Hơn 200 nhân viên, bác sĩ BV Bạch Mai nghỉ việc: Hoạt động khám chữa bệnh thay đổi thế nào?
Nhiều người tỏ ra băn khoăn liệu hơn 200 cán bộ, người lao động nghỉ việc như vậy thì Bệnh viện Bạch Mai có đủ năng lực để khám chữa bệnh?
ThS. BS Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai
Tuyển dụng gấp đôi số nhân viên, bác sĩ nghỉ việc
Gần đây, thông tin 221 cán bộ, người lao động làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong số 221 người thì có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị như dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ.... do bệnh viện kiện toàn, tinh gọn; 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học…
Bệnh viện giải thích có 4 lý do chính khiến nhân viên thôi việc, đó là: Do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì COVID-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới.
Nhiều người tỏ ra băn khoăn liệu hơn 200 cán bộ, người lao động nghỉ việc như vậy thì Bệnh viện Bạch Mai có đủ năng lực để khám chữa bệnh?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/4, ThS. BS Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc 221 cán bộ, người lao động nghỉ việc không ảnh hưởng đến các hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Ông Thành cho biết thêm, 221 cán bộ, người lao động nghỉ việc không phải cùng một lúc mà việc này được thống kê từ 1/2/2020 đến cuối tháng 3/2021. Khi những người này nghỉ, bệnh viện đã tuyển thêm 506 người khác.
“Tuyển dụng hơn 500 nhân sự không phải ồ ạt mà do nhu cầu của bệnh viện phát triển nhiều chuyên khoa mới nên phải tuyển dụng nhân sự mới phù hợp. Khi chuyên khoa chuyên môn sâu thì mở rộng nhân sự là điều cốt yếu. Bên cạnh đó, các yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ thì điều dưỡng được bổ sung, hộ lý, đội ngũ hướng dẫn viên lên đến hàng trăm người….
Tất cả nhân sự nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Không phải vì không có tiền mà bệnh viện không tuyển dụng nhân sự thêm", ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ giai đoạn 2020-2021.
Kể từ khi bệnh viện tự chủ tất cả đều công khai minh bạch. Trước đây không có chuyện thu chi tài chính từng đơn vị được công bố công khai, giờ hàng tuần phải báo cáo trước toàn bệnh viện. Công khai hoạt động chuyên môn của từng đơn vị. Từng đơn vị thu chi bao nhiêu… Chính vì những công khai minh bạch, chỉ đạo chuẩn chỉ như vậy sẽ hạn chế lỗi, sai phạm, thu không hợp lý.
Đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ
Một cán bộ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trong khoảng 1 năm qua, bệnh viện đã có rất nhiều đổi mới. Bệnh viện xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như phá bỏ khu nhà lưu trú, nhà tang lễ, xây lại miếu thờ, bố trí nhiều ghế ngồi, mái che, cây nước… cho người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện mới đưa vào sử dụng một tòa nhà 9 tầng khang trang, hiện đại làm nơi khám chữa bệnh.
Cùng với đó, trong công cuộc đổi mới, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân sự tăng cường.
Toàn bộ Khoa khám chữa bệnh đã được chuyển sang khu nhà 9 tầng mới được xây dựng khang trang, hiện đại. Đối với bác sĩ Khoa khám bệnh, trước đây 7h30 mới bắt đầu làm việc thì giờ phải có mặt tại bệnh viện lúc 5h sáng nhằm giải quyết tình trạng đông bệnh nhân, để người bệnh không phải chờ đợi lâu…
Một đội ngũ khoảng 50 nhân viên thuộc Phòng Công tác xã hội của BV Bạch Mai có nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn người bệnh và người nhà khi đến bệnh viện…
Một đội ngũ nhân viên có nhiệm vụ đón tiếp và hướng dẫn người bệnh từ ngoài cổng đến các khoa.
Là người đã khám định kỳ ở Bệnh viện Bạch Mai đã hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tiến (61 tuổi, quê Bắc Giang) nhận xét, khoảng 1 năm trở lại đây, ông nhận thấy khâu đón tiếp của bệnh viện đã thay đổi rất nhiều, cùng với đó là thời gian khám bệnh được rút ngắn.
Trước đây, có khi ông phải đi từ tờ mờ sáng để lấy số thứ tự khám và mất vài tiếng đồng hồ để khám tổng quát. Thế nhưng, sáng nay (16/4), ông chỉ mất chưa đầy 1 tiếng là đã hoàn tất thủ tục khám và được bác sĩ dặn dò kê đơn thuốc cho ông về nhà uống theo hướng dẫn.
“Tôi có nghe chuyện lùm xùm tại bệnh viện về việc hơn 200 nhân sự xin nghỉ. Bản thân là người bệnh, tôi cũng có chút hoang mang. Thế nhưng công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra tích cực. Tôi thấy hoàn toàn yên tâm và hài lòng”, ông Tiến bộc bạch.
Ông Tiến đánh giá dịch vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai đã thay đổi theo hướng tích cực.
Anh Mai Anh Tuấn (45 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) – Trưởng xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) là người có thâm niên 45 năm chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Bản thân anh thấy dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện đang tốt lên từng ngày.
Theo anh Tuấn, trước đây, bệnh nhân chạy thận như anh sợ nhất vấn đề giao ca (ca 1 và ca 2) vì lúc này bệnh nhân và người nhà của ca sau đến được vào phòng lọc máu tự do. Cùng với đó, người nhà và bệnh nhân vẫn mặc nguyên quần áo đi lại vô tư trong phòng… rất dễ xảy ra nhiễm khuẩn chéo giữa các bệnh nhân.
Trưởng xóm chạy thận Mai Anh Tuấn hài lòng về sự thay đổi của Bệnh viện Bạch Mai.
“Hiện nay, bệnh nhân trước khi chuẩn bị vào lọc máu sẽ có một phòng riêng để khám, cân và đo huyết áp. Sau đó, bệnh nhân phải thay đồ mới được vào phòng chạy máy. Khi lọc máu xong bệnh nhân phải thay đồ mới được ra khỏi phòng.
Khi bệnh nhân của ca 1 ra hết thì ca sau mới được vào, đảm bảo được vấn đề vô khuẩn. So với trước khi thì sự thay đổi này tôi thấy vô cùng tốt, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân lọc máu”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết thêm, hiện người nhà bệnh nhân khoa chạy thận cũng không được vào chăm sóc bệnh nhân. Chính vì vậy, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều được các điều dưỡng chăm sóc. Ngay cả ga trải giường trước kia các bệnh nhân cũng phải tự mang đi thì nay bệnh viện đã chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân…
Nguồn: [Link nguồn]
Tại Bệnh viện Bạch Mai, khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên y tế với bệnh viện khá thấp.