KĐT Thủ Thiêm: Không nằm trong quy hoạch dân vẫn bị “đẩy” đi?
Dù thời gian kéo dài đã hơn 10 năm, Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm đang lột xác từng ngày thành một khu đô thị hiện đại, nhưng vẫn còn đó không ít người dân âm ỉ một nỗi đau...
Không phải bây giờ, mà cách đây hơn 10 năm, việc quy hoạch, thu hồi đất tại KĐTM Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, đã bộc lộ không ít những bí ẩn, éo le và khuất tất. Thay vì phải công khai, minh bạch quy hoạch trước dân, thì UBND TPHCM lại có những động thái “úp, mở” bất thường, trái ngược với chính sách, quy định chung của Chính phủ về KĐTM Thủ Thiêm.
Bức xúc của dân, vẫn chưa giải quyết
"Thửa đất nhà tôi không có bất cứ một quy hoạch chi tiết nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy mà họ vẫn cưỡng chế, bắt buộc gia đình tôi phải ra đi, giao đất cho Ban quản lý Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm”.
Ông Phạm Thế Vinh (sinh 1949, trú 23/5F Trần Não, phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM) cho biết. Ông Vinh kể: “Năm 2002, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. HCM là “bổ sung” 42ha đất tái định cư phường Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm cho đủ diện tích 770ha.
Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiệm được quy hoạch thành Khu đô thị mới. Ảnh: T.L
Từ đó, UBND TP. HCM ra quyết định thu hồi 618ha đất khu trung tâm (bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000, theo quyết định 13585/KTST-QH, ngày 16.9.1998 của Kiến trúc sư trưởng TP) và 39ha (trong diện tích 42ha đất tái định cư phường Bình Khánh, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000, theo quyết định 18176/KTST-QH, ngày 14.10.1997 của Kiến trúc sư trưởng TP).
Thửa đất nhà tôi không nằm trong 2 bản đồ quy hoạch chi tiết trên. Tại thời điểm năm 2002, thửa đất nhà tôi cũng không có bất cứ một quy hoạch chi tiết nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy mà họ vẫn cưỡng chế, bắt buộc gia đình tôi phải ra đi, giao đất cho Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm”.
Lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức rất nhiều cuộc tiếp xúc lắng nghe người dân khiếu nại, nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của người dân, vì hậu quả từ sai phạm gây ra quá lớn. Ảnh: T.L
Tương tự ông Vinh, ở khu phố 2, phường Bình Khánh, ước chừng có khoảng 100 hộ dân (trong tổng số 700 hộ dân bị giải toả) đã “ra đi” trong ấm ức, vì họ cho rằng đất đai, nhà cửa của họ không nằm trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị cưỡng chế phi lý, buộc phải nhường đất cho KĐTM Thủ Thiêm.
Trên thực tế, khu vực các hộ dân nằm xen kẽ giữa 2 khu vực (618ha và 42ha) bị quy hoạch trong phạm vi KĐTM Thủ Thiêm; tuy nhiên, khi thu hồi đất, chính quyền đã “dọn” luôn đất đai, nhà cửa của các hộ dân vô chung “chiến dịch” thu hồi đất để xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.
Thực tế, vào năm 2018, qua xác minh, Thanh tra Chính phủ đã kết luận chính quyền TP.HCM đã giải tỏa lố 4,3 ha đất của người dân ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.
Trả lời mập mờ, người dân thiệt đơn, thiệt kép
Theo ông Nguyễn Tiến Hịnh (sinh 1954, trú D12/4bis Trần Não, phường Bình Khánh, quận 2, TP. HCM) : “Các thửa đất của nhiều hộ dân toạ lạc tại khu phố 2 hoàn toàn không nằm trong quy hoạch nào, kể cả quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Mặc dù vậy, UBND quận 2 vẫn đưa nhiều hộ dân ngoài quy hoạch vào danh sách di chuyển, theo Quyết định thu hồi đất số 1997/QĐ-UB, ngày 10/5/2002, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Hùng Việt ban hành, áp dụng chung cho tất cả các hộ dân.
Hiện giá đất tại KĐTM Thủ Thiêm có giá hàng trăm triệu đồng/m2 và nằm trong tay những "đại gia" kinh doanh bất động sản. Ảnh: T.L
Thật vô lý, đất người dân không nằm trong bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng trình Chính phủ tháng 5/1996. Không nằm trong bản đồ quy hoạch 1/2000 khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tại quyết định 13585. Không nằm trong ranh giới quy hoạch trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm trong phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2005 của quận 2. Không nằm trong diện tích 42ha đất tái định cư phường Bình Khánh. Song, cả trăm hộ dân ở khu phố 2 vẫn bị lực lượng cưỡng chế, ép buộc phải giao đất”.
Không chấp nhận việc cưỡng chế thu hồi đất, ông Vinh, ông Hịnh và nhiều hộ dân khác khiếu nại khắp nơi. Ngày 20/1/2010, tại văn bản số 478/TNMT-QHSDĐ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trả lời ông Phạm Thế Vinh rằng, qua kiểm tra rà soát, nhà đất của hộ ông Vinh và các hộ dân khác “nằm trong ranh đất dự án KĐTM Thủ Thiêm” (?).
Trong khi trước đây, có những hộ dân không nằm trong vùng quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm vẫn bị đẩy đuổi, để giao lại đất... Ảnh: T.L
Tuy nhiên, nằm ở khoảnh 618ha hay khoảnh 42 ha, thì Sở Tài nguyên và Môi trường không dám nêu cụ thể. Trong khi rất nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo UBND quận 2, chính quyền vẫn không trả lời thoả đáng câu hỏi của người dân. Với Kiến trúc sư trưởng TP. HCM , trả lời thắc mắc của ông Vinh và ông Hịnh, thì cho rằng đất nhà 2 ông nằm trong quy hoạch khu tái định cư 42ha “bổ sung” vào quy hoạch trung tâm KĐTM Thủ Thiêm.
Được biết, để lấy đất quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, trong suốt hơn 20 năm qua, chính quyền TP. HCM đã giải toả hơn 15.000 hộ dân của toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, với tổng chi phí bồi thường khoảng 29.000 tỉ đồng. Thế nhưng, quá trình giải phóng mặt bằng phát sinh hàng trăm hộ dân khiếu nại các kiểu xung quanh chuyện thu hồi đất.
Một trong các khiếu nại nổi cộm là rất nhiều hộ dân đã cho rằng nhà cửa đất đai của họ không nằm trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị chính quyền ép buộc phải giao đất. Hiện nay, vẫn còn hàng trăm hộ dân khiếu nại ra tận các cơ quan trung ương.
Theo bà Phạm Thị Vinh (sinh 1954, ngụ khu phố 1, đường Lương Định Của, phường Bình An, quận 2): “Tôi không thể giao đất, một khi chính quyền không chứng minh được nhà cửa, đất đai của cha ông tôi để lại nằm trong ranh giới quy hoạch”.
Những lời hứa giải đáp thắc mắc cho người dân Thủ Thiêm, trước các sai phạm tại dự án này vẫn chưa có một câu trả lời thoả đáng, bức xúc của người dân vẫn còn đó. Ảnh: T.L
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Giáp (sinh 1940, ngụ tổ 1, phường Bình An, quận 2): “Chúng tôi đã sinh sống ở đây hàng chục năm, trải qua 2, 3 thế hệ. Nay, quy hoạch KĐTM, lẽ ra cuộc sống của người dân mất đất phải bằng hoặc hơn hiện tại chứ.
Đằng này, có không ít hộ phải khăn gói ra đi, nhận ít ỏi tiền bồi thường, tái định cư thì bị đẩy ra tận phường Cát Lái, cách KĐTM Thủ Thiêm 15 cây số. Thậm chí, có hộ phiêu bạt sang cả huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), kẻ về Hóc Môn, Củ Chi.
Chẳng ai khá giả gì, cơ cực đủ điều. Trong lúc đó, đất của chúng tôi giao lại Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm, mấy ông chủ bất động sản biến thành “đất vàng”, chuyển nhượng cho khách hàng với giá hàng trăm triệu đồng một mét vuông. Thật vô cùng bất công”.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc Trung ương vừa công bố sai phạm của các cựu lãnh đạo TP.HCM càng củng cố thêm niềm tin của người dân Thủ Thiêm...