Hòn đá "lạ" ở Đền Hùng: Đã nghiên cứu
Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, lúc đưa hòn đá vào Đền Hùng đã có nghiên cứu và được sự đồng ý của tỉnh.
Những ngày diễn ra lễ hội Đền Hùng 2013, hòn đá “lạ” tại đền Thượng (Khu di tích Đền Hùng) tạo sự chú ý của dư luận. Hòn đá cao khoảng 50cm, bề rộng khoảng 35cm, hình cánh buồm, được gia cố khá lạ mắt. Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp. Nhiều người dân đồn thổi rằng hòn đá này là một dạng bùa yểm.
Điều đáng nói, ngay cả những người quản lý khu di tích Đền Hùng hiện tại cũng không biết ý nghĩa của hòn đá “lạ”. Trong khi đó, bất kỳ món đồ nào trong Đền Hùng đều có hồ sơ quản lý, chỉ trừ hòn đá “lạ” này.
Ngay sau khi lễ hội Đền Hùng vừa kết thúc, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH – TT - DL tỉnh Phú Thọ lên tiếng về hòn đá “lạ”.
ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VHTT- DL tỉnh Phú Thọ
Ông Ân cho biết, hòn đá ở Đền Hùng được một người dân cung tiến năm 2009, khi tu sửa đền. Điểm “lạ” nhất của hòn đá là những hình vẽ chằng chịt và ký tự cổ. Chỉ những nhà chuyên môn mới hiểu được ý nghĩa của những hình vẽ trên hòn đá, nhưng lúc đưa vào đền đã có nghiên cứu và được sự đồng ý của tỉnh Phú Thọ.
Cũng theo vị Giám đốc sở này, những người có liên quan đến việc đưa hòn đá vào đền năm 2009 đã có giải trình với UBND tỉnh Phú Thọ. Đó là các ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên là Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng – người tiếp nhận hòn đá vào đền; ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Phương Đông - người được xem là tác giả của hòn đá.
Trên hòn đá có nhiều kí tự cổ, họa tiết phức tạp
Theo giải trình của các vị trên, khi sửa nền Đền Thượng, cán bộ và công nhân phát hiện có một viên gạch lạ, có in chữ Hán. Có ý kiến là viên gạch này tựa như bùa yểm xấu. Do vậy, sau khi hoàn thành tu sửa nên có đá đặt ở Đền để trấn yểm “phản” lại viên gạch yểm xấu kia. Đó là lý do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Phương Đông của ông Nguyễn Minh Thông đã tìm một viên đá ngọc xanh đặt ở đền Hùng.
Phó Giám đốc sở Nguyễn Ngọc Ân thừa nhận, hiện có nhiều ý kiến xung quanh hòn đá “lạ”. Có ý kiến cho rằng, nên có hội thảo bàn bạc về hòn đá “lạ” này. Có ý kiến cho rằng, nên rời bỏ hòn đá lạ khỏi Đền Hùng, không nên sa vào tranh luận. Điều quan trọng nhất là ai cho phép đưa vật lạ vào di tích, nếu cho phép thì dựa trên cơ sở nào?
Nhiều người dân hiếu kỳ xem hòn đá và rải cả tiền
Theo ông Ân, khu di tích lịch sử Đền Hùng là khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt, mọi việc trùng tu, tôn tạo đều phải tuân theo luật di sản. Do đó không thể muốn đưa cái gì vào là được hoặc nói bỏ cái gì đi là bỏ được ngay. UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản giao Khu di tích lịch sử Đền Hùng mời các nhà khoa học nghiên cứu về hòn đá “lạ”.
“Ngay sau lễ hội kết thúc chúng tôi sẽ tổ chức ngay việc đánh giá, sau đó đưa ra hướng xử lý. Tất nhiên, trong quá trình tôn tạo nếu có gì nhầm lẫn, chúng ta có thể sửa”, ông Ân nói.
Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, trong 7 ngày lễ hội diễn ra, (từ 4 đến10/3 âm lịch), ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng một triệu lượt du khách về giỗ tổ. Theo BTC lễ hội, năm nay an ninh trật tự và các hoạt động dịch vụ được quản lý khá tốt. Tuy giá các dịch vụ tăng nhẹ nhưng đại đa số người bán hàng bán đúng giá niêm yết, không “chặt chém” khách. Đội kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, nhắc nhở trên 300 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; xử phạt hành chính 3 trường hợp vi phạm. Lễ hội Đền Hùng cũng không có người hành khất, tệ nạn xã hội được hạn chế tới mức thấp nhất. Tuy nhiên, một vài hình ảnh xấu còn tồn tại như bán vàng mã, đổi tiền, xả rác bừa bãi,... Các hoạt động dịch vụ ngoài khu di tích chưa được coi trọng, nhất là dịch vụ ăn, nghỉ cho khách đến dâng hương. Ngoài ra, trong ngày khai hội 4/3 và ngày Dâng hương tưởng niệm các vua Hùng 10/3 có ùn tắc đường cục bộ. Đây là bài học kinh nghiệm để ban tổ chức lưu ý cho những lần tổ chức về sau. |