Hôm nay Quốc hội chốt quy định nồng độ cồn với lái xe
Sáng 27/6, đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết riêng điều khoản về cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe trước khi thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Điều 9 của dự thảo nêu hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Một nhóm đồng ý với dự thảo, nhóm còn lại đề nghị quy định ngưỡng nồng độ cồn cho phép điều khiển phương tiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cấm tuyệt đối nồng độ cồn không phải nội dung mới mà được kế thừa từ Luật giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quy định này làm giảm tai nạn giao thông đường bộ, giảm thiệt hại do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân. Cấm nồng độ cồn cũng phòng ngừa hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do tác dụng của rượu bia.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ giống nòi. Quy định này nhằm hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Sau đó, Chính phủ tiến hành tổng kết, đề xuất việc quy định hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa) và các phó chủ tịch Quốc hội tham gia biểu quyết tại hội trường Diên Hồng ngày 26/6. Ảnh: Media Quốc hội
Về trường hợp không uống rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn trong máu, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo chỉnh lý theo hướng giao Bộ Y tế quy định về cách xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu. Dẫn ý kiến chuyên gia y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cồn nội sinh có nồng độ rất thấp, thiết bị thông thường của lực lượng chức năng không thể phát hiện được. Hoạt động kiểm tra của cảnh sát giao thông chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.
Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định lái xe bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Tuy nhiên từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, khi dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ kế thừa nội dung này, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh không đồng tình. Họ cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp", đề nghị ban soạn thảo quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp với từng loại phương tiện.
Bộ Công an bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện để giúp người lái xe tránh tình trạng "bị ép uống rượu". Hơn nữa, tài xế khi tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh để xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; thảo luận dự án Luật Phòng không nhân dân; thảo luận việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Buổi chiều, đại biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thảo luận dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, bởi thực tiễn chứng minh thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.