Hơn 20 bác sĩ đi trực thăng cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu

Khoảng 11h30 sáng nay, hơn 20 bác sĩ đầu ngành của hai bệnh viện lớn của Thủ đô (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức) sẽ có mặt tại Lai Châu cấp cứu kịp thời nạn nhân vụ sập cầu.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đứt cáp cầu treo tại Lai Châu khiến 50 người rơi xuống suối, 7 người thiệt mạng, Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đã điều động các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, gây mê, ngoại, huyết học…lên hiện trường vụ lật cầu.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trực thăng sẽ chở các bác sỹ lên cấp cứu, phẫu thuật kịp thời cho các bệnh nhân vụ sập cầu đang trong tình trạng nguy kịch.

Hơn 20 bác sĩ đi trực thăng cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu - 1

Cây cầu nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm ở Lai Châu

 “Bệnh viện Việt Đức cử 14 chuyên gia hàng đầu ở các Khoa chấn thương sọ não, hồi sức cấp cứu... lên hiện trường. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ xe cứu thương, cơ số thuốc, dụng cụ trang thiết bị thiết yếu cho công tác cứu chữa bệnh nhân", BS Quyết nói.

Được biết, dẫn đầu đoàn bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lên Lai Châu hỗ trợ vụ lật cầu là PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết.

Ngoài Bệnh viện Việt Đức lên hiện trường vụ lật cầu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cử 11 bác sĩ đầu ngành đến hiện trường hỗ trợ cấp cứu.

TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết,  hiện bệnh viện tỉnh và huyện không đủ phương tiện, máu và bác sĩ tay nghề cao để có thể cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân do đó, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 11 chuyên gia hàng đầu hiện trường, hỗ trợ, cứu chữa bệnh nhân.

Hơn 20 bác sĩ đi trực thăng cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu - 2

Nạn nhân trong vụ sập cầu đang nằm viện

BS Hùng cho biết, đối với vụ sập cầu ở Lai Châu, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tuy có kinh nghiệm cấp cứu nhưng thiếu trang thiết bị y tế nên công tác cấp cứu chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ nhanh chóng phân loại, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

“Những gì làm được tại chỗ chúng tôi sẽ làm, nếu không được chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, BS Hùng nói.

BS Hùng đánh giá, vụ sập cầu này tuy không lớn nhưng nó xảy ra với đồng bào dân tộc, nơi có địa hình hiểm trở cũng là một khó khăn đối với các bác sĩ.

Trước đó (ngày 24/2), vụ tai nạn xảy ra khi đoàn đưa tang một người đàn ông dân tộc Mông (ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình) đang đi trên cầu được khoảng 15m thì bất ngờ cầu sập, khiến tất cả đoàn đưa tang rơi xuống suối.

Sở Y tế Lai Châu cho biết, đã có 8 người thiệt mạng, 7 người chết tại hiện trường, 1 người đưa đến Bệnh viện thì tử vong. Còn lại 36 người đang trong tình trạng nguy kịch, bị thương nặng vì đa chấn thương. Tuy nhiên với năng lực của bệnh viện, từ sáng tới giờ, bệnh viện mới mổ được cho 12 nạn nhân, còn lại rất nhiều nạn nhân vẫn đang phải nằm chờ phẫu thuật. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Lật cầu thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN