Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc

Hạm đội mạnh nhất Trung Quốc đã bị hải quân Nhật Bản hủy diệt trong trận Hoàng Hải.

Ở kỳ trước, chúng ta biết rằng đế quốc Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đang vươn lên mạnh mẽ và khát khao xâm chiếm thuộc địa. Để thực hiện mộng xâm lược của mình, Nhật Bản phải đối mặt với hạm đội được cho là mạnh nhất châu Á thời bấy giờ của Trung Quốc. Thế nhưng, hạm đội đó đã bị mục ruỗng từ bên trong, và nó đã bị hủy diệt trong một trận hải chiến diễn ra trên biển Hoàng Hải.

Ngày 17/9/1894, trận hải chiến giữa 2 hạm đội hùng hậu của nhà Thanh và Nhật Bản diễn ra trên biển Hoàng Hải. Trận hải chiến này còn được gọi là trận sông Áp Lục vì nó xảy ra ở gần cửa sông Áp Lục đổ ra biển Hoàng Hải, nơi giáp ranh giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong trận chiến này, hầu hết các tàu chiến chủ lực của cả hai hạm đội đều được tung vào trận, và Hạm đội Nhật Bản mới được tái thiết của Đô đốc Sukeyuki Ito đã chặn đứng được cuộc đổ bộ của lục quân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Hạm đội Bắc Dương dưới sự chỉ huy của Đô đốc Đinh Nhữ Xương.

Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc - 1

Quan đại thần Lý Hồng Chương và Đô đốc Đinh Nhữ Xương, hai "trụ cột" của Hạm đội Bắc Dương

Trước khi trận chiến xảy ra, Hạm đội Bắc Dương đã có những nỗ lực cuối cùng để sửa chữa lại các chiến hạm, đảm bảo khả năng chiến đấu cao nhất. Đô đốc Đinh Nhữ Xương nhận được sự cố vấn của một số sĩ quan hải quân nước ngoài giàu kinh nghiệm, chẳng hạn như viên đại tá người Đức von Hanneken hoặc một số sỹ quan người Anh đang là giảng viên tại Học viện Hải quân Uy Hải Vệ.

Trong khi đó, người Nhật rất tự tin vào khả năng của mình, nên không sử dụng cố vấn nước ngoài.

Phía Trung Quốc, Đô đốc Đinh Nhữ Xương chia hạm đội theo thế trận “nhạn bay hai cánh” với 2 hải đội chia thành hai cánh cung sẵn sàng nghênh địch. Trong thế trận này, hải đội thứ nhất tập trung chủ yếu những tàu xương sống của Hạm đội Bắc Dương gồm 2 thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn nằm ở trung tâm đội hình chiến đấu. 

Bảo vệ cho các thiết giáp hạm này là các tuần dương hạm Dương Uy, Siêu Dũng, Bình Viễn, Tĩnh Viễn, Lai Viễn, Chí Viễn được trang bị nhiều loại pháo có cỡ nòng khác nhau. Đây là một lực lượng rất mạnh gồm tổng cộng có 14 tàu chiến, trong đó có hai tàu phóng lôi cỡ nhỏ. 

Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc - 2

Tranh vẽ trận Hoàng Hải 1894. 

Về phía Nhật Bản, Đô đốc Sukeyuki Ito cho hạm đội triển khai theo đội hình hai hàng dọc, trong đó tàu tuần dương Matsushima đóng vai trò là kỳ hạm ở trung tâm của đội hình.

Đi theo bảo vệ cho kỳ hạm Matsushima là 2 chiến hạm cỡ nhỏ Sei-kyo do thuyền trưởng người Anh John Wilson chỉ huy và pháo hạm Akagi. Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Kabayama Sukenori có mặt trên chiếc Sei-kyo. Lực lượng này tiến lên ở cánh trái đội hình. 

Lực lượng chính của Hạm đội Nhật Bản bao gồm các tuần dương hạm Chiyoda, Hashidate, Itsukushima, Fuso, còn chiếc Hiei được trang bị 9 khẩu pháo 152mm lùi xuống ở trung tâm đội hình.

Dẫn đầu đội hình tiến công của Nhật Bản ở cánh phải là một hải đội xung kích có tốc độ cao, bao gồm các tuần dương hạm Yoshino, Akitsushima, Takachiho và Naniwa. Đây là những tàu có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, là lực lượng then chốt quyết định trận đánh. Đội hình Hạm đội Nhật Bản như một chữ U lớn, hướng về phía Hạm đội Bắc Dương.

Bước vào trận đánh, Đô đốc Sukeyuki Ito biết rằng nếu đấu tay đôi với các thiết giáp hạm hiện đại có hỏa lực mạnh của hải quân nhà Thanh, quân Nhật sẽ gánh chịu thất bại nặng nề. Thế nên ông quyết định chọn cách sử dụng lực lượng xung kích với ưu thế về tốc độ cao để đánh vỗ mặt các tàu chiến cỡ nhỏ của Hạm đội Bắc Dương, sau đó áp sát phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực để giải quyết trận đánh. 

Vì hạm đội Nhật tiến theo đội hình hai hàng dọc nên các khẩu pháo 305mm có tầm bắn xa 7,8km của thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn gần như không thể bắn trúng tàu chiến Nhật Bản vì vướng những tàu nhỏ hơn ở phía trước.

Trong khi đó, từ cánh phải, hải đội xung kích của Nhật Bản đã bắt đầu khai hỏa, bắn các tàu chiến nhỏ hơn của đối phương. Trong khi hải đội xung kích lợi dụng ưu thế về tốc độ liên tục di chuyển để đánh vào bên sườn của Hạm đội Bắc Dương, hải đội chính của quân Nhật bất ngờ tiến vào đánh vỗ mặt, buộc quân Thanh phải chật vật chống đỡ trên cả hai phía. Loạt đạn đầu tiên của hải quân Nhật bắn vào kỳ hạm Định Viễn đã khiến Đô đốc Đinh Nhữ Xương bị thương.

Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc - 3

Tàu chiến Nhật Bản tiến đến đánh vỗ mặt Hạm đội Bắc Dương

Sau khi đã áp sát ở cự li đủ để phát huy tối đa hỏa lực hạm tàu, tàu chiến Nhật Bản liên tục di chuyển theo vòng tròn, quây Hạm đội Bắc Dương vào giữa để tiêu diệt. Hạm đội Bắc Dương đã rơi vào cái bẫy của người Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo đánh giá sau này thì chiếc bẫy này không hẳn là không có cách phá vỡ. Nếu như Hạm đội Bắc Dương có chiến thuật đúng đắn để triển khai đội hình, đưa các thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn lên tuyến đầu để khai hỏa trực tiếp vào hải đội xung kích của Nhật Bản, sử dụng ưu thế tầm bắn để ra đòn phủ đầu thì họ đã có thể giành được ưu thế, không đánh mất hoàn toàn quyền chủ động vào tay người Nhật Bản. 

Nhưng không rõ vì lí do gì mà những mệnh lệnh này đã không được đưa ra, dù cho các sĩ quan nước ngoài cố vấn cho Hạm đội Bắc Dương có mặt trong trận chiến cũng đã sớm nhận ra điều này. Có một số ý kiến cho rằng thuyền trưởng tàu Định Viễn đã hèn nhát, chống lại thượng lệnh của Đô đốc Đinh Nhữ Xương. 

Ngoài ra, nguyên nhân thất bại của Hạm đội Bắc Dương chủ yếu nằm ở trang bị quá tồi tệ do nạn tham nhũng hoành hành. Nhiều chiến hạm của Nhật đã bị trúng đạn pháo, thậm chí bị bắn trúng nhiều hơn tàu Trung Quốc. Nhưng những viên đạn pháo nhồi xi măng, mạt cưa thay cho thuốc súng hầu như chẳng gây thiệt hại gì cho quân Nhật. 

Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc - 4

Tranh vẽ kỳ hạm Matsushima tấn công tàu chiến Hạm đội Bắc Dương. 

Theo các tài liệu lịch sử, tuần dương hạm Bình Viễn đã bắn nhiều phát trúng vào tàu Matsushima của Nhật Bản, nhưng hầu như các quả đạn đã bị “rút ruột” nên không gây thiệt hại. Những khẩu pháo 305mm và 208mm bất lực trước hạm đội Nhật Bản, khiến các tàu Nhật thoải mái cơ động, chờ cho các tàu Trung Quốc bắn hết đạn để tiến vào áp sát ở cự li 2.700m, khai hỏa đáp trả.

Mục tiêu đầu tiên là 2 tuần dương hạm loại nhỏ Dương Uy và Siêu Dũng của Hạm đội Bắc Dương. Cả hai chiếc đều bốc cháy dữ dội ngay sau loạt đạn đầu. Các tàu Nhật Bản cơ động liên tục, bắn gãy cột cờ tín hiệu của kỳ hạm Định Viễn, khiến Hạm đội Bắc Dương mất khả năng chỉ huy thống nhất. Để đối phó lại, hạm đội Trung Quốc cũng chia thành ba cặp đôi tàu, để chiến đấu độc lập, chi viện cho nhau. 

Trận chiến kéo dài suốt cả ngày, và kết thúc với phần thắng thuộc về người Nhật Bản. Hạm đội Bắc Dương bị bắn chìm 5 tàu, bị thương 3 tàu, 850 thủy thủ thiệt mạng, 500 người bị thương. Trong khi đó, Hạm đội Nhật Bản chỉ bị hỏng 4 tàu, 190 thủy thủ thiệt mạng, 200 người bị thương. 

Trận Hải chiến Hoàng Hải đã mở đường cho sự vươn lên của Hạm đội Nhật Bản, sánh vai cùng hải quân các cường quốc châu Âu cũng như khẳng định vị trí siêu cường của Nhật Bản trên trường quốc tế. 

Về phần Hạm đội Bắc Dương, sau trận Hoàng Hải, lực lượng này còn đọ sức với Nhật Bản một lần nữa trong trận Uy Hải Vệ tháng 2/1895 và một lần nữa bị diệt gọn. Đội tàu phóng lôi của Nhật Bản đã đánh chìm kỳ hạm Định Viễn cùng 3 tàu lớn khác của Hạm đội Bắc Dương, 13 tàu phóng lôi còn sống sót cố chạy đến Yên Đài thì 6 chiếc bị tiêu diệt và 7 chiếc bị bắt giữ. Ngày 12/2/1895, Đô đốc Đinh Nhữ Xương và các tàu còn lại thuộc Hạm đội Bắc Dương đã đầu hàng quân Nhật vô điều kiện.

Kết cục thảm hại của hạm đội mạnh nhất Trung Quốc - 5

Đô đốc Đinh Nhữ Xương đầu hàng Đô đốc Nhật Bản Sukeyuki Ito sau trận Uy Hải Vệ

Sau này, tờ Quân Giải phóng của quân đội Trung Quốc bình luận về trận hải chiến Hoàng Hải đã kêu gọi chỉ huy các đơn vị cần rút ra bài học từ chiến thắng năm 1894 của Nhật Bản trước nhà Thanh, một bài bình luận được coi là ám chỉ nạn tham nhũng lan tràn trong giới tướng lĩnh quân đội hiện nay.

Phân tích nguyên nhân thất bại của trận hải chiến này, Quân Giải phóng nhận định: “Hải quân Trung Quốc được trang bị các tàu chiến tiên tiến cùng vũ khí đã được sử dụng bởi các lực lượng hàng hải Minh Trị Nhật Bản, nhưng các thủy thủ và sĩ quan Trung Quốc đã chỉ biết chế giễu sỹ quan hướng dẫn người nước ngoài được trả lương cao, một sự tương phản nổi bật với thái độ học tập nghiêm túc và khiêm tốn của hải quân Nhật Bản.”

Các nhà phân tích cho nhận định bài bình luận trên của Quân Giải phóng nhằm ám chỉ tới một thực tế rằng quân đội Trung Quốc thời nhà Thanh phải đối mặt với nhiều thách thức tương tự quân đội Trung Quốc bây giờ, đó là nạn gia đình trị, bè phái và tham nhũng.

Ông Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự từ đại học Khoa học chính trị - luật Thượng Hải phân tích: “Vấn nạn tham nhũng hiện nay trong quân đội Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn hạm đội Bắc Dương thời nhà Thanh. Nếu hiện tượng mua bán quân hàm còn tiếp diễn, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ bị Nhật Bản đánh bại một lần nữa nếu có xung đột quân sự giữa 2 nước".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN