Hơn 2.000 tỉ đồng quỹ phòng, chống thiên tai đang ở đâu?

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ NN&PTNT cho biết hơn 2.000 tỉ đồng quỹ phòng, chống thiên tai là số tiền quỹ tồn mà 63 tỉnh, TP đang giữ, quản lý.

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc với 329 người chết, mất tích; kinh tế ước tính ban đầu bị thiệt hại gần 33.000 tỉ đồng (số liệu của Bộ NN&PTNT, cập nhật đến ngày 16-9).

Vấn đề quỹ phòng, chống thiên tai được sử dụng thế nào, trong thời điểm cấp bách nào được người dân quan tâm. Trước vấn đề này, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã có thông tin cụ thể.

Đến 20-9, quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh còn tồn 2.263 tỉ đồng

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định 78/2021. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ bao gồm quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý và quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.

Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân miền Bắc. Ảnh: PLO

Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân miền Bắc. Ảnh: PLO

Về quỹ trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý, trả lời báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết Bộ NN&PTNT (cơ quan Chính phủ giao) đã lập quỹ phòng chống thiên tai trung ương. Tuy nhiên, do vướng mắc về mô hình hoạt động quỹ trung ương nên đến nay vẫn chưa hoạt động được.

Còn về quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2014. Tính đến 20-9, 63/63 tỉnh, TP thu được 5.925 tỉ đồng, chi 3.686 tỉ đồng, kết dư quỹ 2.263 tỉ đồng.

Nguồn thu của quỹ cấp tỉnh bao gồm sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; sự đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng); công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định về lao động.

Ngoài ra, nguồn thu của quỹ cấp tỉnh còn được điều tiết từ quỹ trung ương và giữa các quỹ cấp tỉnh; thu lãi từ tài khoản tiền gửi; các nguồn hợp pháp khác (nếu có); tồn dư quỹ cấp tỉnh cuối năm trước được chuyển sang năm sau.

“Toàn bộ nguồn thu quỹ trong năm (bao gồm cả lãi từ tài khoản tiền gửi) sẽ chi cho các nội dung hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn của tỉnh/TP. Trong đó ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa. Tồn dư quỹ cấp tỉnh là số tiền quỹ thu được từ khi thành lập, hàng năm nếu chi không hết được chuyển sang các năm sau để sử dụng tiếp” - Cục này thông tin.

Cũng theo Cục này, sau khi bị thiệt hại do bão số 3, một số địa phương dự kiến sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Cụ thể: Lào Cai 5 tỉ đồng, Hải Phòng 50 tỉ đồng, Điện Biên 3 tỉ đồng, Yên Bái 13 tỉ đồng, Thái Nguyên 10 tỉ đồng. Các tỉnh khác đang tổng hợp thiệt hại, rà soát và đề xuất sử dụng quỹ.

Thẩm quyền chi quỹ cấp tỉnh thuộc về địa phương

Về thẩm quyền chi quỹ, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của quỹ cấp tỉnh tại điều 16 Nghị định 78 theo đề nghị của cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã quyết định nội dung chi và mức chi theo đề nghị của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.

Nếu thực hiện việc điều chuyển quỹ cho Trung ương thì theo quyết định của Thủ tướng hoặc cho các quỹ cấp tỉnh của các địa phương khác thì theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

“Từ quy định nêu trên cho thấy nếu tỉnh nào trong năm ít có thiệt hại về thiên tai thì sẽ không phải sử dụng nhiều đến quỹ dẫn đến việc tồn dư quỹ sẽ nhiều. Tuy nhiên, khi thiên tai bất ngờ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho địa phương thì việc sử dụng quỹ cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thực sự cần thiết và ý nghĩa.

Các tỉnh còn tồn dư quỹ có thể tạm ứng hoặc hỗ trợ các tỉnh khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Như vậy, việc tồn quỹ cuối năm nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình thiên tai hàng năm tại địa phương” - Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho hay.

Về vấn đề công khai quỹ, Cục cho biết được thực hiện theo quy định tại Điều 20, Nghị định 78. Trong đó, cấp xã, cấp huyện báo cáo giải trình công khai tại cuộc họp tổng kết hàng năm, niêm yết tại trụ sở UBND xã/huyện, công khai trên phương tiện truyền thanh xã, cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

Cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh thì gửi cơ quan quản lý quỹ trung ương, niêm yết tại trụ sở quỹ cấp tỉnh, thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức đóng góp quỹ, công khai trên cổng thông tin điện tử UBND cấp tỉnh, cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh.

Ngày 20-9, một tài khoản Facebook đăng tải bài viết đặt câu hỏi băn khoăn: “2.000 tỉ quỹ phòng chống thiên tai đang ở đâu” đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân.

Bài viết nêu: "Được biết, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 tỉ đồng nằm trong quỹ phòng, chống thiên tai do ngành nông nghiệp quản lý nhưng cụ thể nó được chi cho bão lũ thế nào là một ẩn số...

Quỹ này thu nhiều năm nhưng chi thì rất ít. Năm nào cũng thấy kết dư đến cả ngàn tỉ đồng và tăng đều đều. Gần nhất, báo cáo tháng 5-2023 cho thấy quỹ này đang kết dư 1.962 tỉ đồng".

Trong 2 ngày qua có 3 người ở xã Sơn Lâm, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tử vong do mưa lũ cuốn trôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN