Indonesia bỏ kiểm tra trinh tiết nữ công chức... trừ cảnh sát

Sự kiện: Tin tức Indonesia

Giới chức Indonesia dự kiến bãi bỏ quy định kiểm tra trinh tiết đối với các nữ công chức, song riêng ngành cảnh sát vẫn phải tuân thủ thủ tục gây tranh cãi này.

Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tjahjo Kumolo xác nhận, ông đang nỗ lực hết sức để chấm dứt việc kiểm tra trinh tiết các nữ ứng viên thi tuyển công chức nhà nước, bao gồm những sinh viên dự tuyển vào Học viện Hành chính Công - một trường đào tạo công chức, quản lý dân sự. 

"Một cô gái không còn là trinh nữ có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, chẳng hạn như bị ngã. Điều đó (việc kiểm tra trinh tiết) là một biện pháp không nên thực hiện. Thật đáng tiếc nếu quyết định một nữ ứng viên không đạt yêu cầu chỉ vì cô không còn là trinh nữ dù cô ta có năng lực", tờ Bangkok Post dẫn lời ông Tjahjo cho hay. 

Tuy nhiên, việc khám trinh tiết chỉ được bãi bỏ đối với các nữ ứng viên công chức nhà nước trong các lĩnh vực dân sự. Riêng ngành cảnh sát vẫn không thay đổi quy định này. Lực lượng cảnh sát đã áp dụng quy định khám trinh tiết nghiêm ngặt đối với các nữ ứng viên cảnh sát - vốn chỉ chiếm 3% trong tổng số 400.000 nhân viên cảnh sát ở Indonesia.

Indonesia bỏ kiểm tra trinh tiết nữ công chức... trừ cảnh sát - 1

Các nữ cảnh sát Indonesia vẫn chưa thoát quy định kiểm tra trinh tiết.

Trước đó, hồi tháng 10, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế (HRW) công bố một báo cáo chỉ trích gay gắt quy định khám trinh tiết bằng hai ngón tay đối với các nữ ứng viên cảnh sát Indonesia.

 

Để trở thành nữ cảnh sát tại Indonesia, các ứng viên phải có đủ các điều kiện bao gồm độ tuổi từ 17 tuổi rưỡi đến 22 tuổi, chưa kết hôn, thuộc một tôn giáo, cao trên 1,65 m, thị lực tốt và vẫn còn là trinh nữ.

Theo báo cáo của HRW, nhiều nữ ứng viên chỉ biết đến phần "kiểm tra hai ngón" ngay trước khi bước vào phòng khám. 

HRW đã phỏng vấn các nữ ứng viên cảnh sát và cảnh sát tại 6 thành phố của Indonesia từng trải qua bài khám trinh tiết. Tất cả các nữ ứng viên và cảnh sát đều cho biết, việc khám trinh tiết không chỉ khiến họ đau đớn, tổn thương về mặt thể chất mà còn tinh thần. 

"Tôi cảm thấy xấu hổ, lo lắng nhưng tôi không thể từ chối tham gia bởi đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn trở thành cảnh sát", một nữ ứng viên cảnh sát cho biết.

Một nữ ứng viên cho biết, họ phải cởi hết quần áo trước mặt khoảng 20 thí sinh khác trước khi nhân viên y tế đưa từng cặp đi vào một căn phòng không có cửa để kiểm tra trinh tiết bằng hai ngón tay.

Indonesia bỏ kiểm tra trinh tiết nữ công chức... trừ cảnh sát - 2

Các nữ ứng viên cảnh sát và cảnh sát Indonesia đều cảm thấy bị ám ảnh, tổn thương sau khi bị kiểm tra trinh tiết.

HRW đã mạnh mẽ lên án quy định này. Bà Nisha Varia, Giám đốc về các quyền của phụ nữ của HRW cáo buộc: "Hành động kiểm tra trinh tiết các tân nữ cảnh sát ở Indonesia là thực tế phân biệt đối xử và xâm hại nhân phẩm nữ giới".

Vào thời điểm đó, phát ngôn viên của Lực lượng Cảnh sát quốc gia Ronny Sompie tuyên bố, quy định khám trinh tiết không phải là hành vi phân biệt đối xử.

"Các ứng viên, cả nam và nữ, đều phải trả qua một bài kiểm tra sức khỏe, bao gồm cả việc kiểm tra cơ quan sinh dục và trinh tiết. Tuy nhiên, những người không còn là trinh nữ vẫn có thể trở thành cảnh sát. Do đó, quy định này không phản ánh sự phân biệt đối xử", ông Ronny Sompie phát biểu.

Các nhà chức trách Indonesia cho rằng cuộc kiểm tra trinh tiết nhằm đảm bảo rằng các tân cảnh sát đều khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc ung thư cổ tử cung.

Ngoài Indonesia, HRW cũng  ghi nhận quy định khám trinh tiết đối với các ứng viên nữ cảnh sát ở các nước khác bao gồm Ai Cập, Ấn Độ và Afghanistan.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN