Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng"

Rất nhiều người biểu tình Hong Kong lo ngại sẽ xảy ra đàn áp biểu tình quyết liệt trong ngày Quốc khánh 1/10.

Bắc Kinh không nhượng bộ

Hôm 30/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng chính phủ sẽ “kiên quyết thi hành chính sách ‘một đất nước, hai chế độ’ và Luật Cơ bản, đồng thời đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định cho Hong Kong và Macau”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Nội chính Quốc hội Trung Quốc Li Shenming tuyên bố trên tờ Nhân dân Nhật báo: “Ở Trung Quốc ngày nay, việc thực hiện chế độ bầu cử một người một phiếu sẽ nhanh chóng dẫn tới rối loạn, bất ổn, thậm chí là nội chiến”.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 1

Thanh niên Hong Kong tập trung trên một cây cầu dẫn vào trung tâm thành phố

Trong khi đó, Trưởng đặc khu Hong Kong Leung Chun-ying lại tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ trước người biểu tình, và cảnh sát Hong Kong thừa sức duy trì an ninh trật tự mà không cần đến sự giúp đỡ của lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú ở đây.

Trong bối cảnh đó, người biểu tình Hong Kong đã chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến khốc liệt và lâu dài. Họ đã dựng lên nhiều trạm tiếp tế với nước đóng chai, hoa quả, bánh quy, áo mưa, khăn ướt, kính, khẩu trang và lều bạt để đối phó với hành động đàn áp của cảnh sát.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 2

Lãnh đạo biểu tình nói chuyện với những người tham gia

John Choi, một học sinh 16 tuổi kiên quyết: “Dù có bị bắt đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ ở đây đến phút cuối cùng. Chúng tôi đang chiến đấu cho tương lai của chính mình”.

Thế giới theo dõi sát sao

Rất nhiều người Trung Quốc tới Hong Kong du lịch và chứng kiến cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hong Kong, và họ cũng có quan điểm rất khác nhau về cuộc biểu tình này.

Yu, một du khách 29 tuổi đến từ Bắc Kinh nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy hơi thở chính trị gần đến vậy. Đây là thời khắc lịch sử cho Hong Kong”.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 3

Cô gái Hong Kong giơ biểu ngữ "Vì tôi yêu Hong Kong"

Trong khi đó, một phụ nữ họ Lin đến từ Thẩm Dương thì cho rằng người biểu tình Hong Kong đang “không tôn trọng đại lục”. Bà Lin nói: “Dù chính phủ đã giúp Hong Kong phát triển rất nhiều, nhưng họ không chịu thừa nhận điều đó”.

Dư luận quốc tế cũng đang theo dõi sát sao tình hình Hong Kong với con mắt đầy quan ngại. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne hối thúc Trung Quốc tìm kiếm hòa bình cho Hong Kong, bởi sự thịnh vượng của vùng đất này phụ thuộc và sự tự do của người dân.

Hong Kong nín thở chờ đợi "cuộc chiến cuối cùng" - 4

Một trạm y tế dã chiến được người biểu tình dựng lên ngay bên đường

Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Hong Kong kiềm chế và tạo cơ hội để người biểu tình bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ở Washington ngày hôm nay.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên liên quan ở Hong Kong “giải quyết mọi bất đồng một cách hòa bình và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BBC, Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN