Hỗn loạn ở điểm tiêm vắc xin: Cục Y tế dự phòng lên tiếng

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã lý giải nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng “cháy” vắc xin Pentaxim, dẫn đến cảnh hỗn loạn kinh hoàng tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac (182 Lương Thế Vinh, Hà Nội) tối ngày 24.12.

“Cơn sốt” vắc-xin dịch vụ đã lên đến đỉnh điểm khi tối ngày 24.12, gần 600 người dân đã tụ tập tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac (182 Lương Thế Vinh, Hà Nội) chờ suốt đêm để hy vọng kiếm cho con mình 1 mũi tiêm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 25.12.

Hỗn loạn ở điểm tiêm vắc xin: Cục Y tế dự phòng lên tiếng - 1

PGS-TS Trần Đắc PhuCục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

PV: Ông nhận định thế nào về tình trạng hỗn loạn chờ vắc-xin như vậy?

- Polyvac là đơn vị triển khai công khai, xếp số đầu tiên trong đợt vắc-xin mới này. Trong khi điểm này chỉ 140 liều vắc-xin Pentaxim, số lượng ít nhất nhưng lại thông báo tiêm chủng sớm nhất và chưa lường được tình trạng đăng ký quá tải như vậy. Hai đơn vị khác cũng triển khai tiêm nhưng theo gói dịch vụ đã đăng kí trước nên không xảy ra tình trạng hỗn loạn. Bộ Y tế sẽ sớm họp lãnh đạo các điểm dịch vụ tiêm chủng để tìm ra phương án tốt nhất để tổ chức tiêm một cách hiệu quả, an toàn nhất. Khi đó, các đơn vị đã được phân bổ vắc-xin sẽ đồng loạt triển khai tiêm sẽ tránh được tình trạng phụ huynh đổ xô vào một điểm gây quá tải như sáng nay.

Hiện nay, tình trạng vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim nhập về Việt Nam như thế nào?

-Đợt nhập khẩu lần này có khoảng 40.000 liều Pentaxim trong đó ngoài Bắc là 15.000 liều. Vắc-xin đã được kiểm nghiệm đạt chất lượng và phân phối về các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã đăng ký trước. Theo Cục Quản lý Dược thông báo, hiện đã có 160.000 liều vắc-xin Pentaxim khác đang trên đường đến Việt Nam. Tháng 2.2016 cũng có thêm 40.000 liều Pentaxim khác. Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, dẫn đến tình trạng tập trung chờ đợi như vậy.

Hỗn loạn ở điểm tiêm vắc xin: Cục Y tế dự phòng lên tiếng - 2

Cảnh hỗn loạn khó tin tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac (182 Lương Thế Vinh, Hà Nội) sáng sớm 25.12. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Theo ông, tại sao lại xảy ra tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 mà cụ thể là Pentaxim như hiện nay?

- Hiện nay, một số phụ huynh e ngại vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có thành phần ho gà toàn tế bào gây ra các phản ứng nặng cho trẻ em, do đó đổ xô sang tiêm chủng vắc-xin dịch vụ vô bào. Trước đây, các công ty nhập khẩu vắc-xin ít nhập mặt hàng này, dẫn đến tình trạng “cháy” vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 và 5 trong 1 như thời gian vừa qua. Trong khi đó, vắc-xin là mặt hàng đặc biệt, các nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng trước đó 2-3 năm, do đó không dư ra để bán cho nhu cầu đột biến của Việt Nam. Còn một số nước như Singapore, Malaysia đang vẫn có vắc-xin là do họ đã đặt hàng từ nhiều năm trước. Dự báo, năm 2016, Việt Nam vẫn sẽ khan hiếm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, lượng vắc-xin nhập về cũng chỉ nhỏ giọt. Hy vọng sang năm 2017, tình hình sẽ sáng sủa hơn.

Như ông nói một số phụ huynh e ngại vắc-xin Quinvaxem không an toàn nên cố gắng chờ đợi vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 mà cụ thể là Pentaxim, xin ông giải thích rõ hơn về 2 loại vắc xin này?​

-Các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đều nhận định, thành phần toàn tế bào trong vắc-xin ho gà nằm trong vắc-xin Quinvaxem gây phản ứng nhẹ sau tiêm nhiều hơn vắc-xin ho gà vô bào (có trong Pentaxim). Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm giữa hai vắc-xin này là như nhau. Nhưng xưa nay người dân nhìn thấy các phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem nhiều hơn là do mỗi năm chúng ta tiêm khoảng 5,5 triệu liều Quinvaxem trong khi vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 chỉ hơn 200.000 liều.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ phản ứng nặng cho phép khi tiêm Quinvaxem là 20/1.000.000 mũi tiêm trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là 4,5/1.000.000 mũi tiêm, thấp hơn nhiều khuyến cáo của WHO. Cần phải lưu ý, dù tiêm bất cứ vắc-xin nào dù vô bào hay toàn tế bào thì cũng sẽ xảy ra trường hợp phản ứng nhẹ hoặc nặng tuỳ theo cơ địa của trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần cân nhắc một cách sáng suốt để phòng bệnh cho con.

Không ít phụ huynh đã cho con sang Singapore để tiêm chủng hoặc mua vắc-xin xách tay về để tiêm. Ông nhận định thế nào về điều này?

-Ra nước ngoài tiêm vắc-xin là nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, Bộ Y tế nghiêm cấm mua bán vắc-xin xách tay, cũng nghiêm cấm các tổ chức không được cấp phép nhập khẩu vắc-xin nhưng lại tự ý mua vắc-xin về bán ở Việt Nam. Người dân cũng không nên sử dụng vắc-xin xách tay. Vì vắc-xin là mặt hàng đặc biệt, cần được kiểm nghiệm từng lô hàng trước khi đưa ra sử dụng. Đồng thời, vắc-xin cũng cần được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ, điều kiện chuẩn với các phương tiện phù hợp. Nếu vắc-xin chưa được kiểm nghiệm, không được bảo quản đúng quy định, có thể không đảm bảo chất lượng, khi tiêm chủng sẽ xảy ra những phản ứng không lường trước được. Vì thế, người dân tuyệt đối không nên tin lời những “cò” vắc-xin dẫn đến tiền mất tật mang thậm chí mất mạng.

Ông khuyến cáo thế nào với những phụ huynh vẫn khao khát vắc-xin dịch vụ và kiên quyết chờ đến lúc nào có mới tiêm cho con?

-Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “cơ hội vàng” tiêm vắc-xin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, viêm não do Hib) để đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2,3,4 tháng tuổi (giữa các mũi tiêm cách 4 tuần). Nếu như trẻ tiêm muộn thì trong thời gian chờ vắc-xin, trẻ rất dễ mắc các bệnh nói trên. Đây là các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây, dễ biến chứng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nếu tiêm đủ mũi, tỷ lệ miễn dịch sẽ đạt 80-90%, còn tiêm muộn, tiêm ngắt quãng quá lâu, tiêm thiếu mũi thì khả năng miễn dịch sẽ giảm, thậm chí về 0.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh (thực hiện) ([Tên nguồn])
Chen lấn, hỗn loạn ở phòng tiêm vắc xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN