Ông Dương Trung Quốc: 'Lòng dân là thước đo chuẩn mực nhất'
Viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia sáng 26/7, nhà sử học Dương Trung Quốc nói "lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất, bà con khắp nơi đến đây đã thể hiện rất rõ điều đó".
Thời gian viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7: Từ 7h đến 13h Địa điểm: - Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội - Hội trường Thống Nhất, TP HCM - Quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà NộiLễ truy điệu: 13h ngày 26/7 Lễ an táng: 15h ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch Lưu ý: Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2. |
Người dân tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức lúc 13h.
Linh xa, đoàn xe tháp tùng cùng lực lượng phục vụ bắt đầu tiến vào nhà tang lễ. Đoàn xe phục vụ Quốc tang thường gồm 15 ôtô và một xe chở linh cữu (linh xa). Trong đó, đoàn xe chỉ huy có xe chở Quốc kỳ, ảnh, huân, huy chương; xe chở Quân kỳ; xe chỉ huy; 6 xe vận tải chở đội hình danh dự; 3 xe vận tải ba cầu (xe kéo linh xa, xe chở hoa, xe dự phòng), 2 xe thông tin, một xe cứu thương; phía cuối là khẩu lựu pháo 122 mm, trên bệ ghi hàng chữ "Tổ quốc ghi công".
Ảnh: Giang Huy
Lực lượng chức năng các phường bắt đầu căng dây, lập hàng rào bảo vệ hai bên vỉa hè các phố từ Nhà tang lễ Quốc gia đến nghĩa trang Mai Dịch.
Đoàn linh cữu sẽ qua các phố Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Quảng trường Cách mạng Tháng 8 - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - đường gom Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - nghĩa trang Mai Dịch.
Công an các phường chuẩn bị bảo vệ đường cho linh xa Tổng Bí thư. Ảnh: Gia Chính
Bộ đội được triển khai làm công tác bảo vệ an ninh trật trên đường Lê Quang Đạo. Ảnh: Võ Thạnh
Ảnh: Giang Huy
Người dân xếp hàng dài viếng Tổng Bí thư ở quê nhà Đông Hội, Đông Anh. Video: Phạm Ngọc
Đến 10h20 dòng người đổ về hội trường Thống Nhất ngày một đông để chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chỉ còn hơn 1 tiếng 30 phút sẽ hết giờ viếng nhưng dòng người vẫn còn đổ về Hội trường Thống Nhất, xếp hàng dài dọc vỉa hè các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du...
Dòng người xếp hàng dài trước Hội trường Thống Nhất chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thanh Tùng
Ban tổ chức vẫn đang nỗ lực sắp xếp, bố trí cho người dân được vào viếng. Người dân được Ban tổ chức ghép đoàn 30-40 người để vào viếng, sẽ có một người đại diện lên thắp hương. Toàn thể người đến viếng sẽ có một phút mặc niệm. Nhiều người không kìm được xúc động, bật khóc.
Bà Phạm Thị Kim ngồi trên xe lăn được Ban tổ chức hướng dẫn vào viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Thanh Tùng
Bà Phạm Thị Kim, 92 tuổi từ Hải Phòng vào TP HCM thăm con cháu, hay tin Tổng Bí thư mất bà nhờ người thân đưa đến hội trường để viếng. Ban tổ chức bố trí người già, trẻ em được ưu tiên đi lối đi riêng.
Ban tổ chức cho biết, trong 3 tiếng từ 7-10h ngày 26/7, đã có 180 đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Trong đó một đoàn trung ương, 4 đoàn nước ngoài, 175 đoàn trong nước với gần 10.700 người đến viếng.
Tâm tình của người dân TP HCM với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Tuấn Việt
Các lực lượng phục vụ lễ truy điệu, di quan, an táng bắt đầu vào nhà tang lễ. Ảnh: Phạm Dự
Hơn 500 tăng ni, phật tử tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Phật giáo tại chùa Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP HCM, sáng 26/7. Trong tiếng kinh kệ, dòng người xếp hàng lên thắp nhang, thành kính tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ người lãnh đạo đã dành cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Việt Nam Quốc Tự, sáng 26/7. Video: Công Khang
Ông Nguyễn Văn Cần, 84 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội, lần thứ hai đến nhà tang lễ để viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Giang Huy
Một người lớn tuổi bật khóc khi chia sẻ mất mát với gia đình Tổng Bí thư. Ảnh: Giang Huy
Ảnh: Giang Huy
Ảnh: Giang Huy
Ảnh: Võ Hải
Trong hai ngày quốc tang, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương đã tổ chức mặc niệm, tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghi thức được tổ chức ở nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn FDI có sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân trực tiếp sản xuất, cán bộ, quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp là người nước ngoài.
Công nhân Công ty TNHH Kỹ nghệ cửa Ý - Á Châu mặc niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: An Phương
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết nghi thức mặc niệm, tưởng nhớ được thực hiện trước giờ vào sản xuất. Chủ tịch công đoàn sẽ điểm lại tiểu sử, công lao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó toàn thể người tham dự sẽ dành một phút mặc niệm.
Bình Dương là thủ phủ công nghiệp phía Nam với hơn 1,2 triệu lao động làm việc. Cách đây 11 năm, ngày 13/4/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại Bình Dương. Lúc đó, ông đã đã ân cần thăm hỏi công nhân trực tiếp sản xuất, tham quan khu nhà ăn, siêu thị mini và cả khu nhà trẻ dành cho con em công nhân, khu nhà lưu trú của doanh nghiệp có chính sách chăm lo tốt cho người lao động.
Cán bộ nhân viên Công ty TNHH Astro tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: An Phương
Trong chuyến thăm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Bình Dương cần nhân rộng mô hình chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Điều này sẽ giúp công nhân phát triển toàn diện, tạo điều kiện tốt nhất để lao động yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ, công sức làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định vào viếng Tổng Bí thư sáng nay. Ảnh: Giang Huy
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi), thầy giáo của Tổng Bí thư khi học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, người thành lập và xây dựng trường Nguyễn Siêu, khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, ông đặt vé máy bay từ Đức về Hà Nội để kịp đến viếng trong sáng 26/7.
"Mong Tổng Bí thư được siêu thoát, trở về cõi vĩnh hằng an vui với các đồng chí tiền bối tại nghĩa trang Mai Dịch. Những lời dạy của Tổng Bí thư đối với đội ngũ giáo viên chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ để xây dựng sự nghiệp trồng người, đào tạo học sinh trở thành những công dân hữu ích", ông Vĩnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi) ngồi xe lăn đến viếng. Ảnh: Võ Hải
Cô giáo tiểu học và thầy giáo cấp 3 của Tổng Bí thư ngồi xe lăn đến viếng trò. Video: Anh Phú
Nhiều người lớn tuổi, người ngồi xe lăn đến viếng Tổng Bí thư không phải xếp hàng. Họ được các tình nguyện viên, lực lượng quân đội hỗ trợ đưa vào viếng.
Lễ viếng có nhiều người lớn tuổi tham gia. Ảnh: Giang Huy
Nhiều cán bộ quân đội về hưu đến lễ viếng. Ảnh: Giang Huy
Bộ đội hỗ trợ người lớn tuổi lên, xuống bậc thềm hội trường nhà tang lễ. Ảnh: Giang Huy
Bà Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, người dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tiểu học được cháu gái đẩy xe lăn đến viếng Tổng Bí thư.
Bà Đặng Thị Phúc, 92 tuổi, cô giáo của Tổng Bí thư. Ảnh: Giang Huy
Sau khi học xong sư phạm, bà Phúc về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học. Số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp. Học trò nhỏ nhất của bà ở xã Đông Hội là Nguyễn Phú Trọng. Bà vẫn nhớ trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, từng được báo cáo điển hình trước toàn trường.
Người dân xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư tại nhà tang lễ Quốc gia. Video: Huy Mạnh
Tại điểm tổ chức tang lễ ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, quê nhà Tổng Bí thư, sáng 26/7 đã có khoảng 100 đoàn đăng ký viếng từ 7h đến 12h, theo Ban Tổ chức.
Trong ngày đầu đã có trên 1.000 đoàn đến viếng. Tối 25/7 Ban tổ chức đã đón tiếp những người cuối cùng vào khoảng 23h.
Nhiều người bật khóc khi vào viếng, thắp hương trước di ảnh Tổng Bí thư. Ảnh: Võ Hải
Ông Fadillah Yusof, Phó Thủ tướng Malaysia dẫn đầu đoàn viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Giang Huy
Đại diện Đoàn Philippines vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Các đoàn đại biểu quốc tế bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư, đi đầu là đoàn Đảng Cộng sản Anh.
Đại diện Đoàn cộng sản Anh. Ảnh: Giang Huy
Trên phố Trần Khánh Dư, nhiều người viếng xong chưa về ngay mà đứng ven đường, quanh nhà tang lễ đợi đến giờ truy điệu, di quan Tổng Bí thư. Họ chủ yếu ở quê xa như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên..., đến Hà Nội trong đêm hoặc sáng sớm.
Người dân chờ đợi vào viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Phạm Chiểu
Đợi từ 4h, vợ chồng chị Đỗ Thị Hiên chỉ được vào viếng vài phút nhưng vẫn thấy thỏa lòng. Anh chị tự lái xe từ Thái Bình lên Hà Nội lúc nửa đêm, nghỉ tạm nhà người thân rồi tới nhà tang lễ sớm. Họ định "đợi đến chiều làm lễ truy điệu, an táng Tổng Bí thư xong rồi mới yên dạ về quê".
Nhà sử học Dương Trung Quốc có mặt từ sớm, đứng xếp hàng cùng người dân chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Tôi biết là rất đông người đến viếng nên đã ra từ sáng sớm, chứng kiến cảnh những hàng người nối dài thấy rất nhiều cảm xúc. Ông cha ta nói rồi, lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất. Chúng ta thấy bà con tứ xứ đến đây đã thể hiện rất rõ điều đó", ông nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trên phố Lò Đúc. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông mong rằng quốc tang của Tổng Bí thư sẽ đánh thức nhiều người, nhất là những nhà lãnh đạo: "Đánh thức lương tri, đánh thức trách nhiệm".
Trên các tuyến phố quanh Nhà tang lễ quốc gia như Hàn Thuyên, Nguyễn Công Trứ, hàng nghìn người dân xếp hàng chờ viếng kéo dài hơn một km, nhiều người mang theo đồ ăn, nước uống.
Vẫn như hôm qua, người dân vào viếng cần mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại cài VNeID đã định danh điện tử mức độ 2 và mặc đồ tối màu.
Các tuyến đường qua Nhà tang lễ quốc gia. Đồ họa: Đỗ Nam
Ngoài người dân, dự kiến sáng nay 26 đoàn đại biểu từ các địa phương, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế sẽ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ 6h sáng, người dân đã xếp dài hàng cả trăm mét trên các con phố quanh nhà tang lễ, trong đó có phố Hàn Thuyên. Ảnh: Phạm Chiểu
Sáng nay, từ sớm, hàng nghìn người đã xếp hàng dài trên phố Lò Đúc, Hàn Thuyên chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia.
Dòng người xếp hàng dài trên phố Hàn Thuyên. Ảnh: Phạm Chiểu
Hàng nghìn người xếp hàng trước cổng Hội trường Thống Nhất, phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Thanh Tùng
Từ sáng sớm 26/7, khu vực trung tâm TP HCM mưa lất phất. Nhiều người đến từ các tỉnh, thành phía Nam đã xếp hàng dài trước Hội trường Thống Nhất chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lực lượng chức năng phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân đăng ký.
Trần Huyền Trang, nhân viên văn phòng tranh thủ trước giờ làm đi viếng cố Tổng Bí Thư. Trang cho biết đi cùng em gái dậy từ 5h đi từ đường Cộng Hoà, quận Tân Bình đến Hội trường Thống Nhất.
Dòng người xếp hàng tại Hội trường Thống Nhất từ sáng sớm chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thanh Tùng
Trong hội trường, lễ viếng bắt đầu từ 7h. Hôm nay, lễ viếng sẽ kết thúc lúc 12h30. Trước đó, Ban tổ chức cho biết đến 22h ngày 25/7, đã có 691 đoàn viếng, hơn 38.000 lượt người, trong đó, người dân là 19.650.
Bà Lê Thị Tuyết, quê Bình Dương chia sẻ tâm tình khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Video: Tuấn Việt
Đêm qua, tại cả ba địa điểm ở Hà Nội và TP HCM, hàng chục nghìn người xếp hàng trong đêm để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Nhà tang lễ quốc gia, đến 22h - giờ dự kiến kết thúc, dòng người vẫn xếp hàng dài cả km trên phố Lò Đúc và các con phố quanh nhà tang để chờ được vào viếng. Công an tăng cường hướng dẫn, phân luồng giao thông. Ban tổ chức lễ tang đã mở cửa cho người dân vào viếng đến 24h, thay vì 22h như thông báo ban đầu.
Dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, lúc 22h ngày 25/7. Ảnh: Võ Thạnh
Tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người xếp hàng viếng Tổng Bí thư kéo dài hơn 2 km từ sáng sớm đến đêm. Đến hết ngày hôm qua, điểm viếng này có 960 đoàn với gần 40.000 người đến viếng.
Quá giờ kết thúc theo thông báo nhưng dòng người vẫn xếp hàng dài, Ban tổ chức quyết định mở cửa xuyên đêm.
Tại hội trường Thống Nhất TP HCM, hết giờ viếng nhưng nhiều người dân vẫn đổ tới nên UBND TP HCM đã kéo dài thời gian viếng đến 23h thay vì 22h như dự tính. Đến 17h hôm qua, có 539 đoàn và gần 20.000 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Người dân xếp hàng xuyên đêm viếng Tổng bí thư tại quê nhà. Ảnh: Nguyễn Đông
Các lãnh đạo TP HCM đã ghi trong sổ tang những tình cảm cũng như khẳng định suy nghĩ và hành động của mình trước những kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguồn: [Link nguồn]