Hơn chục nghìn tấn hàng ách tắc ở ga đường sắt do sạt hầm Bãi Gió
Nhiều tàu hàng mắc kẹt ở nhà ga sau sạt lở hầm đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hòa, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng xe container, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió khiến việc vận chuyển hàng ở ga Sóng Thần, TP Dĩ An, Bình Dương, đứt gãy suốt tuần qua. Nhiều toa tàu 30 tấn nằm bất động trên các đường ray tại ga hàng hóa lớn nhất nước. Một số công ty tốn không ít chi phí thuê xe đầu kéo chở bằng đường bộ nhằm giao hàng đúng hạn, tránh hư hại.
Tàu hàng nằm chờ ở ga Sóng Thần, ngày 18/4. Ảnh: Đình Văn
Công ty TNHH Brotex hôm qua phải gấp rút bốc hàng trăm thùng carton chứa sợi, keo lên xe container loại 40 feet chở ra Hà Nội sau gần một tuần mắc kẹt. Đại diện công ty cho biết đường sắt gián đoạn khiến đơn vị bị động trong tìm phương tiện thay thế khi đơn hàng đã chốt, thời gian giao nhận đã lên kế hoạch. Từ 10/4, công ty xếp hàng lên hai toa tàu ở ga Sóng Thần để chuyển ra phía Bắc phục vụ xuất khẩu nhưng kẹt lại cho đến nay.
Cũng vì đường sắt gián đoạn, hàng chục tấn hàng gồm nông sản, động cơ, máy móc của Công ty Vận tải hàng hoá đường sắt Nam Long đang tồn đọng ở hai ga đầu tuyến là Sóng Thần và Giáp Bát (Hà Nội). Ông Nguyễn Long, Giám đốc công ty, cho biết do nhận hàng nhiều từ nhiều nơi nên doanh nghiệp vẫn phải đưa đến ga tập kết, chờ đường sắt được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, một số mặt hàng không để được lâu, công ty phải thuê xe container vận chuyển cho kịp giờ. Việc này ngoài xáo trộn hoạt động của công ty còn làm tăng chi phí.
Theo ông Long, để thuê một container thể tích 75 m3 tốn chi phí gần 25 triệu đồng, cao hơn chục triệu đồng so với một toa hàng. Nếu hàng nặng, giá vận chuyển bằng xe container dựa trên trọng lượng thì chênh lệch càng lớn hơn. "Việc thay đổi vận chuyển hàng từ tàu sang ôtô khiến công ty giao được ít hàng mà chi phí cao hơn trước", ông nói, thêm rằng quá trình giao bằng xe container cũng gặp nhiều rủi ro, hàng dễ hư, đơn vị phải bồi thường có khi hàng tỷ đồng.
Nhân viên bốc dỡ hàng hoá từ toa tàu qua xe container để vận chuyển, ngày 18/4. Ảnh: Đình Văn
Ông Trần Đức Lợi, Trưởng phòng kinh doanh Chi nhánh vận tải đường sắt phía Nam (một trong ba đơn vị khai thác vận chuyển hàng hóa tại ga Sóng Thần), cho biết từ khi xảy ra sự cố sạt lở, 4 đoàn tàu hàng của đơn vị ở ga không thể khởi hành. Ngoài ra còn 5 đoàn tàu tới Nha Trang buộc phải quay lại ga. Việc này khiến gần 5.000 tấn hàng tồn đọng.
Theo ông, trong kế hoạch một tuần qua, chi nhánh còn có 22 đoàn tàu, mỗi tàu gồm 20 toa, vận chuyển tổng cộng gần 12.000 tấn hàng từ nam ra bắc và ngược lại. Tuy nhiên do các tàu hàng ngưng hoạt động, số hàng này phải ngưng, gây thiệt cho công ty gần 10 tỷ đồng cước vận chuyển. "Để giải tỏa lượng hàng ách tắc, nhà ga hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển bằng đường bộ, biển", ông Lợi nói, cho biết đơn vị đang cố gắng giúp doanh nghiệp giải toả hàng tồn cho đến khi khắc phục sự cố, dự kiến vào ngày 22/4.
Ông Chu Ngọc Huấn, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần (thuộc Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn), cho hay sự cố sạt lở hầm Bãi Gió ảnh hưởng lớn tình hình vận chuyển hàng hoá, gián đoạn nguồn cung trên tuyến đường sắt bắc - nam. Từ khi xảy ra sự cố hôm 12/4, ga Sóng Thần dừng tất cả tàu hàng ra vào. Số tồn đọng rơi vào lượng hàng đã lên kế hoạch vận chuyển trước.
Đất đá sạt lở trong hầm Bãi Gió khi xảy ra sự cố hôm 12/4. Ảnh: Bùi Toàn
Theo ông Huấn, tại nhà ga hiện có 83 toa tàu được xếp hàng từ ngày 12/4, trong đó 63 toa đã lên đơn gửi nhưng phải nằm chờ. Bình quân mỗi toa chứa khoảng 25 tấn hàng. Nhiều công ty có thời gian giao hàng gấp rút, không thể chờ nên hiện có khoảng 30 toa đã được bốc dỡ qua phương tiện khác vận chuyển.
Ngoài số lượng hàng tồn đọng ở ga Sóng Thần, ông Huấn cho biết theo chiều từ bắc và nam hiện có 4 đoàn tàu hàng với khoảng 80 toa bị gián đoạn lịch trình do ảnh hưởng sự cố. Những tàu này đang nằm tại các ga Huế; Chí Thạnh (Phú Yên); Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định). "Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn đang làm việc trực tiếp với từng đơn vị gửi hàng, hỗ trợ bốc dỡ qua phương tiện khác khi có nhu cầu", ông Huấn nói.
Hầm Bãi Gió thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, được Pháp xây năm 1930, hoạt động năm 1936. Sau gần 10 ngày với ba đợt sạt lở, hầm chưa thông, gây ách tắc cho vận chuyển khách và hàng hóa. Hiện, các tàu bắc nam khởi hành tại ga Hà Nội và Sài Gòn, khi đến khu vực gặp sự cố, khách được chuyển tải quãng đường bộ dài hơn 40 km.
Vị trí bị sạt lở. Đồ họa: Khánh Hoàng
Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, sạt lở hầm Bãi Gió khi được khắc phục, để tránh tình trạng tương tự đơn vị kiến nghị cấp thẩm quyền bố trí vốn gia cố 12 hầm yếu trên tuyến bắc nam, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng. Cùng với đó là phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt để đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết nguyên nhân sạt lở hầm Bãi Gió là do đá phong hóa, mất kết dính, không phải do quá trình thi công hầm.
Nguồn: [Link nguồn]