Huyền thoại dòng sông chảy ngược

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc sống bên dòng Đắk Bla vẫn còn lưu truyền những huyền thoại, truyền thuyết nhằm giải thích cho hiện tượng chảy ngược, nước màu đỏ thẫm của dòng sông này

Sông Đắk Bla tại tỉnh Kon Tum chảy theo hướng Đông - Tây, ngược lại so với những con sông khác của nước ta. Đắk Bla không chỉ tạo cho dòng sông này nét riêng độc đáo mà còn trở thành biểu tượng của tỉnh Kon Tum.

Chuyện tình trắc trở

Trong tác phẩm “Rừng người thượng” (xuất bản lần đầu năm 1912), tác giả người Pháp Henri Maitre viết: Từ cửa sông Pekey, sông Bla (tức Đắk Bla hay Đắk Blăh) bắt đầu vào bình nguyên Reungao và uốn lượn quanh co thất thường, vẫn còn một đoạn vướng các thác ghềnh và bị kẹp giữa những ngọn đồi cuối cùng cao 100-200m… Tại chỗ gặp sông Meteung, Đắk Bla đột ngột đổi hướng và chảy về hướng Tây, càng quanh co hơn.

Huyền thoại dòng sông chảy ngược - 1

Dòng sông Đắk Bla gắn liền với nhiều huyền thoại Ảnh: Văn Phương

Người dân bên dòng Đắk Bla còn lưu giữ truyền thuyết để giải thích cho hiện tượng dòng sông chảy ngược này. Theo nhà văn Tạ Văn Sỹ, người được xem là “từ điển sống” về Kon Tum, thuở xa xưa, Đắk Bla cũng chảy theo hướng Tây - Đông như bao nhiêu dòng sông khác. Đến khi chiến tranh giữa các bộ tộc nổ ra khắp các xứ Tây Nguyên, những buôn làng, bộ tộc thường đánh phá, cướp bóc, giết hại lẫn nhau.

Bên hữu ngạn thượng lưu sông Đắk Bla có một ngôi làng người J’rai, bên tả ngạn phía hạ lưu có làng người Bahna. Hai ngôi làng này thường xuyên xảy ra đánh nhau, có mối thù không đội trời chung. Vượt qua mối thù, một chàng trai người J’rai và một cô gái người Bahna ở 2 làng lại đem lòng yêu thương nhau say đắm.

Biết là cuộc tình này sẽ không được 2 làng chấp nhận, chàng trai và cô gái cùng hẹn vào một đêm trăng sáng ra bờ Đắk Bla phía làng mình đâm vào cổ tự sát rồi nhào xuống sông để được chết bên nhau. Họ muốn dùng cái chết của mình để hòa giải cho người dân 2 làng.

Đúng ngày chàng trai đâm vào cổ rồi nhào xuống sông, dòng máu chàng xuôi theo dòng nước về phía hạ nguồn tìm đến bờ sông nơi làng cô gái. Dòng máu của cô gái ngược dòng sông tìm về phía làng của chàng trai. Khi cả 2 dòng máu gặp nhau ở giữa sông thì dường như tuân theo luật tục mẫu hệ của người J’rai, máu chàng trai theo máu cô gái chảy ngược về phía làng mình. Máu 2 người hòa vào nước làm đỏ cả dòng sông và kéo luôn dòng nước trôi ngược lại. Từ đó, dòng sông chảy ngược về phía Tây, đồng thời màu nước chuyển sang đỏ thẫm chứ không xanh như trước nữa.

Cái chết của đôi trai gái chung tình, sắt son không chỉ làm cho người dân 2 làng J’rai và Bahna tỉnh ngộ. Sự hy sinh của họ đã giúp những ngôi làng xung quanh không còn thù hằn, đánh cướp nhau như trước nữa mà trở nên hòa hiếu, thân thiện.

“Thông thường, trong những chuyện tình yêu trai gái, bao giờ thiên hạ cũng dành cho họ niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, xung quanh con sông chảy ngược này lại là những chuyện tình trắc trở, buồn đau” - nhà văn Tạ Văn Sỹ nhận xét.

Lời nguyền mùa nước lũ

Theo tiếng của người Bahna, trong chữ Đắk Blăh, Đắk tức là nguồn nước, sông suối; Blăh là hung dữ, cuồng nộ… Do vậy mà Đắk Bla còn được coi là “con sông hung hãn”. Người Bahna ở Tây Nguyên còn lưu giữ câu chuyện về sự hung dữ của dòng sông này.

Theo truyền thuyết của người Bahna, thuở xưa, sông Đắk Bla êm đềm, hiền hòa. Trong một ngôi làng bên bờ sông có một đôi vợ chồng trẻ. Họ đã lấy nhau lâu ngày nhưng mãi vẫn không có con. Chính vì vậy mà người chồng trốn vợ, lén lút đi ngoại tình với người đàn bà khác mong kiếm đứa con.

Đến khi biết được, người vợ trong lòng đầy ghen tức, uất hận. Trách người chồng phụ bạc, buồn tủi cho số phận của mình nên người vợ quyết định tìm tới cái chết. Vào một đêm trăng sáng đầu mùa mưa, người vợ chèo thuyền độc mộc ra giữa dòng sông rồi buông một lời nguyền: “Sau khi tôi chết, xin sông hãy mang xác tôi về nơi xa biệt. Và trên dòng nước, mỗi năm phải có đàn ông chết đuối để trả thù cho mối hận tình này!”. Nói rồi người vợ gieo mình xuống nước tự tử.

Sau cái chết của vợ, người chồng không còn đi ngoại tình nữa mà tỏ ra ăn năn hối hận. Mỗi ngày, chàng ta không thôi dằn vặt bản thân và thương nhớ người vợ. Tròn một năm sau ngày người vợ tự vẫn, cũng vào một đêm trăng sáng đầu mùa nước lũ, người chồng đi bắt cá trên sông. Hôm đó, màn sương đêm phủ đầy mặt nước, được ánh trăng chiếu vào càng trở nên huyền ảo.

Trong khoảnh khắc ấy, người chồng đang bắt cá thấy hình ảnh vợ mình chập chờn theo sóng nước. Đôi mắt nàng nhìn chàng ta như tiếc nuối, oán trách. Thấy vậy, người chồng vung mái chèo cho thuyền lao theo để tạ lỗi cùng vợ, mong chuộc lại lỗi lầm đã gây ra. Tuy nhiên, chàng ta càng chèo nhanh bao nhiêu thì hình bóng người vợ càng khuất xa. Đột nhiên, con thuyền đâm mạnh vào hòn đá lộ thiên rồi lật úp. Người chồng tử nạn và trở thành người đàn ông đầu tiên ứng vào lời nguyền của người vợ trước đó đúng một năm.

Cũng từ đó, Đắk Bla trở nên hung hãn. Cứ vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông lúc nào cũng cuồn cuộn sóng gió. Thỉnh thoảng, người ta lại nghe tin về một vài người chết vì đi đánh cá, vớt gỗ khi dòng lũ tràn về hoặc tìm đến sông để tự tử…

Sự tích cây đôi

Bên dòng Đắk Bla, người dân bao đời đã gắn bó với hình ảnh quen thuộc của 2 cây tơ-đáp và cây si chung 1 gốc mọc bên bờ dòng sông ở cửa ngõ vào TP Kon Tum. Địa danh “cây đôi” với người Kon Tum không ai không biết.

Sự tích cây đôi được người dân địa phương lưu truyền lại rằng thuở còn chiến tranh triền miên giữa các bộ tộc, bên tả ngạn và hữu ngạn sông Đắk Bla có 2 bộ tộc sinh sống với những mối thù dai dẳng. Bất chấp mối thù của 2 bộ tộc, người con trai của ngôi làng bên tả ngạn và cô gái bên làng hữu ngạn vẫn yêu nhau say đắm. Khi biết chuyện, dân làng hai bên đã nghiêm cấm 2 người tiếp tục trao tình cảm cho nhau. Nếu họ còn tiếp tục sẽ bị giết chết hoặc đuổi ra khỏi làng. Khi ấy, bị đuổi ra khỏi làng là điều ô nhục còn đau đớn hơn cái chết.

Một năm, mùa Ning-Nơng (mùa nghỉ ngơi, tổ chức các lễ hội cổ truyền, thường vào cuối năm) đến, tất cả già trẻ, gái trai các buôn làng dập dìu trong tiếng cồng chiêng, chìm đắm trong men say rượu ghè, ngả nghiêng trong vòng xoang bất tận. Vào một đêm trăng sáng, gió rét như cắt da cắt thịt, chàng trai buông ống hút rượu cần, lén chèo thuyền sang bên kia sông Đắk Bla tìm gặp người yêu. Cô gái cũng âm thầm bỏ điệu xoang tìm đến bên bờ sông để gặp người trong mộng.

Trong cái lạnh của mùa Ning-Nơng, trời đêm sương núi bao phủ, đôi trai gái ôm chặt lấy nhau khóc thương cho duyên phận trớ trêu của mình. Cứ như vậy đến khi trời mờ sáng thì cả 2 hồn lìa khỏi xác. Thi thể 2 người biến thành một cây đôi đứng lặng bên dòng sông Đắk Bla, như để dõi theo cuộc sống của 2 bộ tộc đã trở nên thuận hòa sau cái chết của đôi trai gái.

Nhà văn Tạ Văn Sỹ từng viết: Hằng năm, khi vụ mùa thu hoạch đã xong, các buôn làng vào lễ hội Ning-Nơng ăn mừng lúa mới thì cây đôi cũng đến mùa bung nở những chum hoa tơ-đáp đỏ thắm trên cao, phản chiếu ánh sáng hồng xuống tàn lá xanh um mướt mát của tán si bên dưới, tạo cho TP Kon Tum một cảnh đẹp đơn sơ mà độc đáo.

Thế nhưng, vào năm 2012, người dân Kon Tum không khỏi xót xa khi chính quyền cho chặt một phần cây tơ-đáp, để lại tán si thấp lè tè. Không lâu sau đó, cây si cũng ủ rũ rồi chết dần...

Đặc biệt nhất Tây Nguyên

Sông Đắk Bla dài 139 km, bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, xuôi theo hướng Tây - Đông như bao con sông khác tại Việt Nam. Thế nhưng, đến đoạn qua huyện Kon Rẫy, dòng sông này lại bẻ về hướng Bắc - Nam và khi tới đoạn qua TP Kon Tum thì chảy theo hướng Đông - Tây.

Huyền thoại dòng sông chảy ngược - 2

Nhờ dòng sông chảy ngược mà Kon Tum thêm phần độc đáo Ảnh: Hoàng Thanh

Chính nhờ dòng sông này mà Kon Tum trở nên đặc biệt hơn vì là địa phương duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có sông chảy ngược qua lòng thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN