Hy hữu “tình chị, duyên em” giữa rừng U Minh Thượng

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tới giờ rước dâu, cô dâu biến mất. Quá tức giận, nhà trai đòi lại tiền, vàng. Trước tình cảnh này, em gái cô dâu xin… thay chị cưới chồng!

Một câu chuyện hy hữu, có thật xảy ra tại một ấp nghèo giữa rừng U Minh Thượng.

Cuộc tình mai mối và cô dâu trốn chạy

Gia đình ông N.V.T., ngụ Kênh 11, thuộc ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang vốn nghèo khó nhưng có hai cô con gái xinh xắn, hay lam hay làm.

Cũng như phần lớn gia đình ở ấp nghèo giữa rừng U Minh Thượng này, hai cô con gái của ông T. cũng theo nếp khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng là chờ người mai mối, cha mẹ gật đầu tác thành.

Xã Vĩnh Thuận, nơi xảy ra vụ việc hy hữu

Xã Vĩnh Thuận, nơi xảy ra vụ việc hy hữu

Ngày nọ, bà mai dẫn mối cho cô con gái lớn của gia đình ông T. một chàng trai ở Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận). Sau khi “điều nghiên”, biết chàng rể tương lai cũng hiền lành, chăm chỉ, gia cảnh khấm khá, ông T. bèn gật đầu đồng ý.

Bà mai liền đưa cha mẹ và chú rể tương lai sang gặp gỡ. Sau lễ “giáp mặt” vài ngày, đám hỏi diễn ra, phía nhà trai trao cho cô dâu nhẫn vàng, dây chuyền, bông tai vàng làm quà.

Từ đó, chú rể tương lai thường xuyên qua lại nhà ông T. Không chỉ ông T. “ưng cái bụng”, mà họ hàng, láng giềng đều khen cô cả nhà ông T. tốt số có được chồng hiền, biết làm lụng.

Trước ngày cưới, nhà trai đem con heo trăm ký cùng mấy triệu đồng “nộp tài” cho nhà gái. Chàng rể tương lai cũng tặng cho vợ sắp cưới 1 cây vàng 24K. Lễ cưới được chuẩn bị rình rang, nhà trai thuê nguyên dàn đàn ca tài tử nổi tiếng về phục vụ.

Sáng sớm, theo tục lệ, nhà trai chuẩn bị những mâm trầu cau, trà, bánh, trái cây, rượu mừng với gần 20 người sang nhà gái rước dâu. Phía nhà gái cũng lo sẵn mấy chiếc xuồng máy đặt ngay phía bờ sông để đưa cô dâu về nhà chồng.

Thế nhưng, tới giờ “hoàng đạo” mà cô dâu đi làm tóc, trang điểm mãi vẫn không thấy về, gọi điện thoại thì thấy “không liên lạc được”.

Người nhà ông T. chạy tắt đường ruộng đến nơi làm tóc cách nhà hơn 1km, cửa hiệu cho biết là không hề có cô dâu nào tới làm tóc từ sáng tới giờ. Đám cưới hỗn loạn, ông T. muối mặt xin lỗi nhà trai. Khách khứa ái ngại ra về.

Và rồi, việc cô dâu bỏ trốn khiến người dân xôn xao bàn tán. Phía nhà trai đòi làm đơn kiện ra xã để đòi tiền, vàng mà nhà trai đã “nộp tài” trước đây; còn đòi luôn tiền đãi tiệc hôm tổ chức đám cưới.

Phía nhà trai tổ chức cả chục người, mời cả chính quyền địa phương cùng đi qua nhà gái để “bắt đền”. Lúc này, ông T. cuống quýt xin lỗi, bối rối không biết làm sao để trả lại tiền, vàng, bởi phần thì cô con gái bỏ trốn cầm theo, phần thì đã chi phí cho đám cưới.

Thấy cảnh nhà nghèo, nhìn cha mẹ đau đầu buồn khóc vì chuyện lớn bất thành, lại lo lắng khôn nguôi về khoản tiền trả cho nhà trai, cô con gái thứ hai của ông T. đã quyết định: “Lấy… anh Hai làm chồng thay chị Hai”.

Ông T. sững người trước quyết định của con gái thứ hai, nhưng vốn sẵn tiếc chàng rể ngoan hiền, lại thêm món nợ nần còn đó, nên vui vẻ đồng ý tác thành “tình chị, duyên em”.

Nhà trai ban đầu rất bất ngờ về quyết định này, nhất là chàng rể. Nhưng sau khi hai bên gia đình thuyết phục, trong lòng cũng cảm mến cô em vì sự ngoan hiền, hiếu thuận, chàng rể đã đồng tình.

Hạnh phúc tròn đầy

Sau nhiều năm bên nhau, đến nay, chàng rể năm nào cùng cô con gái thứ hai của ông T. đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.

Từ chối cho chụp ảnh cũng như công khai danh tính vì không muốn cho con cháu về sau biết câu chuyện kết hôn có phần trắc trở này, nhưng con gái thứ hai của ông T. cho biết: “Chưa từng ân hận vì đã thay chị mình làm tròn lời hứa hôn của mẹ cha, làm tròn chữ hiếu”. Người chồng không coi chị như người “thế chân”, mà thực sự tốt, yêu thương vợ con, chăm chỉ làm ăn.

Nhưng ít ai biết rằng, cuộc hôn nhân “tình chị, duyên em” ấy không chỉ hy hữu, mà còn gặp những khó khăn ban đầu.

Khó khăn không chỉ từ vượt qua dư luận xầm xì, bàn tán, mà ngay cả về mặt pháp lý, cũng cần có sự linh hoạt trong việc hợp pháp hoá cho cuộc hôn nhân thay thế cô dâu này.

Tập tục mối lái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy vẫn còn đâu đó ở U Minh Thượng nói riêng, trên toàn quốc nói chung. Đây là nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện hy hữu như cô dâu bỏ trốn, chú rể huỷ hôn hay “tình chị, duyên em”… Vì vậy, hãy để giới trẻ đến với nhau bằng sự tự do lựa chọn, tìm hiểu kỹ lưỡng, cha mẹ cũng chỉ nên góp ý, khuyên răn nếu thấy điều không nên không phải…

Ông Lê Văn Mảnh, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Bờ Xáng

Thời điểm đó, sau khi nhà ông T. và phía nhà trai đã thống nhất đồng ý đổi dâu, nhưng phía nhà trai không đồng tình việc trong vòng 1 tháng mà tổ chức cưới cho con trai đến 2 lần với 2 người vợ khác nhau, nên lần hợp hôn này chỉ đăng ký pháp lý mà không tổ chức.

Ông Lê Văn Mảnh, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Bờ Xáng nhớ lại: Đây là câu chuyện hy hữu, giải quyết sao cho có tình, có lý, không vi phạm pháp luật cũng không dễ dàng.

Khi hai ông sui đến trụ sở làm việc của ấp, nhờ giúp đỡ để hợp thức hóa đám cưới này, lãnh đạo ấp đã lắng nghe, ghi lại lời trình bày của 2 bên và nguyện vọng của họ.

“Ấp đã lập biên bản nêu rõ sự việc, ý kiến và nguyện vọng các bên gửi lên trên để có ý kiến tiếp theo. Gặp chuyện hy hữu như vậy, nên lập tức xã cũng cử người xuống xác minh, rồi mời đại diện cả 2 bên sui gia lên để bàn “kế hoạch” sao cho không vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, lại có hướng vun đắp hạnh phúc cho đôi lứa”, ông Mảnh kể.

Theo ông Mảnh, sau khi xuống xác minh, cán bộ tư pháp đề nghị UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với gia đình ông T. vì đám cưới lần đầu chưa đăng ký kết hôn và thực hiện thủ tục kết hôn cho đám cưới thứ hai này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, vị cán bộ tư pháp xã Vĩnh Thuận giải thích: “Thấy tình cảnh éo le như vậy, hơn nữa trước đến nay chưa hề gặp 1 trường hợp “tình chị, duyên em”, nên chúng tôi xin ý kiến UBND xã chỉ đạo, nhưng các anh bảo xem xét thật kỹ càng. Xem có đúng như những gì 2 bên trình bày, không thì sẽ có chuyện ép hôn cô em thêm lớn chuyện.

Chúng tôi đã mời cô em ra xã để hỏi riêng về chuyện tình cảm và để đối chứng ba mặt một lời. Sau khi được biết đây đúng là theo sự thuận tình của con gái thứ hai của ông T., chúng tôi hướng dẫn 2 em đem giấy CMND lên xã để đăng ký kết hôn thì mới cho tổ chức đám cưới”.

Chuyện hôn sự hai nhà đã được dàn xếp êm đẹp, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ngập tràn hạnh phúc được 3 tháng, cô chị bỗng dưng từ TP.HCM trở về.

Quỳ xin lỗi cha mẹ, cô chị giải thích, do còn trẻ, khi thấy cha mẹ sắp xếp lấy chồng không dám cãi, nhưng lại… chưa thấy có tình cảm với người được mai mối, nên bối rối mà bỏ trốn.

Trước khi bỏ trốn, cô đã gửi một số nữ trang lại cho người bạn cất giùm, chỉ lấy đi 2 chỉ vàng 24k để làm lộ phí. Giờ số vàng mang về, chị Hai trao lại cô em, xem như đó là món quà cưới đích thực của chồng tặng cho ngày vu quy xuất giá.

Hy hữu: Người đàn ông 30 tuổi mới được cấp giấy khai sinh

Suốt 30 năm sinh sống ở Hà Nội nhưng đến tận hôm nay, anh Dũng mới được cấp giấy khai sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tâm ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN