Indonesia: Nhét chim vào chai nhựa để qua cửa hải quan

Sự kiện: Tin tức Indonesia

Những con chim này được giải cứu khi đang bị nhét vào trong chai nhựa tại cửa kiểm tra hải quan tại một cảng biển ở Indonesia.

Ngày 4/5, cảnh sát Indonesia cho biết họ đã giải cứu được 24 con chim thuộc giống vẹt mào cocktatoo cực kỳ quý hiếm bị nhồi vào trong những chiếc chai nhựa để buôn lậu qua cửa hải quan.

Bọn buôn lậu đã nhét những chú chim vẹt mào vàng đang có nguy cơ tuyệt chủng này vào những chai nhựa rỗng để có thể tuồn qua cửa kiểm tra hải quan tại cảng Tanjung Perak ở tỉnh Surabaya, Indonesia.

Indonesia: Nhét chim vào chai nhựa để qua cửa hải quan - 1
Những chú vẹt bị nhồi vào trong chai nhựa để tuồn qua cửa hải quan

 

Nếu được tuồn qua trót lọt, những chú vẹt này có thể bị bán với giá gần 1000 USD mỗi con. Rất may là cảnh sát đã kịp thời phát hiện ra thủ đoạn này và cắt chai nhựa để giải cứu những chú vẹt.

Vẹt mào vàng được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Tự nhiên và Tài nguyên đưa vào danh sách các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2007. Vẹt mào vàng có quá trình phát dục rất chậm và chỉ đẻ 2 quả trứng mỗi năm, bởi vậy số lượng của chúng đang có xu hướng giảm rất mạnh.

Indonesia: Nhét chim vào chai nhựa để qua cửa hải quan - 2
Vẹt mào vàng là loài vẹt đang có nguy cơ tuyệt chủng

 

Quá trình phá rừng, săn bắt trộm cũng khiến số lượng vẹt mào vàng trong tự nhiên giảm nghiêm trọng, và các nghiên cứu gần đây cho thấy trên thế giới chỉ còn khoảng 7.000 cá thể vẹt mào vàng sống trong tự nhiên.

Loại vẹt lông màu trắng này có thể đạt chiều dài khoảng 68 cm khi trưởng thành, với chiếc mào màu vàng đặc trưng rất đẹp. Chúng thường sinh sống trong những khu rừng tại Đông Timor và trên các hòn đảo hoang vắng của Indonesia.

Indonesia: Nhét chim vào chai nhựa để qua cửa hải quan - 3
Cảnh sát cắt chai nhựa để giải cứu cho những chú vẹt

 

Nhà chức trách Indonesia cho biết mỗi năm có hơn 10.000 con vẹt, trong đó có vẹt mào vàng, bị săn bắt trái phép ở Bắc Halmahera để cung cấp cho các đường dây buôn lậu động vật hoang dã trong nước và quốc tế. Khoảng 40% số vẹt này đã bị chết trong quá trình bị bọn buôn lậu vận chuyển.

Điều đó đồng nghĩa với việc cứ 1.000 con vẹt bị đánh bắt trong tự nhiên thì có tới 400 con bị chết trong khi bị cong người săn bắn, vận chuyển và mua bán trái phép.

Luật pháp của hầu hết các nước đều nghiêm cấm hành vi mua bán vẹt trên thị trường quốc tế, ngoại trừ các giống vẹt được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt hoặc được quốc gia xuất khẩu cho phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN