Huế: Kiến ba khoang tấn công dân chung cư

Ngành y tế Thừa Thiên Huế dù đã phun hóa chất tồn lưu để diệt trừ kiến và khám cấp thuốc điều trị cho người bệnh sau khi nhận được thông tin kiến ba khoang tấn công ở khu chung cư Hương Sơ, Tp. Huế.

Song loài kiến này chỉ giảm trong thời gian ngắn và hiện tiếp tục tấn công, nhất là các hộ gia đình sống ở những tầng trên khu chung cư, đồng thời lan ra một số địa điểm khác như khu tập thể nhà máy Scavi ở Phong Điền và mới đây là khu ký túc xá của Đại học Huế ở Trường Bia.

Bà Nguyễn Thị Tý là một trong những người dân đầu tiên ở khu chung cư Hương Sơ, bị viêm da lan tỏa sau khi kiến ba khoang cắn. Hai mắt sưng to và nhiều đám da trên cơ thể bị mưng mủ suốt cả hơn tháng qua nên bà phải nghỉ công việc ở nhà điều trị bệnh. Thế nhưng, vết thâm cũ vẫn chưa mờ đi thì bà Tý lại tiếp tục bị loài kiến này tấn công.

Theo ghi nhận của Phóng viên, những ngày qua, 145 người dân tại tổ hợp 5 khối nhà tái định cư cao tầng Hương Sơ (dành cho dân vạn đò sông Hương vừa chuyển lên) rất lo lắng vì nhiều người mắc một thứ bệnh ngoài da xuất hiện sau khi loài kiến ba khoang tấn công.

Huế: Kiến ba khoang tấn công dân chung cư - 1

  Bà Nguyễn Thị Tý hai mắt sưng mủ sau khi bị kiến ba khoang cắn

Cụ thể, trước khi bị mắc bệnh, cơ thể người thường ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu. Người mắc bệnh ngứa, gãi nhiều, da càng rộp, mưng mủ rồi bong ra từng mảng. Trẻ em và phụ nữ khi mắc thường kèm theo các cơn sốt. Bệnh xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như mặt, cổ, cằm, bên mắt, dưới bụng, đùi… Nhiều học sinh bị viêm da vùng mặt ngại đi học, đành ở nhà chờ lành bệnh. Phần lớn người dân khi mắc đều tự mua thuốc bôi ngoài da về điều trị, nên bệnh rất lâu lành.

Đại diện Trung tâm phòng chống Sốt rét – kí sinh trùng – côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Loại kiến ba khoang có rất nhiều ở khu vực đồng ruộng, thường xuất hiện sau mùa gặt. Vào ban đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện ở các khối nhà cao tầng... nên đã xâm nhập vào khu vực dân cư.

Ngay sau khi tìm ra được “thủ phạm” gây tình trạng viêm da cho 145 người dân phường Hương Sơ, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành khám, cấp thuốc miễn phí, đồng thời phun hóa chất diệt kiến. Tuy nhiên, do nằm gần đồng ruộng rộng lớn và loài côn trùng này có thể di chuyển nên việc xử lý toàn bộ môi trường xung quanh là không thể. Ngoài khu chung cư Hương Sơ, hiện nay kiến ba khoang cũng đang xuất hiện tại một số địa điểm khác như khu tập thể nhà máy Scavi ở Phong Điền và mới đây là khu ký túc xá của Đại học Huế ở Trường Bia.

Huế: Kiến ba khoang tấn công dân chung cư - 2

Loài kiến 3 khoang tấn công, gây bệnh trên người tại Thừa Thiên Huế

Trong cơ thể kiến ba khoang chứa một loại độc tố có tên khoa học Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da, là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện.

Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là pseudomonas aeruginosa. Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12–36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó vết thương có hình dạng là đường thẳng dài, hình chữ Y, hình tròng hay đa giác tùy theo cách ta giết kiến.

Để hạn chế tình trạng kiến xâm nhập vào nhà, chỉ có cách người dân nên sử dụng đèn có ánh sáng vàng thay cho ánh sáng trắng và đóng kín cửa vào buổi tối. Những người mắc bệnh viêm da cần đến trạm y tế để được khám, cấp thuốc và hướng dẫn điều trị.

Ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khảng định, điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra rất đơn giản. Có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4). Khi vết thương bị loét thì cần đắp gạc vô khuẩn ướt, mát, thoa thêm calamine lotion hay corticosteroids. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da.

Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2-3 tuần. Để phòng tránh kiến ba khoang tấn công, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không nên gãi, vì càng gãi vết thương càng lan rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN