Indonesia nối lại cuộc tìm kiếm máy bay mất tích

Công tác tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia bị mất tích cùng 162 hành khách trên chuyến bay vừa được tiếp tục trở lại vào tảng sáng nay, sau khi lực lượng cứu hộ tạm ngừng làm việc chiều qua vì trời tối và thời tiết xấu.

Indonesia nối lại cuộc tìm kiếm máy bay mất tích - 1  

Đội tìm kiếm và cứu hộ của lực lượng không quân Indonesia chuẩn bị khởi hành từ một căn cứ ở Kubu Raya để tham gia việc tìm kiếm chuyến bay AirAsia QZ8501 mất tích.

Tờ Jakarta Post hôm qua dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia (Basarnas) vừa đưa tin, chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia chở 162 người được tin là đã rơi tại khu vực có tọa độ 3o22'46'' Nam và 108o50'07'' Đông tại vùng biển Belitung.

 Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi với sóng cao tới 2m hôm qua đã ngăn cản nỗ lực tiếp cận khu vực của lực lượng tìm kiếm và  cứu hộ.

Ông Hadi Mustofa, quan chức Bộ Giao thông Vận tải Indonesia hôm qua cho biết, việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã phải tạm ngừng  vào lúc 17h30 - giờ Indonesia tức 18h30 - giờ Malaysia vì trời đã bắt đầu tối. Thời tiết cũng xấu, có rất nhiều mây mù.
 

Hôm nay Không quân Indonesia đã điều động 3 trực thăng, 2 máy bay và 8 tàu cứu nạn để tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay mất tích của AirAsia ở gần đảo Bangka và Belitung, phía đông đảo Sumatra, tờ Jakarta Globe đưa tin.

Các nhà chức trách Malaysia, Singapore và Australia cũng đang hỗ trợ các nhà chức trách Indonesia  tìm kiếm chiếc máy bay. 

Singapore đã triển khai tàu RSS Valour và RSS Supreme tới khu vực tìm kiếm máy bay mất tích rạng sáng nay và sẽ mất một ngày để đến nơi, Bộ trưởng Quốc phòng quốc đảo Ng Eng Hen cho hay. Trước đó, theo ông Ng Eng Hen, Singapore hôm qua đã triển khai máy bay C-130 nhanh chóng tiếp cận  khu vực tìm kiếm.

Indonesia nối lại cuộc tìm kiếm máy bay mất tích - 2  
Tàu RSS Valour của Singapore đã rời cảng.

Còn Malaysia đã điều ba tàu quân sự và máy bay quân sự C130 tới hỗ trợ Indonesia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nước này, ông Datuk Seri Liow Tiong Lai  xác nhận. Ông Liow Tiong Lai cũng bác bỏ  thông tin cho biết đã thấy chuyến bay QZ8501.

Mỹ cũng đã đề nghị trợ giúp Indonesia “bất cứ  giá nào” để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích dù không có hành khách người Mỹ nào trên chuyến bay. 

Truyền thông Ấn Độ cũng cho biết,  3 tàu chiến và máy bay tuần tra biển của  Hải quân nước này đã sẵn sàng để tham gia hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay mất tích của AirAsia trong trường hợp  cần thiết.

Indonesia nối lại cuộc tìm kiếm máy bay mất tích - 3 Bản đồ chỉ ra vị trí của máy bay khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu

Chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã bay được gần nửa chặng đường từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore và biến mất vào sáng sớm hôm qua (theo giờ địa phương), sau khi cất cánh khoảng 42 phút.

Giám đốc điều hành hãng AirAsia, ông Tony Fernandes chỉ nhận định, tình trạng thời tiết xấu vì bão vào thời điểm chiếc máy bay mất tích, song không đưa ra suy đoán thêm.

“Chúng tôi rất sững sờ khi sự việc xảy ra. Thật không thể tin được. Chúng tôi không biết nguyên nhân, do vậy chúng tôi sẽ chờ kết quả điều tra để biết điều gì thực đã xảy ra. Chúng tôi hy vọng rằng chiếc máy bay sẽ được tìm thấy nhanh chóng và chúng tôi có thể biết được nguyên nhân sự việc. Vào lúc này, chúng tôi không muốn suy đoán. Chúng tôi không biết điều gì cả", ông Tony Fernandes nhấn mạnh.

Chiếc máy bay QZ8501 đã không đưa ra tín hiệu cầu cứu nào trước khi mất tích.

Giới chức trách Indonesia cho biết, trước khi mất liên lạc, phi công máy bay có yêu cầu tăng độ bay lên cao khoảng 11.500 m để tránh mây.

 “Máy bay đã liên lạc với bộ phận Không lưu của Jakarta vào lúc 6h12 (ngày 28.12 theo giờ địa phương) ở tầng số 125,7 megaherts. Trong thời gian liên lạc, Không lưu Jakarta vẫn còn xác định được máy bay trên màn hình radar. Máy bay cho biết đang tìm cách tránh các đám mây và yêu cầu được bay ở độ cao 11.5000 m”, ông Djoko Atmojio, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia khẳng định.

Chiếc máy bay mất tích chở 162 người trong đó bao gồm 155 hành khách bao gồm 149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, một từ Singapore, một từ Malaysia và một người Anh cùng và 7 thành viên phi hành đoàn (bao gồm một phi công người Indonesia và phi công phụ người Pháp và các thành viên phi hành đoàn người Indonesia)

Theo AirAsia, phi công được mô tả là người có kinh nghiệm và đã bay khoảng 20.500 giờ bay.

Chiếc máy bay mất tích đã được sử dụng 6 năm nay và lần cuối được bảo trì là ngày 16.11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Máy bay AirAsia của Malaysia gặp nạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN