Hôm nay, Quốc hội sẽ bấm nút nghị quyết tạo đột phá cho TP.HCM

Sự kiện: Thời sự

TP.HCM đã sẵn sàng tâm thế, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch, nhân sự, phân công cụ thể từng đầu việc cho các sở, ngành để triển khai nghị quyết mới khi được thông qua.

Hôm nay (24-6), theo dự kiến, Quốc hội (QH) sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017.

Để có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn không chỉ của riêng TP.HCM mà còn của Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan trung ương và nhiều ý kiến đóng góp từ các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện TP.HCM đã sẵn sàng tâm thế và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch, nhân sự, phân công cụ thể từng đầu việc cho các sở, ngành phụ trách để triển khai, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất khi được thông qua.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM hôm 30-5. Ảnh: QH

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM hôm 30-5. Ảnh: QH

Trao nhiều quyền hơn cho TP

UBND TP.HCM cho biết quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được TP phối hợp cùng các cơ quan trung ương thực hiện công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ, với nhiều cơ chế vượt trội giúp TP.HCM khơi thông nguồn lực và phát triển.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết mới với 44 cơ chế, chính sách thuộc bảy nhóm chính sách lớn về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức với nhiều điểm mới.

Trong đó có ba chính sách kế thừa Nghị quyết 54, bốn chính sách vừa kế thừa vừa “nâng cấp” từ Nghị quyết 54, bốn chính sách tương tự các địa phương khác, sáu chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng 27 cơ chế, chính sách hoàn toàn mới.

Đáng chú ý, về cơ chế quản lý đầu tư, QH cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về tài chính, ngân sách, nghị quyết cho phép TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…; TP được quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Về tổ chức bộ máy, Chính phủ đề xuất QH trao quyền thành lập Sở An toàn thực phẩm cho TP.HCM. TP được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

TP được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP. Quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức…

TP.HCM đã sẵn sàng tâm thế, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai nghị quyết mới khi được thông qua. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

TP.HCM đã sẵn sàng tâm thế, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai nghị quyết mới khi được thông qua. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

TP.HCM phải đi trước, về trước

Góp ý về dự thảo nghị quyết trong phiên thảo luận tại hội trường hôm 8-6, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng cơ chế cho TP.HCM không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới cho cả nước. Ông cho rằng cơ chế đó phải đủ để TP.HCM trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.

Còn đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng các dự án triển khai tại TP.HCM phần lớn thuộc dạng “đặc biệt”, có ý nghĩa không chỉ đối với TP mà còn cả vùng, cả nước. Ông kỳ vọng với các chính sách đặc thù này, TP.HCM phải đi trước, về trước chứ không phải TP.HCM đi trước, về sau.

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nhìn nhận các cơ chế, chính sách cho TP.HCM trong dự thảo nghị quyết khá toàn diện, đặc biệt có những nội dung rất mới, mang tính đột phá. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị nên trao quyền rộng hơn cho TP về tổ chức bộ máy, nhân sự; cơ chế về đất đai; cơ chế BT trong huy động đầu tư…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá TP.HCM có vai trò lớn đối với đất nước nhưng gần đây có dấu hiệu giảm dần và chững lại. Để thực hiện vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, ông cho rằng TP phải có đủ điều kiện theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá.

Theo ông Dũng, cần tập trung để cơ chế, chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TP vì nhu cầu của TP về hạ tầng đô thị, y tế, xã hội, giao thông là rất lớn. “TP.HCM đang mặc cái áo chật quá, cần nới ra để TP phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu tại chương trình Cafe doanh nhân lần thứ 70 hôm 17-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết khi dự thảo nghị quyết được QH thông qua sẽ giúp mang lại nhiều cơ hội phát triển cho TP. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp phát triển. Do vậy, theo ông Mãi, TP rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp để triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện các nội dung của nghị quyết mới này.

Trước đó, trong buổi thảo luận tổ chiều 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận nghị quyết mới xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá nhằm huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của TP để phát triển. Việc đề xuất những cơ chế đặc thù mới cho TP.HCM là việc chung của quốc gia, không phải việc riêng của TP.

Theo ông Mãi, TP.HCM đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai để khi nghị quyết được QH thông qua thì có thể bắt tay ngay vào hành động…

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ trình Quốc hội các cơ chế đặc thù phát triển TP HCM

Xét về tính mới và kế thừa, Chính phủ trình Quốc hội 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN