Hy hữu: Nhảy cầu Bãi Cháy không chết
Trong khoảng gần 100 người được xác định đã nhảy cầu Bãi Cháy tự tử thì duy nhất chỉ có em Nguyễn Huy H. (13 tuổi, trú tại phường Yết Kiêu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) sống sót sau 1 tuần chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Chiều 23/4, bác sỹ Hà Mạnh Hùng - Phó khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Em H. nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, mạch đập nhanh, suy hô hấp, phổi bầm dập dẫn đến tình trạng tràn máu và tràn khí màng phổi trái và não bị tổn thương nặng nề.
Từ độ cao 50 mét, hầu hết các nạn nhân nhảy cầu Bãi Cháy đều tử vong. Ảnh: Anh Tuấn
Phía gia đình em H. có cho biết nguyên nhân đưa em vào viện cấp cứu là do em nhảy xuống cầu Bãi Cháy tự tử. Em được người dân đánh cá phát hiện nên đã kịp thời lao ra cứu vớt đưa vào bờ.
Từng khám nghiệm tử thi cho các nạn nhân nhảy cầu Bãi Cháy tự tử, bác sỹ Phạm Văn Đễ - Trưởng phòng Giám định pháp y tỉnh cho biết: “Cầu Bãi Cháy bắc qua eo Cửa Lục, có độ cao 50m so với mặt nước biển nên hầu hết các nạn nhân khi rơi xuống đều tử vong. Bởi từ trên khoảng không rơi xuống mặt nước, cơ thể con người bị ức chế phản xạ, đuối nước, dập vỡ phủ tạng. Nhiều trường hợp cấp cứu được nhưng di chứng nặng nề của vết thương sẽ làm người nhảy cầu chết sau đó vài ngày... ”.
Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe của em H. dần hồi phục. Ảnh: QTV
Do vậy, việc điều trị cho em Hùng chỉ được sử dụng các biện pháp can thiệp từ bên ngoài. Theo đó, các bác sỹ đã tiến hành đặt ống nội huyết quản, cho thở bằng máy với nồng độ oxi cao, truyền dịch kịp thời nhằm ổn định quá trình tuần hoàn và hô hấp cho nạn nhân. Các bước kiểm tra tiếp theo như chụp kiểm tra CT sọ não, chụp X-quang cột sống, chụp cắt lớp lồng ngực... cũng đã được thực hiện.
Với phương pháp như vậy, sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe của em Hùng đã dần ổn định và không nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy nhiên, hiện em Hùng vẫn phải tiếp tục thở bằng máy vì phổi bị dập phải điều trị ít nhất hai tuần liền mới hồi phục.