Kế hoạch thọc sườn Nga của NATO: "Mũi giáo" chia đôi?
Trong khi Ba Lan và Litva rất lo ngại về tình hình ở Ukraine và Nga thì các thành viên khác như Ý và Tây Ban Nha lại quan tâm đến tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là Syria hơn.
Ngày 5/2, sáu quốc gia châu Âu tuyên bố họ sẽ luân phiên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo lực lượng phản ứng nhanh mới được thành lập mang tên “Mũi giáo” của NATO với sự trợ giúp về tình báo, không vận của Mỹ để đối phó với Nga.
Bộ trưởng quốc phòng 6 nước trên cũng đã hoàn thành kế hoạch thành lập các trung tâm chỉ huy cho lực lượng phản ứng nhanh “Mũi giáo” được bố trí ở biên giới phía đông giáp với Nga sau gần một năm thương thảo, đàm phàn.
Điều đáng lưu ý nhất của bản kế hoạch này là việc thành lập một lực lượng “Mũi giáo” gồm 5000 quân có khả năng triển khai đến bất cứ địa điểm nào chỉ trong vòng 48 giờ nhằm đối phó với các diễn biến mau lẹ của tình hình.
Từ trước tới nay, NATO chưa từng có một lực lượng nào có thể triển khai trong thời gian ngắn như vậy, và chính điều này đã khiến NATO trở nên lúng túng, bị động khi Nga đưa một lực lượng quân sự lớn một cách “thần tốc” áp sát biên giới Ukraine.
Quốc gia đảm nhiệm vai trò lãnh đạo “Mũi giáo” lâm thời hiện nay là Đức, và dự kiến lực lượng này sẽ được đưa vào hoạt động một cách toàn diện vào năm sau. Sau khi “Mũi giáo” chính thức được mài sắc, nước lãnh đạo đầu tiên sẽ là Tây Ban Nha, và vai trò này sẽ được chuyển cho Anh vào năm 2017, sau đó sẽ được luân phiên chuyển giao cho Ý, Pháp và Ba Lan.
Mục đích của việc thành lập “Mũi giáo” là nhằm tạo điều kiện cho các nước NATO có thời gian chuẩn bị lực lượng từ trạng thái “tĩnh” sang trạng thái “báo động cao”. Mục tiêu này tương tự như mục tiêu bảo vệ Tây Âu trước đây của NATO, nhưng với một lực lượng nhỏ hơn nhiều.
Các quan chức NATO tuyên bố “Mũi giáo” là lực lượng phản ứng nhanh nhằm chống lại các mối đe dọa đến từ Nga và Trung Đông. Trong khi đó, quân đội Mỹ tuyên bố họ sẽ ủng hộ lực lượng này bằng các hoạt động trinh sát, tình báo, hậu cần và không vận.
Lực lượng “Mũi giáo” 5000 quân sẽ là đơn vị đầu tiên được triển khai đến những điểm nóng, sau đó họ có thể được tiếp ứng bằng 25.000 quân NATO trong những tuần tiếp theo nếu cần thiết. Lực lượng phản ứng nhanh trước đây của NATO được triển khai trong thời gian chậm hơn rất nhiều và chỉ huy động được tối đa 13.000 quân.
Đây được coi là một thay đổi lớn đối với khối quân sự NATO, và theo lời ông Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ ở NATO thì: “NATO ở Tây Âu không có gì mới mẻ, NATO ở Đông Âu mới là mới”.
Mặc dù đẩy mạnh việc thành lập “Mũi giáo”, song NATO khẳng định rằng họ vẫn để ngỏ các kênh ngoại giao với Nga.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Trong những thời kỳ khó khăn như hiện nay, điều quan trọng là phải tiếp tục gặp gỡ, thảo luận và mở các kênh đối thoại. Tôi tái khẳng định lập trường của NATO là chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, có vẻ như ngay từ đầu các quốc gia NATO đã có những bất đồng về mục đích sử dụng lực lượng “Mũi giáo” này. Trong khi Ba Lan và Litva rất lo ngại về tình hình ở Ukraine và Nga thì các thành viên khác như Ý và Tây Ban Nha lại quan tâm đến tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là Syria hơn.
Chính những bất đồng về mục đích này đã khiến các chuyên gia phân tích lo ngại rằng "Mũi giáo" của NATO sẽ trở nên mất tác dụng khi phải chia đôi trên cả hai mặt trận.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng phải thốt lên: “Tôi rất quan ngại trước khả năng NATO chỉ chú trọng vào một trong hai khu vực này, và tôi cũng lo lắng về nguy cơ chia sẽ giữa các đồng minh phía bắc và phía nam của NATO. Chúng ta phải cùng nhau xử lý tất cả những thách thức đối với liên minh này”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, chuyên gia bình luận quốc tế Eric Gujer của tờ Neue Zuercher Zeitung (Thụy Sĩ) đã nhận định rằng lực lượng phản ứng nhanh mới của NATO thực chất là một “mũi giáo cùn” không mang nhiều sức mạnh và khả năng răn đe vì bị quá nhiều ảnh hưởng của chính trị.
Theo ông Gujer, một khi tình huống nổ ra, quốc gia NATO đảm nhiệm vai trò lãnh đạo lực lượng “Mũi giáo” sẽ không hề muốn phải tham chiến một mình, đặc biệt là trước đối thủ lớn như Nga. Họ đều muốn chiến đấu trong một liên minh lớn hơn, hùng mạnh hơn, thế nên một “mũi giáo” với 5.000 quân sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề về cả chính trị và quân sự.