Khắc nghiệt nghề tiếp viên hàng không

Nghề tiếp viên hàng không có sức hút kỳ lạ với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ nhàn nhã, hào nhoáng là áp lực công việc rất lớn cùng những thử thách khắc nghiệt với sức khỏe, thậm chí tính mạng.

5 giờ 30 phút, Thanh Xuân nhẹ nhàng kéo vali rời khỏi nhà chuẩn bị cho một chuyến bay. Đến trụ sở Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) ở số 115 Hồng Hà, quận Tân Bình - TPHCM, cô nhận danh sách tổ tiếp viên hàng không (TVHK) phục vụ chuyến bay VN 1121 - VN 1135 hành trình TPHCM - Hà Nội và ngược lại. Tổ bay có 6 TVHK, gồm 3 nam, 3 nữ, do Thanh Xuân làm tiếp viên trưởng.

Cường độ cao, áp lực nhiều

Chỉ khi nhận danh sách, các TVHK mới biết hôm đó mình làm việc cùng ai vì lịch bay được phân bổ bằng phần mềm chuyên dụng. Trước giờ ra sân bay, các TVHK phải điểm danh bằng vân tay để xác nhận giờ có mặt làm nhiệm vụ và tiến hành họp tổ.

“Tiếp viên trưởng phân công nhiệm vụ cho từng vị trí, ôn lại quy trình và nêu các tình huống có thể gặp trên chuyến bay để từng người trả lời xem có “thuộc bài” chưa. Theo quy định, mỗi TVHK phục vụ tối đa 50 hành khách nhưng với chuyến bay VN 1121 thì chỉ gần 30 người” - Thanh Xuân cho biết.

Lên máy bay, hành khách có thể ngủ, đọc sách báo, chơi game… Trong khi đó, TVHK phải thoăn thoắt phục vụ đồ ăn, nước uống, kiểm tra buồng vệ sinh nhiều lần, quan sát khu vực được phân công… để chăm sóc và bảo đảm an toàn cho từng “thượng đế”.

Hôm tôi bay cùng tổ TVHK của Thanh Xuân, thời tiết đẹp, máy bay ít xóc lắc và không có trục trặc kỹ thuật nên cả tổ không phải căng mình ra làm việc. Khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài - Hà Nội, nhân viên vệ sinh đã lên dọn dẹp nhưng tổ TVHK vẫn không được rời đi đâu. Họ tranh thủ tiếp nhận suất ăn, báo chí và kiểm tra các thiết bị an ninh, an toàn. Khi tất cả đã sẵn sàng, Thanh Xuân ra hiệu với mặt đất đón khách chuyến bay VN 1135 đi TPHCM lúc 11 giờ.

Khắc nghiệt nghề tiếp viên hàng không - 1

Tiếp viên của hãng VNA phục vụ hành khách trên một chuyến bay

Ở chuyến bay quay đầu, các TVHK phải làm việc gấp đôi vì thêm phần phục vụ bữa ăn nóng, trà và cà phê cho hành khách. Trong suốt quá trình bay, TVHK thường xuyên có mặt tại các vị trí được phân công để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ của “thượng đế”. Cả chuyến đi và về hôm đó đều suôn sẻ. Trả khách xong, tổ TVHK được về nhà sau 14 giờ. “Vào mùa cao điểm, các tổ phải bay 4 chuyến/ngày, tương ứng 8 lần cất/hạ cánh” - Thanh Xuân tiết lộ.

Đối với hãng hàng không giá rẻ, TVHK phải đảm nhận cả việc dọn vệ sinh máy bay và bán hàng để tăng doanh thu cho hãng và tăng thu nhập cho mình. Hàng hóa bán trên máy bay là đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm, đặc sản các địa phương. TVHK phải học cách tiếp thị hấp dẫn để bán hàng và được hưởng thù lao 8% tính trên tổng doanh số. “Đây là cách để tăng doanh thu cho hãng và là động lực khuyến khích TVHK làm việc hiệu quả hơn” - Tuyết Lan, nhóm trưởng Đoàn Tiếp viên Jetstar Pacific Airlines, nhìn nhận.

Với thành phần hành khách chủ yếu là người có thu nhập trung bình, TVHK của các hãng giá rẻ cũng phải làm việc căng thẳng hơn. Đối tượng khách mà hãng phục vụ đa số mới lần đầu đi máy bay nên chưa hiểu hết các quy định an ninh, an toàn bay, dễ phạm luật nên cần được TVHK hướng dẫn nhiều.

Đối mặt rủi ro

Nghề TVHK có sức hút kỳ lạ với nhiều bạn trẻ bởi thu nhập cao, được làm việc trên máy bay, đi lại như con thoi giữa các phi trường, đến nhiều nơi trên thế giới... Tuy nhiên, đằng sau vẻ nhàn nhã, hào nhoáng ấy là những thử thách khắc nghiệt đối với sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Tiếp viên phó Việt Anh, năm nay 30 tuổi, có chồng là phi công lái máy bay Airbus 320 của VNA. Khi mới quen, đôi bạn thường đề xuất nguyện vọng được sắp xếp bay cùng để vun đắp tình yêu. Tuy nhiên, khi đã “góp gạo thổi cơm chung”, Việt Anh và chồng lại không được bay cùng nhau nữa, lý do là nếu người này đi làm thì còn có người kia chăm con và quan trọng là tránh rủi ro.

“Mỗi chuyến bay chỉ được phép cất cánh khi được xác nhận là đã tuân thủ đúng tiêu chuẩn an toàn nhưng không ai biết sẽ có những nguy cơ gì xảy ra. Có những TVHK mới vào nghề, mỗi khi bay lại không khỏi nghĩ đến những tình huống xấu nhất” - một TVHK của VNA cho biết.

Người trong nghề vẫn nhắc đến câu chuyện của một nữ TVHK nay là chủ thương hiệu thời trang khá nổi tiếng ở Hà Nội và TPHCM. Chị chấp nhận bỏ nghề khi đã phấn đấu thành tiếp viên phó vì lo ngại “cứ nay đây mai đó trên bầu trời chả biết thế nào, chỉ muốn cuộc sống ổn định dưới mặt đất”.

Với Việt Anh, cô xin làm giáo viên để có thêm thời gian “ở dưới đất” mà vẫn giữ được đam mê với nghề TVHK nhiều hơn. Trò chuyện với Việt Anh trên chuyến bay VN 1135, tôi rất bất ngờ khi cô chính là một trong số các TVHK đã trói tay nữ hành khách Trung Quốc gây rối, đòi đánh cả tổ và phi công trên một chuyến bay từ Bắc Kinh đi Đà Nẵng hồi tháng 2-2012 mà báo chí đưa tin.

Trên chuyến bay VN 1150 TPHCM - Hà Nội, tôi tình cờ gặp Mai Nhật Lan, một TVHK có thâm niên bay 11 năm, con gái NSND Thu Hiền. Nhật Lan vừa được công nhận là tiếp viên trưởng nhưng hôm đó bay ở vị trí tiếp viên phó do sự điều động đột xuất của đoàn tiếp viên. “Đối với TVHK, lịch bay thường được báo trước nửa tuần nhưng lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng đi, bất kể giờ giấc hay lễ, Tết. Khi bay, TVHK không được vi phạm quy định về đồng phục, phải học cách đi đứng, nói cười để tạo hình ảnh đẹp cho hãng hàng không” - Nhật Lan cho hay.

TVHK thường phát sinh một số bệnh nghề nghiệp như viêm xoang, đau đầu, đau dạ dày do làm việc trong điều kiện nhiệt độ, áp suất luôn thay đổi, ăn uống không đúng giờ nhưng đáng sợ nhất là chứng mất ngủ. “Mỗi khi đóng cửa máy bay, em chỉ muốn được đánh một giấc nhưng vẫn phải tươi cười làm việc. Khi về nhà thì mắt đỏ quạch, còn đầu óc lại chong chong. Không thể ngủ được, em phải ôm gối đi loanh quanh trong phòng. Đến lúc mọi người làm việc thì mình lại cố dỗ giấc ngủ” - một TVHK của VNA tâm sự.

Đã có nhiều TVHK bay một thời gian nhưng chỉ vì chứng mất ngủ, không đủ sức khỏe làm việc phải nuối tiếc bỏ nghề. TVHK được hưởng phụ cấp độc hại do phải làm việc trong khoang máy bay thiếu dưỡng khí, liên tục thay đổi áp suất. Ở trạng thái bay bằng (bay ổn định), máy bay có thể ở vị trí cách mặt đất 36.000 feet, đạt vận tốc 850 km/giờ với nhiệt độ ngoài trời - 460C.

Vượt qua nhiều cám dỗ

Để có thể trụ được với nghề, mỗi TVHK phải trải qua một quá trình đào tạo rất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Tổ chức Hàng không Quốc tế ICAO và nhà chức trách hàng không Việt Nam. Đó là các giai đoạn đào tạo cơ bản diễn ra trong 4 tháng ngay sau khi trúng tuyển. Sau đó là các khóa đào tạo chuyển loại máy bay, đào tạo định kỳ, nâng cao và nếu có thời gian làm việc gián đoạn thì phải qua một lớp đào tạo phục hồi.

Nghề TVHK đòi hỏi tính kỷ luật rất cao nhưng môi trường làm việc cũng có nhiều cám dỗ. Nhiều TVHK tranh thủ cơ hội bay để “đánh” hàng xách tay về bỏ mối cho các shop hoặc gây dựng nguồn hàng cho chính gia đình mình kinh doanh. Không dừng ở đó, một số người còn vận chuyển “tiền đen”, vàng, điện thoại di động, thuốc lá... Các hoạt động này được khái quát bằng khái niệm “mang - vác - xách”.

Khắc nghiệt nghề tiếp viên hàng không - 2

Đa số tiếp viên của các hãng hàng không là những bóng hồng

Một TVHK cho biết trước đây, khi Đoàn Tiếp viên VNA vừa triển khai quy chế lao động mới, tăng mức kỷ luật đối với các hành vi “mang - vác - xách” thì ngay hôm sau, 3 nữ TVHK cổ đeo những sợi dây chuyền vàng to đùng đã bị hải quan giữ ở Hàn Quốc vì nghi buôn lậu vàng. Khi đó, nhiều người ngao ngán: “Chắc tổ bay này chưa kịp triển khai quy chế lao động mới”!

Tuy nhiên, số TVHK vi phạm kỷ luật lao động đã giảm nhiều trong vài năm trở lại đây và không còn xảy ra các sự vụ nghiêm trọng do Đoàn Tiếp viên VNA tăng cường công tác quản lý. Năm 2012, chỉ có 38 TVHK bị kỷ luật, chiếm 1,68% trong tổng số nhân sự của đoàn.

Nghề của nhan sắc

Đoàn tiếp viên của VNA hiện có 2.216 người, trong đó đến 70% là nữ. Jetstar Pacific Airlines có 85 nữ TVHK trong tổng số 109 người của đoàn tiếp viên. Đoàn tiếp viên của VietJet Air có 140 người và cũng đến 70% là nữ.

Mỗi chuyến bay thường có 4 vị trí TVHK, gồm tiếp viên trưởng, tiếp viên phó, tiếp viên phục vụ hạng thương gia và tiếp viên phục vụ hạng phổ thông. Thu nhập của TVHK phụ thuộc vào chức danh và giờ bay. Tính theo mức 85 giờ bay/tháng, thu nhập bình quân của tiếp viên trưởng hiện nay là 35 triệu đồng, tiếp viên phó 28 triệu đồng, tiếp viên hạng thương gia 24 triệu đồng và hạng phổ thông 18-20 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN