Israel không kích dữ dội Gaza để tiếp thị vũ khí?
Cuộc chiến với Hamas ở dải Gaza là cơ hội để Israel tiếp thị về hiệu quả của các hệ thống vũ khí.
Trong những ngày gần đây, Israel đang thực hiện chiến dịch không kích dữ dội nhất vào dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng để đối phó với những cuộc tấn công bằng rocket do các chiến binh Hamas bắn vào lãnh thổ nước này.
Theo các nhà quan sát quốc tế, cuộc chiến mà Israel đang leo thang ở dải Gaza có nhiều đặc điểm chung với 2 cuộc chiến trước đó vào năm 2008 và 2012.
Cuộc chiến này, một lần nữa, khiến rất nhiều dân thường Palestine thiệt mạng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khi quân đội Israel liên tục tấn công và nã đạn vào các khu dân cư.
Trong cuộc chiến lần này, lần đầu tiên rocket của phong trào Hamas có thể bắn sâu vào trong lãnh thổ Israel đến vậy, tuy nhiên chúng hầu như không gây nhiều thiệt hại bởi hầu hết đều bị đánh chặn bởi hệ thống Vòm Sắt do Israel phát triển.
Một hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) được thiết kế nhằm chống lại các tên lửa và pháo mặt đất do Hamas bắn ra từ Gaza, và hệ thống này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của truyền thông quốc tế. Các hãng tin lớn như CNN, BBC, Sky News, New York Times và Telegraph liên tục cập nhật thông tin về sự thành công của hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Thậm chí những tờ báo thương mại lớn như Blooberg hay Wall Street Journal cũng hết sức quan tâm đến hệ thống phòng thủ tên lửa đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu này.
Tỉ lệ thành công của hệ thống Vòm Sắt này được một số hãng tin tường thuật gần như trực tiếp, mặc dù vẫn còn một vài nghi ngờ về tính chính xác và hiệu năng sử dụng của nó.
Sự thành công của hệ thống Vòm Sắt được Israel quảng bá nhằm mục đích làm yên lòng người dân trong nước, đồng thời quảng bá một cách hiệu quả với thế giới về hệ thống phòng thủ tên lửa mới này.
Theo như Israel tuyên bố, hệ thống Vòm Sắt là một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn khủng bố địa phương và quốc tế. Nó được thiết kế để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu các khu dân cư, những công trình công cộng, sân bay dân sự và các tòa nhà của chính phủ.
Hiện tại, có 7 nước trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, đang quan tâm và tỏ ý muốn mua một vài biến thể của hệ thống Vòm Sắt này. Khi mà nền kinh tế Israel phụ thuộc khá lớn vào ngành công nghiệp quốc phòng thì cuộc chiến ở dải Gaza lần này là một cơ hội tốt để Israel có thể kiếm được bội tiền từ việc bán ra hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt.
Bên cạnh đó, Israel cũng đã thành công trong việc duy trì nguồn tài trợ kinh phí phát triển hệ thống Vòm Sắt này từ phía Mỹ.