Hơn 3.700 tỉ làm cầu Nguyễn Khoái, giải kẹt khu Nam TP.HCM

Sự kiện: Tin ngắn

Cầu đường Nguyễn Khoái sẽ nối thông quận 1, quận 4 và quận 7, góp phần giải quyết ùn ứ ở cửa ngõ phía nam TP.

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (quận 1, quận 4 và quận 7). Đây cũng là dự án được UBND TP.HCM trình HĐND TP điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Giải quyết kẹt xe khu Nam TP

Năm 2016, HĐND TP thông qua dự án cầu đường Nguyễn Khoái. Song dự án có nhiều kiến nghị thay đổi quy mô để phù hợp với nhu cầu giao thông, tăng hiệu quả khai thác nên chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, hiện nay các tuyến đường từ khu vực phía nam TP đang trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Các trục đường chính như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Phạm Hùng… thường xuyên bị ùn ứ, dù là giờ thấp điểm.

Toàn cảnh cầu đường Nguyễn Khoái nối quận 1, quận 4 và quận 7. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Toàn cảnh cầu đường Nguyễn Khoái nối quận 1, quận 4 và quận 7. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nhiều năm nay người dân địa phương quận 7, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh… luôn mong ngóng có cầu đường Nguyễn Khoái để giảm áp lực giao thông cho những tuyến đường còn lại.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết sở vừa trình UBND TP.HCM dự án cầu đường Nguyễn Khoái, đây là một trong 10 dự án sẽ trình HĐND TP thông qua điều chỉnh dự án trong kỳ họp tới.

Dự án có tổng mức đầu tư là 3.735 tỉ đồng từ ngân sách TP, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỉ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỉ đồng. Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài gần 2,5 km, phần đường có chiều dài hơn 2,3 km.

Sở GTVT TP.HCM cho biết đến nay dự án đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh. Trong kỳ họp tới, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tới năm 2024, chủ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư. Tới quý IV-2024 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng công trình, bao gồm các hạng mục cầu và đường dẫn phía quận 1. Dự kiến tới năm 2027 dự án sẽ được hoàn thành, khai thác.

Trong kỳ họp tới, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Khoái.

Các địa phương đã sẵn sàng mặt bằng

Ông Nguyễn Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự án cầu đường Nguyễn Khoái sẽ vượt qua kênh Tẻ và rạch Bến Nghé (theo trục đường Nguyễn Khoái - D1). Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm TP. Từ đó, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y, đường Nguyễn Tất Thành.

Đồng thời, dự án góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao...

Đặc biệt, dự án cầu đường Nguyễn Khoái cũng có tính tác động xã hội rất lớn. Việc đầu tư xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái cùng với các trục đường hiện hữu như cầu Tân Thuận và đường Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ và đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ - Dương Bá Trạc - đường 9A, cầu Chữ Y… sẽ tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh khu dân cư trên địa bàn phía nam TP. Từ đó từng bước hoàn thiện quy hoạch, ổn định dân sinh trong khu vực.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết cầu đường Nguyễn Khoái có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là cây cầu bắc qua ba quận nên sẽ giải quyết về áp lực giao thông cho cả khu Nam TP.

Ông Phúc cho biết chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực hết mình ngay sau khi HĐND TP.HCM thông qua quyết định điều chỉnh. Dự kiến chủ đầu tư sẽ đưa dự án về đích đúng theo kế hoạch.

Theo ông Phúc, mặt bằng triển khai dự án đã được các địa phương chuẩn bị. Phía quận 1 và quận 7 đã sẵn sàng, còn quận 4 cũng đã có phương án đẩy nhanh tiến độ mặt bằng, đáp ứng tiến độ toàn dự án.

Hiện nay các đơn vị cũng đã tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án với khoảng 125 trường hợp (gồm 25 tổ chức và 100 hộ dân). Chủ đầu tư, UBND quận 4 và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp tổ chức thực hiện theo quy định sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Ngành giao thông TP cũng đã tính toán đến phương án huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, đây là những nhân tố để đưa dự án về đích theo kế hoạch” - ông Phúc nhấn mạnh.

Làm tám cầu bộ hành kết nối trên cầu Nguyễn Khoái

Phối cảnh cầu đường Nguyễn Khoái sau khi dự án hoàn thành. Ảnh: Đ.TRANG

Phối cảnh cầu đường Nguyễn Khoái sau khi dự án hoàn thành. Ảnh: Đ.TRANG

Nhánh cầu chính sẽ xây dựng cầu vượt kênh Tẻ, tiếp tục đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái, sau đó vượt rạch Bến Nghé để kết nối vào đường Võ Văn Kiệt theo hai nhánh cầu riêng biệt N7 và N8. Bên cạnh đó là các nhánh cầu rẽ N1, N2 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Trần Xuân Soạn.

Xây dựng các cầu nhánh N3, N4 dọc đường Tôn Thất Thuyết giao thông hai chiều để lên xuống cầu cạn, đáp ứng nhu cầu giao thông quận 1, quận 4 và quận 4 - quận 7. Xây dựng hai cầu nhánh N5, N6 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Võ Văn Kiệt. Đồng thời, xây dựng thêm tám cầu bộ hành kết nối với các tuyến đường.

Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa ”chốt” phương án xây cầu Cát Lái

Sở GTVT Đồng Nai đã làm việc với Sở GTVT TP.HCM trên 5 lần để bàn về hướng tuyến kết nối xây dựng cầu Cát Lái nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Trang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN