HQ: Nô lệ tình dục khắc khoải chờ xin lỗi

Những cụ bà một thời bị ép phục vụ trong hệ thống nhà thổ của quân đội Nhật đang sống những ngày cuối đời tại khu nhà dưỡng lão nằm cạnh viện bảo tàng trưng bày chứng tích khổ đau của họ. Ngày càng nhiều người ra đi vì tuổi cao sức yếu và không thể chờ đến lúc nhận được lời xin lỗi thực sự chân thành.

Trên con phố quanh co của một vùng quê Hàn Quốc có một khu nhà được bao quanh bởi nhiều ruộng cà chua và bông.

Từ mái hiên cong nhìn xuống con đường nhỏ, người ta có thể trông thấy một số bức tượng và đài tưởng niệm đặc trưng. Khu bãi đỗ xe trải sỏi to hơn khu nhà mà 9 cụ bà đang sinh sống. Ở đây có rất nhiều tờ rơi in bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn đặt ngoài cửa.

Dù chiếc TV trong phòng khách vẫn chiếu chương trình giải trí truyền hình nhưng đây không phải khu nhà của người về hưu. Đây là một bảo tàng sống, được gọi là Ngôi nhà chia sẻ, và những bức tượng nói lên câu chuyện không bình thường của người đang sống – “những phụ nữ giải trí” cho lính Nhật thời chiến tranh.

HQ: Nô lệ tình dục khắc khoải chờ xin lỗi - 1

Một buổi biểu tình của phụ nữ "giải trí" Hàn Quốc trước cửa đại sứ quán Nhật Bản

Người nhỏ tuổi nhất ở đây năm nay cũng đã 84, và và tất cả họ đều giống nhau một điểm: Tuổi trẻ bị chôn vùi trong những nhà thổ của quân đội Nhật suốt Thế chiến 2.

Cụ Yi Ok-seon giờ đã già yếu đến nỗi không còn khả năng nói tròn vành rõ chữ. Nhưng đôi mắt cụ, khi nhìn người đối diện, vẫn sắc sảo.

Ok-seon kể rằng cụ mới 15 tuổi khi bị một người Hàn Quốc và một người Nhật bắt đến vùng tây bắc Trung Quốc hồi còn nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật. Nhiều lần xin bố mẹ được đến trường học, nhưng Ok-seon không được chấp nhận vì nhà quá đông con mà lại nghèo. Lúc bị bắt đi, Ok-seon đang làm việc xa nhà.

Ok-seon bị ép làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc suốt 3 năm, tại các “trung tâm giải trí” do quân đội Nhật Bản xây để phục vụ quân lính.

“Tôi cảm thấy bị xâm phạm, bị lừa dối, bị lấy đi tuổi trẻ. Chỗ đó giống như lò mổ, nhưng không phải dành cho động vật, mà dành cho con người. Quá nhiều điều kinh khủng xảy ra ở đó”, cụ Ok-seon kể.

HQ: Nô lệ tình dục khắc khoải chờ xin lỗi - 2

Yi Ok-seon ngày ấy và bây giờ

Ok-seon vẫn còn nhiều vết sẹo trên chân tay vì bị đâm bằng dao. Một tình nguyện viên trong khu chăm sóc cho biết cụ Ok-seon bị thương quá nhiều vào thời gian đó, nên sau này không thể sinh con.

Ước tính khoảng 200.000 phụ nữ bị ép phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật, đa số là người Hàn Quốc. Trước khi Thế chiến 2 kết thúc, bán đảo Triều Tiên vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, nên người dân bị ép phải học tiếng Nhật. Điều này nghĩa là lính Nhật dễ giao tiếp với phụ nữ Hàn Quốc hơn phụ nữ ở các nước châu Á khác.

Rất nhiều người chết trong giai đoạn này hoặc không lâu sau đó. Khi vấn đề được đưa ra ánh sáng vào năm 1981 thì chỉ còn 234 người trở về Hàn Quốc. Đến giờ thì chỉ còn 59 người được biết đến là còn sống, và 9 người trong đó đang sống cùng nhau ở Ngôi nhà chia sẻ nằm tại TP. Gwangju, tỉnh Gyeonggi.

Tại khu nhà này, mỗi cụ đều được ở phòng riêng, có tủ lạnh, giá sách và điện thoại. Người quản lý khu nhà cho biết sau tất cả những gì đã trải qua, các cụ bà ở đây cần có không gian riêng. “Họ không còn tin tưởng ai, và thậm chí chẳng tin nhau”.

Bên ngoài khu vườn khá đẹp có bức tượng bán thân một phụ nữ khỏa thân với khuôn mặt cụp xuống, vai gồng lên. Đối diện bức tượng là khoảng sân có nhiều tượng bán thân tưởng niệm những người đã qua đời.

HQ: Nô lệ tình dục khắc khoải chờ xin lỗi - 3

Một khu nhà thổ của quân đội Nhật tại Nam Kinh, Trung Quốc

Tuổi đời ngày càng cao của những người còn sống sót là khó khăn lớn nhất của quá trình chờ đợi sự thừa nhận đầy đủ từ Nhật Bản đối với quá khứ.

“Chúng tôi đều già quá rồi, và đang tiếp nối nhau chết đi. Về lịch sử thì cuộc chiến đã kết thúc, nhưng đối với chúng tôi thì chưa, và không bao giờ. Chúng tôi muốn Hoàng đế Nhật Bản đến đây, quỳ gối trước mặt chúng tôi và xin lỗi chân thành. Nhưng tôi nghĩ người Nhật chỉ đang chờ chúng tôi chết”, cụ Ok-seon nói.

Cách đây 20 năm, chính phủ Nhật đã xin lỗi một lần.

Thông báo của Tổng thư ký nội các hồi đó là ông Yohei Kono thừa nhận “quân đội Nhật Bản, trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc thiết lập và quản lý các trại giải trí và chuyển giao phụ nữ giải trí…mà nhiều người trong đó bị ép phục vụ trái ý muốn”.

Chính phủ Nhật Bản muốn “xin lỗi chân thành và hối hận tới tất cả những ai trải qua nỗi đau không để đo đếm được về cả thể chất và tâm lý”.

Một quỹ đền bù tư nhân được lập ra để giúp đỡ nhóm phụ nữ này.

Nhưng đối với nhiều phụ nữ giải trí, điều đó là chưa đủ. Sách giáo khoa Nhật Bản gần như không nhắc gì đến điều này, và vẫn có nhiều chính trị gia Nhật Bản tiếp tục nói rằng phụ nữ làm việc trong nhà thổ là do tình nguyện.

HQ: Nô lệ tình dục khắc khoải chờ xin lỗi - 4

Số ít người còn sống sót vẫn chờ đợi một lời xin lỗi chân thành

Một thị trưởng theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa gần đây nói rằng phụ nữ giải trí cho quân đội Nhật Bản là “cần thiết”, và Thủ tướng Shinzo Abe thậm chí còn ngờ vực lời xin lỗi trước đây của đất nước mình.

Để nâng cao nhận thức và tiếng nói về vấn đề này, Ngôi nhà chia sẻ đã xây một bảo tàng lịch sử gần khu nhà để trưng bày nhiều tài liệu chính thống, các bức ảnh, bức họa và câu chuyện được nhiều người sống sót kể lại.

Bảo tàng thu hút một số lượng khách tham quan nhất định từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có một nhóm sinh viên Mỹ đến nghiên cứu và tham quan Hàn Quốc. Đa số họ đều chưa từng nghe về việc quân đội Mỹ ép phụ nữ giải trí cho quân lính Nhật.

 “Tôi học 3 năm lịch sử ở đại học, nên điều tôi băn khoăn là tại sao ở Mỹ chúng tôi không được học về điều này”, sinh viên ngành luật Christopher DeWald nói. “Đặc biệt là cuộc xung đột giữa miền bắc và miền nam Hàn Quốc, chiến tranh Triều Tiên, nơi người Mỹ giúp đỡ Hàn Quốc. Điều này rất gần gũi với chúng tôi vì chúng rôi rất thân với Hàn Quốc”.

40% khách du lịch tới Ngôi nhà chia sẻ đến từ Nhật Bản, những người muốn đến đây để tìm hiểu về quá khứ của đất nước. Một vài cụ bà ở đây thỉnh thoảng vẫn gặp khách tham quan người Nhật – đa phần là do sắp xếp trước – để được thừa nhận và nâng cao nhận thức.

Nhưng có lẽ chỉ vài năm nữa, một bộ sưu tập ít ỏi các bức ảnh, đồ đạc và bức tượng đau buồn là tất cả những gì còn sót lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN