Iraq: Hàng ngàn lính bỏ trốn, dâng căn cứ cho địch
Phong trào đào ngũ ngày càng gia tăng ở Iraq, đẩy quân đội nước này vào một tình thế tồi tệ trước quân nổi dậy.
Sau 6 tháng giao tranh triền miên với các phiến quân ở phía tây Iraq, binh nhất Bashar al-Halbousi cùng hàng ngàn đồng đội của mình trở nên mệt mỏi và chán ngán chiến tranh. Những vụ phục kích kinh hoàng diễn ra hàng ngày, trong khi các chỉ huy không có bất cứ chiến lược nào để giúp họ giành được ưu thế.
Giọt nước tràn ly chính là cái chết của một người đồng đội cách đây 2 tuần vì bị đính đạn bắn tỉa. Sau cái chết của bạn, binh nhất Halbousi cùng hàng ngàn binh sĩ khác quyết định bỏ trốn và dâng căn cứ cho lực lượng phiến quân.
Halbousi tâm sự: “Chính phủ quá yếu đuối, và đây sẽ là cuộc chiến không có hồi kết.”
Phong trào đào ngũ đang rộ lên trong quân đội Iraq
Sau nửa năm trời chống lại phong trào nổi dậy ở phía tây, quân đội Iraq đang phải đối mặt với vấn nạn đào ngũ gia tăng nhanh chóng, làm thay đổi bước ngoặt của cuộc chiến và suy yếu đáng kể sức mạnh của đội quân do Mỹ huấn luyện và chu cấp.
Trong quân đội Iraq, các binh sĩ dòng Sunni và Shiite chiến đấu cùng với nhau. Thế nhưng làn sóng đào ngũ ồ ạt của các binh sĩ dòng Sunni đang có nguy cơ khiến người Hồi giáo Sunni ở Iraq tin rằng quân đội chỉ là công cụ quyền lực của người Shiite.
Làn sóng đào ngũ này lên đến đỉnh điểm khi ngày hôm qua, các binh sĩ và chỉ huy lực lượng đồn trú ở Mosul đồng loạt rời bỏ căn cứ của mình, dâng thành phố lớn thứ hai Iraq cho các chiến binh nổi dậy thuộc phong trào Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria.
Lực lượng đào ngũ bỏ lại toàn bộ vũ khí, phương tiện và cả quân phục phía sau, trong khi các phiến quân chiếm giữ ít nhất 5 căn cứ quân sự và sân bay thành phố. Trong cơn tuyệt vọng, quân đội Iraq buộc phải ra lệnh cho không quân ném bom các căn cứ của chính mình ở Mosul để tránh tình trạng vũ khí rơi vào tay đối phương.
Các binh sĩ bỏ lại cả quân phục chạy trốn khỏi thành phố Mosul
Hình ảnh các chiến binh Hồi giáo diễu hành trên đường phố Mosul bằng những chiếc Humvee của Mỹ mà họ thu được quả thật là một cái tát vào mặt những quan chức Mỹ từng tuyên bố rằng quân đội Iraq sẽ đủ sức bảo vệ an ninh sau khi quân Mỹ rút khỏi nước này.
Trước khi xảy ra vụ vỡ trận ở Mosul, quân đội Iraq đã mất khoảng 300 lính mỗi ngày, bao gồm những người đào ngũ, chết trận hoặc bị thương. Một lính đào ngũ tên là Mohamed cho biết làn sóng đào ngũ ở Ramadi bắt đầu rộ lên từ vài tháng trước khi số lượng lính thương vong tăng cao. Người lính 24 tuổi này tâm sự: “Tôi cảm thấy như đang chiến đấu với nhiều đạo quân chứ không phải một.”
Lực lượng phiến quân tổ chức nhiều đợt tấn công ồ ạt vào quân chính phủ, và khi đạn dược cạn dần, họ lại cho các chiến binh đánh bom tự sát mò vào thành phố. Mohamed cho biết anh suýt mất mạng khi một quả đạn cối rơi trúng chiếc xe Humvee của anh, nhưng 8 đồng đội của anh thì không được may mắn như vậy.
Các chiến binh nổi dậy chiếm lĩnh thành phố Mosul mà không tốn một viên đạn
Tuy nhiên, chính phủ Iraq đang tìm cách giảm nhẹ quy mô của cuộc khủng hoảng này và cho rằng những binh sĩ trên chỉ bị coi là “mất tích” chứ không phải là đào ngũ. Thậm chí họ còn đưa ra những lý do rất ngô nghê như các binh sĩ nghỉ phép không trở lại đơn vị vì những con đường đến chiến trường ngày càng nguy hiểm.
Thế nhưng sau thất bại thảm hại ở Mosul, lần đầu tiên chính phủ Iraq phải công khai ra một đạo luật cấm binh sĩ đào ngũ và đe dọa sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người vi phạm, trong đó có cả án tử hình.
Tuy nhiên các binh sĩ Iraq có vẻ như không sợ đạo luật này bằng những nỗi khủng khiếp mà họ phải trải qua trên chiến trường. Mỗi ngày, họ đều phải phập phồng lo sợ tuần tra trong những thành phố mà người dân luôn tỏ ra thù địch với họ. Họ phải lục soát những ngôi nhà tiềm ẩn đầy cạm bẫy và đi dọc những con đường cài đầy bom. Tuy nhiên điều đáng sợ nhất đối với họ là những tay súng bắn tỉa ẩn nấp khắp nơi.
Một số binh sĩ Iraq cho biết gia đình thường xuyên cầu xin họ hãy rời khỏi quân ngũ. Một chiến binh đào ngũ cho biết mẹ anh sợ chiến tranh đến mức mỗi lần anh về phép là bà lại đốt trụi quân phục của anh. Hai tháng trước đây, bà đã đe dọa sẽ tự sát nếu anh quay trở lại đơn vị.
Tinh thần quân đội Iraq ngày càng sa sút vì phong trào đào ngũ
Một cựu binh từng được đưa thẳng đến chiến trường Falluja chỉ sau vài tháng huấn luyện cơ bản cho biết: “Chúng tôi mất rất nhiều lính. Ba hoặc bốn người bạn của tôi đã chết. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt.”
Phong trào đào ngũ rầm rộ này đang có nguy cơ khiến cuộc xung đột ở Iraq trở nên nguy hiểm hơn khi các chiến binh nổi dậy đang lần lượt chiếm giữ các thành phố lớn, từ Falluja cho tới Mosul. Khi ngày càng ít binh sĩ dám đối mặt với các chiến binh, quân đội Iraq giờ đây chỉ dựa vào pháo binh và không kích, khiến nguy cơ đối với dân thường ngày càng tăng lên.
Ông Hayder al-Khoei, một nhà nghiên cứu về Iraq tại Viện Chatham ở London (Anh) nhận định: “Những người lính trẻ ở Iraq nhập ngũ vì được hứa hẹn trả lương cao, nhưng giờ đây họ có cảm giác như đang bị bỏ rơi. Họ đơn giản là bị ném vào lò lửa, và đó là một cơn ác mộng quá sức chịu đựng của họ.”