Huyền tích lạ về “giếng cấm” ở Cố đô Huế

Sự kiện: Thừa Thiên - Huế

Dưới chân núi Bình An Sơn và gần đường lên chùa Báo Quốc có một giếng cổ độc đáo mang tên Hàm Long (miệng rồng) được người dân lớn tuổi đang sinh sống ở Thừa Thiên - Huế hay kể lại cho con cháu nghe với những giai thoại khác nhau gắn liền với lịch sử của các vua triều Nguyễn (1802-1945).

Giếng thiêng và truyền thuyết rồng quấy phá

Dưới chân núi Bình An Sơn và gần đường lên chùa Báo Quốc có một giếng cổ độc đáo mang tên Hàm Long (miệng rồng) được người dân lớn tuổi đang sinh sống ở Thừa Thiên - Huế hay kể lại cho con cháu nghe với những giai thoại khác nhau gắn liền với lịch sử của các vua triều Nguyễn (1802-1945).

Giếng Hàm Long nằm trong khuôn viên của chùa Báo Quốc (phường Đúc, TP.Huế) nhưng hiện nay không có ai lấy nước sử dụng do người dân đã có nước của nhà máy. Thường ngày nơi này ít người qua lại, chỉ có người ghé qua khi họ lên chùa Báo Quốc hoặc đến giếng thắp hương.

Huyền tích lạ về “giếng cấm” ở Cố đô Huế - 1

Miệng giếng khắc hình rồng uy nghi.

Từ TP.Huế lên đến nơi, chúng tôi bắt gặp bà Lê Thị Chi (75 tuổi, trú phường An Cựu, TP.Huế) đang sử dụng nước giếng Hàm Long rửa bát, đũa, nồi… Bà kể, giếng Hàm Long hiện nay duy nhất chỉ có bà sử dụng. Hàng ngày bà đi bán bún từ khi tờ mờ sáng đến trưa quay lại đây rửa đồ xong mới về nhà, cứ như vậy hơn chục năm nay.

Những người dân lớn tuổi sống gần chùa Báo Quốc hay truyền miệng nhau hoặc kể chuyện cho con cháu sau này nghe rằng, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành nhà Nguyễn.

Huyền tích lạ về “giếng cấm” ở Cố đô Huế - 2

Bà Lê Thị Chi đang lấy nước giếng để sử dụng.

Theo đó, khi vua Nguyễn từ Bắc vào xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên – Huế ngày nay –PV) khai hoang bờ cõi, vùng đất này vẫn còn hoang sơ, có nhiều điều thần bí, con người sống thưa thớt, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Sau khi vua Nguyễn vào Phú Xuân định đô chưa được bao lâu, nhà vua cũng như nhân dân trong vùng không được ngủ yên vì có một con rồng ngày đêm hô mưa gọi gió, gây ra sóng gió ầm ầm. Nhà vua lo lắng cho vận mệnh của đất nước, cuộc sống của nhân dân, đã sai các quan thần trong triều cho người đi khắp các vùng đất để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Một ngày, có một ông thầy phong thủy từ phương xa tới diện kiến nhà vua và phán rằng, trước mặt kinh thành (đại nội Huế bây giờ) có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch. Đặc biệt, long mạch ở đây mang nhiều điểm thần bí so với long mạch ở những nơi khác là biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện là do con rồng quấy phá. Tuy nhiên, thầy phong thủy cũng lại phán, nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được. Sau đó, nhà vua nghe theo thầy phong thủy là mời vị cao nhân về cúng bái, yểm long mạch chế ngự con rồng này.

Quả nhiên, con rồng thiêng không còn quấy phá nhà vua và nhân dân nữa. Từ đó, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn, cái tên còn tồn tại cho đến ngày nay.

Cũng theo bà Lê Thị Chi, việc con rồng quấy phá là truyền thuyết của người xưa kể cho nhau nghe, không có cơ sở. Tuy nhiên, giếng Hàm Long thực sự không bao giờ cạn, nước luôn trong sạch, thậm chí mưa lụt cũng không bị đục ngầu.

Giếng Hàm Long cung cấp nước cho vua Nguyễn

Ông Lê Duy Lụa (82 tuổi, người phụ trách hương khói ở giếng Hàm Long) cho biết, giếng nước Hàm Long đã có từ rất lâu đời, ước chừng cũng hơn 300 năm nay. Tấm bia đối diện với giếng có ghi lại lịch sử rõ ràng.

Huyền tích lạ về “giếng cấm” ở Cố đô Huế - 3

 Nước giếng Hàm Long luôn trong xanh kể cả lúc trời mưa.

Tấm bia đá được người làng và chùa Báo Quốc lập từ năm 2005 có ghi: “Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh. Theo bộ Hàm Long Sơn Chí thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674.

Đáy giếng có đá như hàm rồng. Nước trong đá tuôn ra mát lạnh có vị ngọt nên ngạn ngữ có câu:  “Giếng Hàm Long trong lại ngọt, anh thương em rày có Bụt chứng tri””.

Theo Đại Nam Nhất Thống chí: “Buổi đầu khai quốc, các quan lại triều đình thường lấy nước giếng này để vua dùng nên lại có tên nữa là Giếng Cấm”.

“Hồi xưa, lúc nơi này còn hoang sơ, thiền sư Tổ Giác Phong, đã lập nên chùa Báo Quốc vào cuối thế kỷ XVII đã đào 1 cái giếng để lấy nước ngay dưới chân núi. Bỗng từ dưới giếng có mạch nước ngọt tỏa mùi thơm ngát phun ra liên tục như miệng con rồng phun nước nên đặt là giếng Hàm Long. Một sự tích khác là khi người ta đào giếng để lấy đá thì đào đúng viên đá dẫn lộ xuống mạch nước ngầm và đá quá giống miệng con rồng nên người ta đặt tên là Hàm Long. Trên tấm bia ở giếng có hình tượng một con rồng uốn lượn, mạnh mẽ uy nghi” – ông Lê Duy Lụa kể.

Ông Lê Duy Lụa kể thêm, giếng này đã có từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, lúc ấy người dân trong vùng ai cũng đến đây gánh nước về dùng. Nhưng cho đến thời vua Gia Long, do nước bên thành bị bẩn đục, các quan lại mới cho người sang đây gánh nước về cho vua dùng. Từ đó, giếng Hàm Long trở thành giếng cấm, người dân không được sử dụng nữa.

Huyền tích lạ về “giếng cấm” ở Cố đô Huế - 4

Đường lên chùa Báo Quốc.

Những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, giếng Hàm Long đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Chùa Báo Quốc trở thành nơi để giặc cất giữ vũ khí, đóng quân. Biết nước giếng Hàm Long ngon ngọt, chúng đã biến nơi đây thành ô uế bởi những phế phẩm trâu bò bị vứt lại sau khi cướp của dân về mổ xẻ. Thỉnh thoảng, chúng bắt người về tra tấn, hành hạ ngay bên cạnh giếng. Dần dần, không biết vì lý do gì mà bọn giặc cứ bị bệnh, rồi chết một cách bí ẩn. Câu chuyện đó được người làng truyền tai nhau đến tận hôm nay.

“Giếng Hàm Long sâu khoảng 10m. Hàng năm, người dân nơi đây vẫn tổ chức cúng bái và cùng cơ quan chức năng làm vệ sinh giếng nên lúc nào nước cũng trong sạch” – ông Nguyễn Duy Lụa nói.

Chuyện chưa từng kể về hai giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi ở Hưng Yên

Người dân thôn Tam Kỳ truyền tai nhau những câu chuyện kỳ lạ xung quanh hai chiếc giếng cổ hơn 1.200 năm tuổi có nguồn nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Oai – Hà Vy ([Tên nguồn])
Thừa Thiên - Huế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN