Hợp pháp hóa mại dâm: Nhiều nước đau đầu

Cuối tuần qua, việc quy hoạch thí điểm một “khu đèn đỏ” để quản lý nhưng không chính thức công nhận mại dâm như một nghề lại được đề xuất tại hội thảo phòng chống mại dâm do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức. Tuy nhiên, từ nước hợp pháp hoá lao động tình dục như ở Hà Lan hay “im ỉm” thừa nhận như ở Thái Lan thì cũng còn nhiều vấn đề nhức nhối.

Ngay từ năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đã đề xuất hợp pháp hóa mại dâm, nhưng bị người dân phản đối mạnh mẽ vì lo ngại hệ lụy xã hội.

Sau bộ mặt hào nhoáng

Ở Thái Lan, mại dâm thực chất là phạm pháp, nhưng các nhà thổ hoạt động công khai dưới sự bảo trợ của nhiều quan chức địa phương và những băng đảng tội phạm khét tiếng như Hội Tam Hoàng, Yakura…, theo báo Thái Lan The Nation và Bangkok Post.

Ngành công nghiệp mại dâm của Thái Lan bắt đầu nở rộ từ những năm 1960 để phục vụ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Sự tổ chức, sắp xếp quy củ của những phố đèn đỏ khiến nhiều người nước ngoài lầm tưởng chính phủ Thái Lan tổ chức tốt dịch vụ mại dâm, nhờ đó làm giảm nhiều hệ luỵ như hối lộ, bảo kê, ma túy.

Chuwit Kamolvisit là chủ nhiều cơ sở mát-xa ở thủ đô Bangkok và được nhiều người coi là bố già mại dâm ở Thái Lan.

Hợp pháp hóa mại dâm: Nhiều nước đau đầu - 1

Một cảnh thường thấy ở khu đèn đỏ Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: J.Swann

Năm 2004, ông này được bầu vào Hạ viện Thái Lan với nhiệm kỳ 4 năm. Nhưng đến năm 2006, ông Kamolvisit bị Tòa án hiến pháp buộc phải rời Hạ viện. Tháng 8/2008, ông này lại tranh cử chức thống đốc Bangkok, nhưng không trúng cử.

Trên thế giới có khoảng 20 nước hợp pháp hóa mại dâm, 41 nước không có luật cấm mại dâm, nhưng có các luật khác để cấm hoạt động tổ chức mại dâm, môi giới, quảng cáo mại dâm... Thụy Điển từng hợp pháp hóa mại dâm trong 30 năm, nhưng đến năm 1998 lại cấm mại dâm vì thấy dịch vụ này ngoài tầm kiểm soát, làm tổn hại giá trị đạo đức xã hội...

Năm 2003, ông Kamolvisit tuyên bố, vài người bạn thân nhất của mình là quan chức và cảnh sát cao cấp; trong thập kỷ qua, ông ta đã hối lộ khoảng 2,4 triệu USD để lo lót cho mạng lưới dịch vụ mại dâm của mình.

Tại các khu đèn đỏ ở Thái Lan, ngoài dịch vụ mại dâm còn có nhiều sòng bạc, dịch vụ vui chơi giải trí. Những cơ sở này còn là địa điểm hoạt động của bọn buôn người, buôn bán, sử dụng ma tuý và tống tiền. Phụ nữ từ Myanamar, Campuchia, Lào, Trung Quốc bị bán sang đây làm gái mại dâm.

Thái Lan cũng là điểm đến ưa thích của những kẻ thích ấu dâm. Tuy luật cấm quan hệ tình dục với người dưới 18 tuổi, nhưng có đến khoảng 40% gái bán dâm chưa đến 16 tuổi, theo báo chí Thái Lan.

Do kiếm tiền từ vốn tự có dễ hơn nhiều công việc khác nên một số nam giới nước này phẫu thuật chuyển giới để buôn hương bán phấn.

Có một số người tin rằng, mại dâm giúp giải tỏa nhu cầu bản năng cho nam giới, từ đó góp phần làm giảm tình trạng hiếp dâm. Thế nhưng, tỷ lệ hiếp dâm ở Thái Lan cao nhất Đông Nam Á (7-8 vụ/100.000 dân). Tỷ lệ này cao gấp 2 lần Phillippines, 3 lần Singapore và 5 lần Việt Nam.

Hà Lan, Mỹ cũng đau đầu


Ở nước hợp pháp hoá mại dâm như Hà Lan thì chính phủ cũng phải thừa nhận rất khó để ước tính số nạn nhân bị bán tới hoặc bán khỏi Hà Lan mỗi năm.

Ngành công nghiệp tình dục của nước này đem lại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, nhưng tình trạng buôn người cực kỳ nhức nhối, với khoảng 50% gái bán dâm là người nước ngoài, và rất nhiều trong số họ bị bán sang đây.

Khoảng 70% gái mại dâm ở Hà Lan không có giấy phép cư trú, chưa nói đến giấy phép hành nghề hay giấy khám sức khỏe. Năm 2011, Hà Lan bắt đầu yêu cầu lao động tình dục đóng thuế thu nhập, theo hãng tin DPA (Đức).

Hà Lan gần đây đóng cửa khoảng 30 nhà chứa vì vi phạm luật liên quan buôn bán người và rửa tiền. Trên thực tế, số lượng nhà thổ hợp pháp ở Hà Lan đang giảm đi, và được thay thế bằng những cơ sở trá hình như salon, câu lạc bộ, dịch vụ mát-xa để hoạt động mà không cần xin phép kinh doanh mại dâm và để che đậy tốt hơn những hoạt động bóc lột thân xác phụ nữ.

Tại Nevada (bang duy nhất ở Mỹ hợp pháp hóa mại dâm), tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30.

Thành phố Las Vegas của bang này có tỷ lệ hiếp dâm cao gấp 2 lần thành phố New York và gấp 4 lần mức trung bình của cả nước.

Tại Úc, sau hai thập kỷ cho phép nghề mại dâm, những vấn đề như bạo hành phụ nữ, mại dâm đường phố, nhà thổ trái phép và cảnh sát nhận hối lộ không những không giảm mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí quản lý mại dâm cao hơn so với doanh thu từ ngành công nghiệp tình dục.

Năm 2011, thành phố Bonn (Đức) thu được 18.200 USD tiền thuế từ dịch vụ mại dâm, nhưng phải chi tới 116.000 USD để đảm bảo an ninh cho các khu đèn đỏ, theo báo Đức Spiegel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An - Gia Tùng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN