Huy động đơn vị làm cao tốc khắc phục hầm đường sắt Chí Thạnh

Sự kiện: An toàn giao thông
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Phú Yên - Chủ đầu tư mời Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị có kinh nghiệm thi công hầm cao tốc để hỗ trợ khắc phục sự cố sạt đường sắt Chí Thạnh.

Chiều 27/5, ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đã mời thêm nhà thầu thi công là Tập đoàn Đèo Cả vào khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh.

"Đây là đơn vị nhiều kinh nghiệm xử lý hầm đường bộ có địa chất phức tạp và có thiết bị hiện đại nhất trong thi công hầm hiện nay", ông Hoài nói, cho hay hầm đường sắt tiếp tục sạt lở hơn 200 m3 vào sáng qua nên chưa thể dự kiến được thời gian khắc phục sự cố.

Nhiều máy móc hiện đại đưa vào gia cố hầm đường sắt. Ảnh: Quân Đạt

Nhiều máy móc hiện đại đưa vào gia cố hầm đường sắt. Ảnh: Quân Đạt

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết chiều qua đơn vị đã huy động 10 thiết bị (trong đó có một máy khoan, hai máy phun) và 40 nhân sự đến công trình để khắc phục sự cố, bố trí một mũi thi công theo hướng Nam - Bắc. Đây là các kỹ sư, công nhân dày dạn kinh nghiệm đang thi công ở dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đơn vị đặt mục tiêu đến 12h ngày 30/5 sẽ thông hầm.

Theo ông Đông, tập đoàn đã từng "giải cứu" thành công các dự án bị đình trệ như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đầu tư công có nguy cơ chậm tiến độ như cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Mỹ Thuận - Cần Thơ...

Bảy ngày trước, hầm đường sắt Chí Thạnh dài 325 m trong quá trình cải tạo, gai cố đã bị sạt lở hàng chục m3 đất đá từ nóc xuống bịt kín cửa hầm, làm tê liệt đường sắt Bắc - Nam đi qua khu vực. Đây là công trình nằm trong 11 hầm đường sắt nằm trong dự án cải tạo đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai với tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng.

Công nhân đưa thiết bị vào xử lý sạt lở hầm. Ảnh: Quân Lâm

Công nhân đưa thiết bị vào xử lý sạt lở hầm. Ảnh: Quân Lâm

Để khắc phục sự cố, CSGT Phú Yên đã chốt chặn hai đầu khu vực Đèo Thị thuộc tuyến đường 641, các xe tải trọng lớn phải đi theo hướng khác. Ngành đường sắt cũng đã lên phương án trung chuyển hành khách giữa ga Tuy Hòa và ga La Hai (cách nhau khoảng 40 km, thuộc tỉnh Phú Yên).

Tổng công ty Đường sắt cũng đã hủy các chuyến tàu SE9, SE10 xuất phát từ Hà Nội và TP HCM từ ngày 23-29/5; tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ 24-29/5 và tàu SE41 tại ga Đà Nẵng từ 25-30/5. Ngành đường sắt cũng tạm dừng 10 tàu chở hàng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Trên tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có một số hầm yếu, thường xuyên sạt lở. Gần đây nhất là hầm Bãi Gió thuộc tỉnh Khánh Hòa sạt lở hồi đầu tháng 4/2024, giao thông đường sắt qua đây tê liệt trong 10 ngày. Sự cố khiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thiệt hại 50,4 tỷ đồng.

Lần đầu tiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố số điện thoại đường dây nóng và yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên liên quan công khai số điện thoại nhằm tiếp nhận và xử lý các thông tin về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Toàn ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN