Kẻ khóc, người cười ở “thánh địa” gỗ sưa

Vụ náo động vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong một tháng qua vì ba cây gỗ sưa cổ thụ bị triệt hạ chưa hẳn là đỉnh điểm của cơn lốc buôn bán, tàn sát, trộm cướp gỗ sưa đã diễn ra nhiều năm qua trên đất nước ta.

Nói như giáo sư Phùng Tửu Bôi: “Các thương lái nước ngoài đã đẩy giá lên tạo cơn sốt, rồi khi chúng ta tàn phá, đục khoét hết các khu bảo tồn để lấy gỗ sưa cổ thụ thì họ không mua nữa, khi đó sẽ tạo nên những rối loạn khác”. Phóng viên đã lần theo hành trình cơn sốt gỗ sưa từ nhiều năm qua ở nhiều miền đất nước...

Mãi đến khi một người đàn ông phát hiện cây gỗ sưa bạc tỉ trong lúc đào ao cá thì người dân vùng Đắk Mar (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) mới đổ xô đi tìm sưa với vận may đổi đời. Trong ký ức những người khai hoang vùng cà phê trù phú này, gỗ sưa (dân bản địa gọi là trắc thối) chỉ được dùng làm cột nhà, giậu rào, trụ hồ tiêu, chuồng bò... và đốt lấy than. Khu rừng thiêng đầy gỗ sưa bây giờ là một vùng quân sự, cấm nghiêm ngặt.

Kẻ khóc, người cười ở “thánh địa” gỗ sưa - 1

Cây gỗ sưa thứ hai được ông Thanh phát hiện dưới ao cá dài hơn 14m được bảo quản cẩn thận tại nhà

Trúng thân cây bạc tỉ

Nằm ở thượng nguồn dòng Đắkbla xinh đẹp, những trang trại cà phê non xanh bạt ngàn tít tắp trên những triền đồi hình bát úp. Tây nguyên đang mùa mưa nên những con đường vào Đắk Uy đỏ quạch.

Căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Thanh nằm trên một ngọn đồi thoai thoải bao bọc bởi vườn cà phê. Những cây mùn che gió cho cà phê vừa được gọt vỏ cho chết đứng vì quá tuổi. Trước sân nhà, một thân gỗ to đen nhánh, dài gần 15m được bao chặt rất kỹ bởi bao lát và tôn. Tưởng có khách mua gỗ sưa, vợ ông Thanh gọi chồng gấp đang ở sau nhà. Cẩn thận mở bao lát, chỉ từng thớ cây ông Thanh cho biết đây là cây gỗ sưa thứ hai gia đình ông vừa tìm thấy sau cây gỗ sưa bạc tỉ bán hồi tháng 7/2011.

Ngồi bệt trước hiên nhà, ông Thanh không giấu nổi mừng vui: “Trời cho chú ạ! Tôi đào ao cá ai biết trúng cây. Cách một bước chân, bên kia con suối là vườn hàng xóm nhưng họ cũng đào có thấy gì đâu!”. Ông Thanh kể lại lúc đó khoảng 7h sáng, năm người được ông thuê đào ao phát hiện một thân gỗ chết chìm dưới bùn lầy, cách mặt đất hơn mét. “Cư dân vùng này thấy sớ cây là biết sưa. Chưa tin. Tôi xăm cây sắt ngoáy vào thân cây lấy một ít gỗ lên đốt. Thân sưa bị ướt nhưng cháy phựt, mùi thơm êm dịu không lẫn vào đâu của loài gỗ quý đích thực này khiến cả nhà phát hoảng” - ông Thanh nhớ lại. Mất năm ngày cả nhóm thợ mới đưa được thân cây nằm sâu dưới 2m đất lộ lên khỏi vũng bùn ao cá. Sau đó toán thợ này phải dùng tời và cẩu mới đưa được cây sưa nặng hơn 2 tấn lên trước sân nhà để chờ bán. “Hàng xóm đến thăm đông kịt. Các lái buôn vào ra nhòm ngó rồi gọi liên hồi. Ngày hôm sau, một nhóm người Trung Quốc đến nhà tìm mua. Họ chụp hình, mail về bên nớ rồi mới trả giá... Cây sưa đó nhà tôi bán được 1,15 tỉ đồng. Trao tiền xong, thương lái họ tự chở đi” - vợ ông Thanh kể.

Chưa ráo tay với thương vụ mua bán sưa vui hơn trúng số, gia đình ông Thanh lại ngỡ ngàng khi một thân sưa khác nằm cạnh đó bắt đầu lộ diện dưới bùn đất. Lần này cây sưa hơn 14m, to bằng thân người dài thượt lại được kéo kên trong niềm hân hoan tột cùng của gia đình và hàng xóm. Ông Thanh quyết định chưa bán cây này, xem như trời chưa cho. Thương lái vừa ép giá, hơn nữa chính quyền bắt đầu ngăn cấm việc vận chuyển gỗ và xin giấy tờ phức tạp nên ông Thanh để vậy.

Kẻ khóc, người cười ở “thánh địa” gỗ sưa - 2

Một mẩu gỗ sưa được người dân giữ lại

Từ lúc gia đình ông Thanh trúng sưa bạc tỉ, cư dân Đắk Mar rầm rộ đi xăm sưa trong lòng đất. Từng tốp 5-7 người dùng những thanh sắt nhọn dài 3-4m, ở đầu thanh sắt được thiết kế có một lỗ nhỏ như mũi khoan, khi xoáy vào lòng đất nếu gặp thân gỗ thì một ít dăm gỗ được đưa lên để đốt và nhận dạng. Nếu đích thực là gỗ sưa thì công cuộc đào xới bắt đầu vào cuộc.

Việc người dân đổ xô tìm sưa vì mật độ sưa ở Đắk Mar nằm trong lòng đất ken kín và liên tục được tìm thấy. Ông Thanh tâm sự: “Ở đây ngoài gia đình tôi trúng còn có bảy hộ một xóm thì sáu hộ trúng sưa rồi. Luật ngầm ở đây khi người đi xăm sưa phát hiện sưa nằm trong vườn nhà người nào thì chủ nhà phải chia đôi giá trị cây sưa tìm thấy cho người xăm. Cứ thế người dân đổ xô đi xăm sưa”. Từ đó, những tháng mùa mưa từ tháng 6-9 khi đất mềm, thông tin trúng gỗ sưa từ thôn này sang thôn nọ, từ ao đầm kia sang vườn cà phê nọ. Nhiều gia đình trúng sưa đã đổi đời nhanh chóng.

Sâu thẳm rừng Đắk Uy

Căn nhà của ông Phan Văn Dai ở thôn 3, xã Đắk Mar để lại cho đứa con trai do chính bàn tay ông gầy dựng từ đầm lầy và khi rừng Đắk Uy còn rất hoang vu. Trước hiên nhà ông Dai, thân cây sưa vừa được một tốp thợ tìm thấy dài 13m, có người trả 400 triệu đồng nhưng ông chưa bán. Một gốc cây sưa khác được dựng trước hiên làm cảnh.

Hơn 30 năm trước ông Dai là người lính của trung đoàn 701 đi mở đất khai hoang rừng Đắk Uy. Khi về hưu ông không quay về quê Hà Tĩnh mà lại chọn chính mảnh đất ông cùng đồng đội khai khẩn ở lại đến cuối đời. Từng thớ đất, từng cánh rừng ông đều thuộc lòng trong bàn tay. “Hồi đó ở đây là cánh rừng sưa bạt ngàn. Xe ủi cứ thế ủi lấp tất cả, san bằng các đồi núi bát úp để làm lương thực, trồng cà phê, sắn, lúa... Gỗ sưa không biết làm gì cho hết. Người dân chúng tôi mang ra làm trụ bờ rào chắn thú vật, làm trụ hồ tiêu rất chắc vì gỗ cứng, làm chuồng trâu, chuồng bò, đốt than... và đồng bào dân tộc thiểu số thì dùng làm cột cho những căn nhà chứa thóc ngoài rẫy” - ông Dai nhớ lại.

Kỷ vật bằng sưa của ông Dai là một gốc cây sưa làm tiểu cảnh trước hiên nhà. Bây giờ chỉ trong nhà người Kinh còn nhiều vật dụng bằng gỗ sưa. Phần lớn căn nhà làm toàn bằng gỗ sưa của đồng bào Xơ Đăng ngày xưa đã được các thương lái mua hoặc đổi bằng việc xây dựng cho căn nhà mới khang trang hơn. Những căn nhà của người Kinh có điều kiện làm bằng gỗ sưa cũng được bán tháo cho các lái buôn để làm nhà mới. Nhà ông Nguyễn Dưỡng ở Đắk Mar có 8 cột, 2 xiêng, được các thương lái mua 315 triệu đồng. Ông Dưỡng đã cất căn nhà mới khang trang giữa đồi cà phê lộng gió.

Sưa là gì?

Theo Trung tâm Dữ liệu thực vật VN, gỗ sưa, sưa trắng, trắc Bắc bộ, trắc thối đều là một chủng loại và có tên khoa học là Dabergia tokinensis prain. Còn trong sách đỏ VN trang 112 mô tả: sưa là cây gỗ to, thường xanh (rất ít khi rụng lá), cao 25-30m, đường kính thân đến 0,6m hay hơn nữa. Vỏ ngoài màu vàng nâu, nút dọc, có khi bong từng mảng lớn. Là loài đặc hữu của Đông Dương và VN: từ Quảng Nam - Đà Nẵng (Hiên, Giằng, Phước Sơn) trở vào đến Tây Ninh (Tân Biên), Đồng Nai (Thống Nhất, Trảng Bom), Kiên Giang. Tập trung nhất ở Kon Tum (Đắc Tô, Sa Thầy).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Vũ - Việt Hùng - Đức Dục ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN