HCM về Phú Yên ăn Tết.
Ngày thường xe xuất bến lúc 18 giờ nhưng do đây là ngày Tết nên xe lăn bánh lúc 15 giờ khiến nhiều người vội vàng chuẩn bị mà chưa kịp ăn lót dạ.
Sau 3 giờ xe chạy, một hành khách lớn tuổi mệt mỏi, mắc tiểu đã yêu cầu tài xế dừng xe ven đường để đi vệ sinh. Do sợ không kịp giờ quay đầu nên tài xế căn dặn mọi người tranh thủ vệ sinh 5 phút để xe tiếp tục chạy đúng thời gian.
Đến khi đồng hồ điểm 19 giờ, hàng chục con người trên xe quá mệt mỏi nên đề nghị tài xế tấp vào một quán cơm để mọi người ăn lấy sức. Đáp lại lời đề nghị, tài xế khuyên mọi người chịu đựng thêm 30 phút nữa để xe đến quán cơm mà nhà xe đã hẹn trước.
Lúc sau xe cũng kịp đến địa phận huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), tài xế bật xi-nhanh để vào quán cơm bình dân ven Quốc lộ 1. Theo quan sát, xung quanh có rất nhiều quán cơm mọc liên tiếp nhau nhưng tất cả các hãng xe Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định... chỉ vào duy nhất một quán.
Đó là quán Duy Linh. Theo đó, bãi đất trước quán không còn chỗ cho xe đậu, hàng loạt xe phải xếp hàng ở ngay trên quốc lộ. Tranh thủ xe nào rời đi, xe khách chạy vào ngay.
Nhiều hành khách phải chịu cảnh xếp hàng tranh giành để mua được cơm ăn lót dạ trên những chuyến xe Tết
Sau gần 10 phút chờ đợi trước quán cơm, tôi và nhiều người khác cũng kịp vào bên trong. Lúc này, tôi lần nữa đối mặt với cảnh đông đúc để tranh thủ mua cơm. Quầy bán phiếu người này xô người nọ để giành nhau mua phiếu cơm và phở. Giá bán mỗi món ăn 40.000 đồng.
Thấy giá cao, một số người lao động nghèo không dám ăn nên đã mua đỡ một miếng bánh ngọt, chai nước suối nhưng giá cũng ở trên... trời!
Tôi vì quá đói nên phải hoà vào nhóm người để nhanh tay mua phiếu nhận cơm. Tiếp đến, mọi người chạy đến quầy thức ăn, tranh nhau chứ không xếp hàng để nhận cơm. Tại đây, nhân viên thông báo chỉ có 2 món gồm thịt chiên và thịt kho măng.
Để được ăn cơm mọi người phải giành nhau, không xếp hàng ngay ngắn.
Dĩa cơm mà chúng tôi ăn chỉ 2 cục thịt kèm vài miếng măng và thêm vài cọng rau xà lách. Người ngồi kế bên tôi sau 10 phút chen lấn cũng bưng ra kịp đĩa cơm với 2 miếng thịt chiên nhỏ xíu. Mọi người ăn đều lắc đầu vì đồ quá tệ nhưng cố gắng ăn vội rồi đứng lên.
Đĩa cơm giá 40.000 đồng, không kèm theo canh.
Đĩa cơm giá 40.000 đồng, cao hơn ngày thường. Nhiều người lao động nghèo thấy giá mắc nên đã phải nhịn uống nước suối.
Khi nhân viên đến dọn bàn tôi hỏi thăm vì sao giá cao mà đồ ăn ít đến vậy? Người này đổ lỗi do dịp Tết nên phải bán như vậy. “Qua hết mùng 10 giá sẽ giảm, đồ ăn sẽ ngon hơn. Giờ Tết đông đúc phải ăn cho no chứ”, nhân viên giải thích với chúng tôi và thừa nhận giá như vậy hơi cao, giá trị khoảng 15.000-20.000 đồng là hợp lý nhất.
Hết giờ ăn tôi leo lên xe thì nghe chuyện mọi người bàn tán chuyện đĩa cơm. Một bác lớn tuổi than thở: “Hằng ngày tôi bán vé số đi mỏi cặp chân mới mời được 40 tờ lời vài chục ngàn đồng. Giờ ăn đĩa cơm giá cao thấy xót ruột quá. Biết khi nãy nhịn để dành ít tiền về quê".
Khu vực chúng tôi dừng chân có khá nhiều quán cơm. Tuy nhiên tất cả các hãng xe chỉ tập trung vào một quán. Bãi đất đậu xe luôn kín chỗ.
Đáp lại, phụ xe cho biết theo yêu cầu của chủ phải vào quán cơm này và nhiều hãng xe khách cũng buộc vào quán này. Những quán khác đồ ăn ngon, rẻ nhưng cũng không được phép vào.