Hong Kong lại dậy sóng biểu tình đòi dân chủ
Ngày 1/2, hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ Hong Kong đã quay trở lại trong cuộc tuần hành quy mô lớn đầu tiên trên đường phố sau khi phong trào đấu tranh đòi dân chủ của họ bị dập tắt hồi cuối năm ngoái.
Khoảng 2.000 cảnh sát đã kè sát hàng ngàn người biểu tình tuần hành hòa bình trên các tuyến phố trung tâm Hong Kong trong một nỗ lực nhằm tái hiện lại chiến dịch Chiếm Trung tâm rầm độ đã từng khiến khu vực tài chính sôi động bậc nhất châu Á này bị tê liệt suốt 2 tháng rưỡi.
Các nhà tổ chức cuộc tuần hành cho biết đã có khoảng 13.000 người biểu tình tham gia, tuy nhiên cảnh sát cho rằng lúc cao điểm cuộc tuần hành này chỉ có khoảng 8.800 người tham gia.
Phong trào Chiếm Trung tâm hồi năm ngoái đòi tổ chức một cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong theo hình thức phổ thông đầu phiếu tự do là thách thức lớn nhất của nhà chức trách Trung Quốc tại đặc khu hành chính này.
Tuy nhiên, trong cuộc tuần hành hòa bình lần này, các nhà tổ chức tuyên bố họ sẽ không tìm cách chiếm giữ bất cứ khu vực trung tâm nào của Hong Kong. Ông Daisy Chan, một người đứng ra tổ chức cuộc tuần hành tuyên bố: “Chúng tôi muốn nói rõ với chính quyền rằng chúng tôi muốn bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự”.
Những tuyến phố trung tâm Hong Kong đã biến thành những “dòng sông vàng” khi người biểu tình mang theo biểu ngữ và những chiếc ô màu vàng, biểu tượng cho chiến dịch Chiếm Trung tâm hồi năm ngoái. Những tiếng hô “chúng tôi muốn dân chủ đích thực” vang dội giữa các tòa nhà cao tầng Hong Kong.
Các nhóm chống biểu tình đòi dân chủ cũng đã xuất hiện trên đường phố, tuy nhiên đã không có cuộc xô xát ẩu đả nào xảy ra, và cảnh sát cũng kịp thời tách những phần tử gây rối ra khỏi đoàn biểu tình. Một số người biểu tình bày tỏ sự hài lòng rằng tinh thần đấu tranh từ chiến dịch hồi năm ngoái vẫn chưa biến mất.
Trong khi đó, nhiều người biểu tình lo ngại rằng họ sẽ phải đối mặt với tình trạng bạo lực từ các nhóm chống biểu tình khi màn đêm buông xuống và đã tìm cách trang bị những chiếc khiên chắn để tự vệ. Tuy nhiên đến tối, cuộc tuần hành kết thúc mà không có sự cố nào xảy ra.
Sinh viên 20 tuổi Sherman Ying tham gia cuộc tuần hành cho biết người biểu tình muốn được tự mình “kiểm soát số phận của Hong Kong chứ không phải là các quan chức ở Bắc Kinh hay ở chính quyền Hong Kong”.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, và vùng lãnh thổ này được hưởng quy chế tự trị cao của một đặc khu hành chính với chính sách “một đất nước, hai chế độ”. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Hong Kong vào năm 2017 tới đây, Bắc Kinh muốn tất cả các ứng viên phải được một ủy ban thân Trung Quốc chỉ định.
Chính sách này của Bắc Kinh đã khiến các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tức giận, vì họ cho rằng nó sẽ ngăn cản những ứng cử viên ủng hộ dân chủ tham gia vào quá trình tranh cử. Nỗi tức giận này đã châm ngòi cho chiến dịch Chiếm Trung tâm kéo dài suốt 2,5 tháng.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh kiên quyết không thay đổi chính sách của mình. Sau một thời gian dài đấu tranh không hiệu quả, chiến dịch Chiếm Trung tâm đã bị cảnh sát Hong Kong giải tán vào hồi cuối năm ngoái.
Chính sách trên của Bắc Kinh sẽ được các nghị sĩ Hong Kong bỏ phiếu thông qua vào mùa hè tới đây, tuy nhiên các nghị sĩ ủng hộ dân chủ chiếm 1/3 số phiếu tuyên bố sẽ tìm mọi cách phủ quyết kế hoạch này.