Kéo người dân đến với buýt: Làm sao để người đi xe cá nhân nhìn xe buýt với con mắt ghen tị

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tại tọa đàm “Làm gì để xe buýt hấp dẫn hơn” do báo Giao thông tổ chức chiều 30/11, các đại biểu tham dự đều cho rằng, giải pháp hàng đầu là cần cải thiện tính đúng giờ của xe buýt.

Đầu tư khá lớn, lượng khách sử dụng vẫn chưa như kỳ vọng

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, đến hết tháng 11/2022, vận tải khách công cộng (VTKCC) trên địa bàn Hà Nội đáp ứng 18% nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Hải thừa nhận, con số này còn khiêm tốn bởi chỉ tiêu đặt ra của Hà Nội vào năm 2022 đáp ứng 21-23%.

Theo ông Hải, nửa đầu năm 2022, VTKCC trên địa bàn Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, xe buýt mới trở lại hoạt động bình thường từ tháng 8/2022, do vậy, sản lượng vận chuyển khách cả năm không thể so với năm 2019-thời điểm trước dịch.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thúc đẩy VTKCC, tăng tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng trên địa bàn Hà Nội.

Ngành giao thông Hà Nội thừa nhận, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt còn thấp

Ngành giao thông Hà Nội thừa nhận, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt còn thấp

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, ông là người thường xuyên sử dụng VTKCC, trong đó chủ yếu là xe buýt.

“Tôi là người thường xuyên sử dụng các tuyến xe buýt khác nhau, có nhiều trải nghiệm các loại hình buýt khác ở các quốc gia. Hệ thống xe buýt Hà Nội tương đối ưu việt, đạt khoảng 75/100 điểm, mạng lưới phủ rộng, thời gian bắt đầu và kết thúc đủ dài phục vụ nhu cầu người dân, tần suất các chuyến xe dày, đội hình xe mới, đặc biệt mức chi phí rẻ đáp ứng được đa số nhu cầu của người dân. Dù vậy, tỷ lệ khách sử dụng xe buýt vẫn chưa đáp ứng nhiều như kỳ vọng".

Cũng theo chuyên gia Phan Lê Bình, trung bình mỗi năm, TP Hà Nội dành khoảng 2.000 tỷ đồng trợ giá cho xe buýt, đây là số tiền khá lớn thể hiện sự quan tâm mang tính đột phá của chính quyền cho mạng lưới VTKCC. Do vậy, giá dịch vụ xe buýt mới có mức thấp như hiện nay, tiếp cận được đến tất cả các đối tượng.

Các chuyên gia đều cho rằng, xe buýt cần phải có làn ưu tiên để tăng tính đúng giờ

Các chuyên gia đều cho rằng, xe buýt cần phải có làn ưu tiên để tăng tính đúng giờ

“Đầu tư cho VTKCC không đặt tính kinh tế mà hướng đến giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Việc giảm ùn tắc giao thông sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều”- TS Phan Lê Bình cho hay.

Thừa nhận xe buýt hiện vẫn chưa hấp dẫn người lao động văn phòng, công sở mà chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, do tính bền vững của dịch vụ này chưa cao, thời gian chuyến đi kéo dài, chưa thuận tiện cho các đối tượng công chức viên chức và người lao động.

Thêm vào đó, chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt còn chưa tốt. Đâu đó theo ông Hải vẫn còn những lái xe, phụ xe phục vụ người dân chưa ổn, vẫn nhận được một số phàn nàn của khách về thái độ và chất lượng phương tiện.

“Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát đối với khách đi xe buýt, trong đó đa số hành khách đánh giá thời gian chuyến đi kéo dài và xe buýt không đúng giờ là yếu tố chính khiến người dân chưa thực sự mặn mà với xe buýt”- ông Hải cho hay.

Và tổng hòa các yếu tố trên làm cho bức tranh về xe buýt công cộng chưa được đẹp trong mắt người dân, người dân chưa sẵn sàng chuyển từ phương tiện cá nhân sang xe buýt.

Xe buýt cần phải có làn ưu tiên

Để cải thiện điểm cốt lõi này, chuyên gia Phan Lê Bình cho rằng, để xe buýt cạnh tranh được với phương tiện cá nhân thì xe buýt phải được ưu tiên trên mặt đường. Khi nào xe buýt được ưu tiên làn, được ưu tiên chạy trong giờ cao điểm, người sử dụng phương tiện cá nhân phải nhìn xe buýt với con mắt ghen tị thì mới dẫn đến thay đổi suy nghĩ, bỏ xe máy, ô tô đi xe buýt.

“Còn chúng ta cứ nghe dư luận nói về việc xe buýt chiếm riêng một làn gây tắc đường này kia rồi điều chỉnh thì khó thành công”- TS Phan Lê Bình đánh giá.

Theo chuyên gia Phan Lê Bình, nhất định phải tạo làn ưu tiên cho xe buýt, nhất là các tuyến đường mới mở phải xác định 1 làn ưu tiên cho xe buýt. Người dân không có quyền kêu ca hay phàn nàn, dần dần từ 1 tuyến đường sẽ có thêm nhiều tuyến đường có làn ưu tiên cho xe buýt. Chúng ta không làm được đồng bộ một lúc thì làm từ từ, sau sẽ có mạng hoàn chỉnh.

Ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đồng tình với việc, cần phải rút ngắn thời gian chuyến đi của xe buýt thì sẽ kéo được người dân đến với VTKCC.

“Tạo sự thuận lợi cho xe buýt, kiềm hãm phương tiện cá nhân, giảm sự cạnh tranh của xe cá nhân. Chính phủ đã có Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2030, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM đều phải dừng xe máy đi vào nội đô và thu phí ô tô vào nội đô.

Đây là 2 chính sách vừa cứng vừa mềm, vừa dừng hoạt động xe máy vừa thu phí ô tô vào nội đô cùng với đó là nâng cao chất lượng xe buýt để tăng tỷ lệ người dân sử dụng VTKCC. Các giải pháp này phải triển khai đồng bộ, song hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Đi tàu điện sẽ tiện như xe buýt

Chính phủ đã định hướng phát triển các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro, Hà Nội có 10 tuyến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Tuyền ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN