Khả năng sinh tồn khi máy bay gặp nạn qua lời chuyên gia

Kèm theo chiếc dù, máy bay luôn có bộ dụng cụ sinh tồn như thiết bị phát sóng, phao gắn thiết bị phát sáng, lương khô… giúp phi công có thể sống được ở trên biển.

Khả năng sinh tồn khi máy bay gặp nạn qua lời chuyên gia - 1

Một chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam (Ảnh minh họa)

Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 bỗng biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên vùng biển phía đông Nghệ An.

Đến 4h30 phút sáng 15/6, lực lượng tìm kiếm đã cứu được thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) trên vùng biển Nghệ An. Hiện tại, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923).

Trao đổi với phóng viên ngày 15/6, phi công Đào Đức Vũ (nhân vật đề nghị không tiết lộ đơn vị công tác), người từng lái máy bay quân sự Su-22, 27 cho biết, ông có theo dõi sự việc máy bay tiêm kích Su-30 gặp nạn trên biển. Ông Vũ mong rằng lực lượng chức năng sớm tìm thấy phi công còn lại.

Ông Vũ cho hay, mọi phi công đều được huấn luyện, thực hiện các bài tập để thoát hiểm khi gặp sự cố, nguy hiểm. Trong trường hợp máy bay mất tín hiệu với trung tâm điều hành bay, phi công phải bật các thiết bị phát sóng phụ để liên lạc với tàu bay ở gần mình hoặc tàu cá để xin trợ giúp.

Trường hợp máy bay gặp sự cố, phi công cảm thấy nguy hiểm sẽ phải gạt cần gạt hoặc ấn nút để nhảy dù thoát hiểm. Thiết bị dù và bộ công cụ hỗ trợ được đặt ở phía dưới ghế ngồi của phi công.

“Tuy nhiên, Su-30MK2 là máy bay rất hiện đại, khi gặp sự cố sẽ tự động bung dù, phóng cùng lúc 2 phi công ra khỏi khoang lái. Kèm theo đó là bộ dụng cụ để giúp phi công sinh tồn như phao cứu sinh, lương khô, thuốc chống cá mập, pháo sáng… Khi có bộ công cụ hỗ trợ, khả năng phi công sống sót rất cao”, ông Vũ chia sẻ.

Phi công từng lái máy bay Su-22 này cho biết, bên trong bộ dụng cụ còn có thiết bị phát sóng. Khi  phi công gặp nạn trên biển, lực lượng cứu hộ sẽ nhanh chóng dò ra thiết bị này và cứu phi công. Áo phao tự bơm màu cam cũng được gắn thiết bị phát sáng để các tàu bè dễ nhận biết, tìm kiếm vào ban đêm.

Ông Vũ cho biết thêm, việc điều khiển máy bay trên biển luôn khó hơn so với việc điều khiển ở đất liền. Bởi vì, khi phi công điều khiển máy bay ở đất liền, nhìn xuống có thể thấy nhà cửa, mặt đất. Nhưng khi điều khiển máy bay ở trên biển, phi công nhìn xuống biển chỉ thấy bóng của mặt trời. Và nếu phi công lầm tưởng, hoặc không phân biệt được đang bay ở trên biển, hay mặt đất thì rất dễ gặp nguy hiểm.

Với các bài tập nhào lộn trên biển đối với máy bay quân sự, phi công điều khiển luôn là những người dày dặn kinh nghiệm, có nhiều giờ bay…

Đề cập đến nguyên nhân có thể gây ra sự cố ở máy bay, phi công có 14 năm kinh nghiệm này từ chối bình luận, chia sẻ thêm.

Su-30 MK2 là máy bay chiến đấu hiện đại đa năng, có khả năng hạ gục mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển. Máy bay được trang bị tên lửa điều khiển và bom điều chỉnh trên không, có khả năng đạt vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng hiện đại Su-30 MK2, loại hiện đại nhất cho tới hiện nay của dòng máy bay chiến đấu Su-30, với số lượng 32 chiếc.

Trang bị vũ khí của Su-30 MK2, ngoài pháo 30 mm có tốc độ 1.800 phát/phút, còn có các loại tên lửa đối không, đối đất/hải, chống radar hiện đại.

Bên cạnh có thể mang tên lửa không đối đất/hải Kh-29 như Su-22 M4, Su-30 MK2 có thể mang tên lửa đối đất/hải Kh-59. Đây là loại tên lửa hành trình đối đất tầm xa được thiết kế để tiêu diệt công sự phòng ngự, kho tàng, bến bãi, sân bay hay chiến hạm trên biển. Kh-59 có tốc độ cận âm, tầm bắn đạt khoảng 200 km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Máy bay Su-30MK2 và CASA 212 gặp nạn trên biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN