Hơn 500 chung cư ở TPHCM vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Sự kiện: Tin ngắn

Trong số 531 chung cư tồn tại vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo.

Đây là con số được Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM đưa ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 04 của UBND TPHCM về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), sáng 2/11.

Đại tá Tâm cho biết, qua khảo sát, đánh giá 1.049 cơ sở nhà chung cư theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng chức năng phát hiện 531 nhà chung cư tồn tại nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động.

Một căn hộ chung cư ở quận 6 xảy ra cháy hồi tháng 1/2023. Ảnh: Hoàng Thuận

Một căn hộ chung cư ở quận 6 xảy ra cháy hồi tháng 1/2023. Ảnh: Hoàng Thuận

Cụ thể, 95 trường hợp không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 120 trường hợp không đảm bảo giải pháp ngăn cháy; 188 trường hợp không đảm bảo điều kiện thoát nạn; 249 trường hợp có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo và 121 trường hợp vi phạm khác.

Chung cư vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động là 24 cơ sở, trong đó cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư là 14 cơ sở.

Đại tá Tâm cũng cho biết, trong 5 năm qua, TPHCM xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85,36 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn xảy ra 2.142 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê, trong đó, có trên 1.500 vụ cháy cỏ, rác, phế liệu và khoảng gần 600 vụ chạm chập tại các trụ điện, cháy tại các nhà ở riêng lẻ, được xử lý kịp thời không để xảy ra thiệt hại về tài sản.

Trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 1.6 triệu nhà ở hộ gia đình, gần 80.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó, có hơn 50.000 nhà ở kết hợp kinh doanh từ 2 tầng trở lên.

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị báo cháy tại cơ sở cho thuê phòng ở TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Thuận

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị báo cháy tại cơ sở cho thuê phòng ở TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Thuận

Nói về hạn chế, khó khăn trong công tác PCCC, Đại tá Tâm cho biết, một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có mặt bằng nhỏ hẹp, thường sử dụng ki-ốt cho thuê hoặc nhà ống đã xây dựng từ nhiều năm trước để hoạt động.

Do đó, việc kiến nghị mở thêm lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp không thể thực hiện do không còn không gian để mở lối thoát nạn thứ 2 hoặc không thể trổ mái, qua ban công, lô gia để qua nhà bên cạnh an toàn.

Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phần lớn còn chưa cương quyết, mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe; đặc biệt là trong quá trình sử dụng, người dân tự ý cơi nới, cải tạo không đảm bảo theo giấy phép xây dựng và ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC của công trình.

Việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố chưa được chú trọng; đa số phương tiện và vật tư kỹ thuật phục vụ công tác chữa cháy đã quá cũ, xuống cấp, hư hỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Quá trình sinh sống, kinh doanh, nhiều người dân tại một số chung cư, nhà cao tầng đã tự ý cơi nới về mặt xây dựng khi chưa có ý kiến về xây dựng và an toàn PCCC của cơ quan có thẩm quyền; xuất hiện các hành vi xâm lấn hành lang, lối đi chung, bố trí bãi giữ xe trên đường đi nội bộ và xung quanh công trình ảnh hưởng đến yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy, giải pháp ngăn cháy và giao thông phục vụ chữa cháy…

Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, các điều kiện an toàn PCCC giữa cư dân, ban quản trị và ban quản lý, chủ đầu tư; xung đột lợi ích trong lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, kinh phí vận hành… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công tác kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC.

Đề xuất ngừng cấp điện, nước với công trình vi phạm phòng cháy ở Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thuận ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN