Hy Lạp vỡ nợ, dân ồ ạt kéo nhau ra nước ngoài

Khoảng 10.000 đến 20.000 người dân Hy Lạp đã ồ ạt kéo đến xin định cư ở Úc khi đất nước họ chìm trong cảnh vỡ nợ.

Đối với anh Nikos Fotakis, việc lấy được một người vợ Úc quả là điều may mắn nhất đời mà trước đây anh chưa từng nghĩ đến. Ở tuổi 39, người đàn ông Hy Lạp này gần như không một xu dính túi, nợ nần chồng chất và đang tuyệt vọng tìm cách xoay xở nuôi vợ và 2 con nhỏ, trong bối cảnh đất nước Hy Lạp tiến dần đến bờ vực phá sản và vừa chính thức tuyên bố vỡ nợ.

Anh Fotakis là một trong số những người dân Hy Lạp ồ ạt tháo chạy ra nước ngoài, và anh may mắn được đến định cư ở Úc nhờ quốc tịch của vợ. Anh đặt chân lên nước Úc với hai bàn tay trắng và niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Hy Lạp vỡ nợ, dân ồ ạt kéo nhau ra nước ngoài - 1
Hy Lạp vừa tuyên bố vỡ nợ khi không thể trả được 1,6 tỉ euro cho IMF

Trong ngôi nhà mới ở Melbourne, Úc, Fotakis tâm sự: “Tôi có cảm giác như mình đang ngồi trên một chiếc thuyền cứu sinh chứng kiến cảnh tàu Titanic chìm dần. Dù tôi đã thoát nạn, nhưng người dân nước tôi vẫn đang ở trên con tàu đó”.

Trong thời gian gần đây, hàng chục ngàn người Hy Lạp có thân nhân ở Úc đã ồ ạt kéo đến nước này, hình thành làn sóng di dân rời khỏi Hy Lạp lớn nhất kể từ khi nước này trải qua cuộc nội chiến vào thập niên 1940 khiến hơn 150.000 dân phải chạy sang nước Úc.

Thế hệ người Hy Lạp di cư hiện nay có trình độ cao hơn ông cha mình, nhưng họ ra đi vẫn trong tình trạng trắng tay như vậy và phải sống vật vạ nhờ vào tấm lòng của những kiều bào ở Úc. Các tổ chức phúc lợi xã hội Úc ước tính có từ 10.000 đến 20.000 người Hy Lạp đã đến Úc trong thời gian gần đây, phần lớn là những người có 2 quốc tịch hoặc có người thân ở Úc.

Hy Lạp vỡ nợ, dân ồ ạt kéo nhau ra nước ngoài - 2
Người dân Hy Lạp chia rẽ về cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi eurozone trong thời gian tới

Ông George Spiliotis, giám đốc Hội Phúc lợi Hy Lạp ở Melbourne cho biết: “Họ quay trở lại mà không có gì trong tay, ngoài chiếc vali và niềm hy vọng bắt đầu lại mọi thứ”.

Trong những tiệm cà phê tại khu “Tiểu Hy Lạp” ở Melbourne, cuộc khủng hoảng vỡ nợ ở quê nhà giờ đây đang là chủ đề bàn tán sôi nổi. Cộng đồng 300.000 người Hy Lạp ở thành phố này đang hồi hộp ngóng chờ thông tin về cuộc trưng cầu dân ý quyết định việc Hy Lạp có ở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không, sau khi nước này không thể trả nổi khoản nợ 1,6 tỉ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Jenny Karatzidis, một cô gái đến nước Úc cách đây 2 năm, cho biết: “Hy Lạp giờ là nơi rất khó khăn, không việc làm, không nghề nghiệp, không tương lai. Người ta thường nói đùa rằng những người trên 20 tuổi ở Hy Lạp đều bị hủy hoại”.

Người dân Melbourne lo ngại rằng trong thời gian tới, họ sẽ phải tiếp tục chứng kiến một làn sóng di cư ồ ạt mới của người Hy Lạp, gia tăng sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội của thành phố.

Hy Lạp vỡ nợ, dân ồ ạt kéo nhau ra nước ngoài - 3
Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền trong khi các ngân hàng đóng cửa trong nhiều ngày

Ông Peter Jasonides, giám đốc Viện Giáo dục Trung học và Đại học Úc, cảnh báo: “Mọi người đừng đổ xô ra nước ngoài một cách mù quáng, đừng mong đợi rằng sẽ có người chờ đón họ tại sân bay với tấm biển rằng họ sẽ có việc làm ngay”.

Với những người Hy Lạp được đặt chân đến Úc nhờ có người thân hoặc vợ/chồng bảo lãnh, họ biết rằng có rất nhiều người ở quê nhà đang chìm ngập trong cảnh nợ nần, thất nghiệp. Con đường duy nhất để họ có thể ra tháo chạy khi không có người thân ở nước ngoài là xin thị thực sinh viên hoặc nhập cư dưới diện lao động có trình độ cao, nhưng họ sẽ phải chờ đợi trong thời gian dài với mức phí rất cao.

“Bố mẹ đã trao cho tôi một món quà cực lớn, đó chính là quốc tịch Úc”, cô gái Karatzidis chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN