Hôm nay Quốc hội thông qua Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi

Sự kiện: Tin ngắn
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sáng 29/6, Quốc hội sẽ biểu quyết lựa chọn phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt.

Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cả hai phương án "đều chưa phải tối ưu", chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần. Tại phiên thảo luận hội trường, có 55 đại biểu Quốc hội phát biểu nhưng không phương án nào nhận được sự đồng thuận của đa số.

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lý giải quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Khi triển khai, các đơn vị chức năng phải thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để người già về hưu đều có lương, bảo hiểm y tế.

Theo ông Dung, khi nghiên cứu các đề xuất, Ban soạn thảo từng tính toán đến việc tích hợp hai phương án như một số đại biểu đề xuất. Theo đó, người đang đóng BHXH được hưởng tiếp như phương án 1, người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2. Song tham vấn ý kiến các chuyên gia thì thấy rằng nếu cộng hai phương án lại thì "nhược điểm nhiều hơn ưu điểm".

Ngoài nội dung trên, dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý như giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Dự Luật cũng bổ sung quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Điều này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc những người tham gia không liên tục, khi đủ tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn được hưởng lương hưu.

Trong sáng 29/6, Quốc hội cũng thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" cũng được thông qua.

Tại phiên bế mạc sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Các nội dung gồm: việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giảm thuế giá trị gia tăng; thực hiện cải cách tiền lương; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn và một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.

Các khoản trợ cấp sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/ tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN