Kết quả xác minh bất ngờ về thông tin "Chết vì ham của lạ ở Sapa"
Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), khẳng định thông tin khách du lịch bị "gài bẫy" khi vừa mua thú rừng mang về thì bị lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt là không chính xác và không phải ở trên địa bàn.
Ngày 29-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cho biết sau khi xuất hiện thông tin về câu chuyện khách du lịch bị "gài bẫy" khi vô tình mua thịt thú rừng trên địa bàn mang về chế biến thì bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt nặng đang được lan truyền trên mạng xã hội, ông đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc xác minh.
Thông tin về câu chuyện "Chết vì ham của lạ ở Sapa" được lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Theo ông Phong, Hạt kiểm lâm huyện Sa Pa phụ trách, quản lí về động vật rừng, thường xuyên tổ chức các đội đi tuần tra, kiểm soát để xử lí các vi phạm về hoạt động bảo vệ rừng, săn bắt thú rừng, động vật hoang dã. Qua xác minh của lực lượng thanh tra báo cáo lại thì thông tin phản ánh trên mạng xã hội là không đúng.
"Đây là clip một người dân đăng tải từ một năm trước trên địa bàn tỉnh Nghệ An chứ hoàn toàn không phải trên địa bàn huyện Sa Pa" - ông Phong nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, hiện UBND huyện Sa Pa đã báo cáo lên Sở Thông tin và Truyền thông để xin hướng xử lý. Những thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của địa phương nghiêm trọng.
Trước đó, trên mạng xã hội có một tài khoản cá nhân mang tên T.N.P. đã đăng tải câu chuyện "Chết vì ham của lạ ở Sapa" vào một diễn đàn với nội dung khi khách du lịch từ Sa Pa trở về sẽ bắt gặp dọc đường cảnh người dân địa phương bán nông sản sạch như nấm, măng, linh chi… Tuy nhiên, ngoài các mặt hàng này, sẽ có những người vẻ như người đi săn về, trên tay cầm những con thú nhỏ còn sống và chào mời hành khách mua về.
Đáng chú ý, khi di chuyển tiếp, khách tham quan sẽ bắt gặp chốt của CSGT và bị lực lượng này ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra hành chính. Khi đó, đơn vị này sẽ tiến hành xử phạt với mức tiền từ 5-20 triệu đồng nếu phát hiện trên xe ô tô có chở theo động vật hoang dã, do hành khách vô tình mua phải từ người dân bản địa.
Từ câu chuyện của mình, tài khoản T.N.P. viết rằng chia sẻ câu chuyện với mục đích cảnh báo khách du lịch cẩn thận, tránh "mắc bẫy" bị "giăng ra để chúng ta sa lưới...".
Ngay khi câu chuyện được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Vào chợ Cái Dăm (TP Hạ Long, Quảng Ninh) mua hải sản đầu giờ sáng, một nữ du khách ở Hà Nam đã bị một chủ cửa hàng...