Kết hôn đồng tính: Có nên nuôi con?
Hạnh phúc là được chung sống cùng người mình yêu thương, có những đứa con để chăm lo. Nhưng điều tưởng chừng rất bình dị ấy lại là điều xa vời với hầu hết cặp đôi đồng tính.
Nhiều cặp đôi đồng tính tâm sự họ khao khát được làm “bố”, làm “mẹ” như mọi cặp dị tính. Nhưng đồng thời họ cũng lo lắng về sự kỳ thị của xã hội với con mình.
Hiện nay, kết hôn đồng tính chưa được pháp luật công nhận, nên việc cặp đôi đồng tính nhận con nuôi vấp phải khá nhiều trở ngại về mặt pháp lý, phản ứng từ dư luận xã hội.
Đây cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất trong buổi tọa đàm “Cặp đôi đồng giới: Quyền được kết hôn và luật hôn nhân” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tổ chức, tối 21/5 tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền – HN).
Buổi tọa đàm thu hút nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước tham dự
Lo lắng về tương lai của đứa trẻ
Theo báo cáo tổng quan của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) về cộng đồng 1,65 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là LGBT) tại Việt Nam có tới 95% người đồng tính nam được hỏi nói rằng, đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường; 20% đã bị mất bạn khi "để lộ" thân phận thật của mình... Trong khi đó, 92% trong số hơn 2.400 người đồng tính nữ được hỏi đã nói rằng muốn được pháp luật công nhận việc kết hôn đồng giới và 61% người đồng tính trong độ tuổi kết hôn muốn có con.
Cô Minh (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về ảnh hưởng tâm lý của đứa trẻ sống trong gia đình đồng tính, liệu đứa trẻ đó sẽ trở thành người đồng tính hay không?
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) khẳng định “Qua nhiều nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí được hội đồng khoa học đánh giá (peer-review) thì giới tính của đứa trẻ sống trong gia đình đồng tính không bị ảnh hưởng. Bởi thực tế, tất cả người đồng tính đều có bố mẹ là người dị tính”.
Ông Lê Quang Bình (trái), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)
Nỗi lo lớn nhất thuộc về “bố”-“mẹ” đứa trẻ. Họ vui mừng khi con lớn lên từng ngày rồi lại càng ngậm ngùi nhìn con phải đối diện sự kỳ thị của bạn bè, xã hội. Cặp đồng tình nữ Yến – Hương (TPHCM) từng chia sẻ về cuộc sống hiện tại hạnh phúc cùng cô con gái nhỏ. Nhưng cũng như bao cặp đồng tính khác, họ luôn lo khi bé lớn lên, đi học bị phân biệt đối xử.
Trẻ em vẫn phát triển tốt trong gia đình đồng tính
TS Nguyễn Thu Nam – Khoa Dân số và Phát triển - Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y Tế) dựa trên nghiên cứu của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ, bà cho rằng: “Không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ khi được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Sự phát triển của trẻ lại phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa trẻ và người lớn, không phụ thuộc về cấu trúc gia đình bố mẹ khác hay cùng giới”.
“Thực tế, nhiều người/ cặp đồng tính vẫn có con hoặc nhận con nuôi. Đối với người đồng tính, không có trường hợp sinh con ngoài ý muốn hay “vỡ kế hoạch”, họ đều phải rất chin chắn và tự tin mới quyết định có con” . Anh Lương Thế Huy cán bộ dự án Nhóm kết nối và Chia sẻ Thông tin (ICS).